Ghế Tổng Giám đốc IMF của người Tây Âu đang lung lay?
Hạn chót đề cử ứng cử viên Tổng Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) là ngày 10-6 tới. Chiếc ghế này 65 năm qua là đặc quyền của người Tây Âu. Tình hình thế giới hiện nay đã thay đổi, thế độc quyền đang bị lung lay...Từ khi thành lập, Tổng Giám đốc IMF luôn là người Tây Âu, còn Tổng Giám đốc Ngân hàng thế giới (WB) luôn là người Mỹ. Đây được coi là biểu hiện quyền lực của hai bờ Đại Tây Dương đối với hai tổ chức quốc tế này. Sau vụ bê bối tình dục mới đây ở Mỹ, ông Đô-mi-ních Xtrốt Can (người Pháp), sau hơn ba năm tại vị, đã phải từ chức Tổng Giám đốc IMF. Việc chọn người ngồi vào chiếc ghế này trở thành vấn đề sôi động ở nhiều khu vực trên thế giới.Bộ trưởng Tài chính Pháp, bà Cri-xtin La-gác-đơ, 55 tuổi, đã được châu Âu đề cử, nhưng để ngồi vào chiếc ghế này không còn thuận lợi như những lần chọn lựa trước. Hiện nay, nhiều tiếng nói có sức nặng trên thế giới nêu rõ rằng, việc chọn lựa người đứng...
Từ khi thành lập, Tổng Giám đốc IMF luôn là người Tây Âu, còn Tổng Giám đốc Ngân hàng thế giới (WB) luôn là người Mỹ. Đây được coi là biểu hiện quyền lực của hai bờ Đại Tây Dương đối với hai tổ chức quốc tế này. Sau vụ bê bối tình dục mới đây ở Mỹ, ông Đô-mi-ních Xtrốt Can (người Pháp), sau hơn ba năm tại vị, đã phải từ chức Tổng Giám đốc IMF. Việc chọn người ngồi vào chiếc ghế này trở thành vấn đề sôi động ở nhiều khu vực trên thế giới.
Bộ trưởng Tài chính Pháp, bà Cri-xtin La-gác-đơ, 55 tuổi, đã được châu Âu đề cử, nhưng để ngồi vào chiếc ghế này không còn thuận lợi như những lần chọn lựa trước. Hiện nay, nhiều tiếng nói có sức nặng trên thế giới nêu rõ rằng, việc chọn lựa người đứng đầu IMF cần chú trọng khả năng làm việc, chứ không căn cứ vào quốc tịch. Châu Âu hiện đang gánh chịu cuộc khủng hoảng tài chính, tiền tệ vì các nguyên nhân quản lý yếu kém, càng làm việc đề cử người từ khu vực này vào vị trí đứng đầu IMF khó khăn hơn. Chính bà La-gác-đơ dường như cũng thừa nhận điều này. Trong những năm 80 của thế kỷ trước, khi IMF được điều hành bởi Tổng Giám đốc người Pháp, châu Âu đã lâm vào hoàn cảnh khó khăn tương tự như hiện nay. Lúc đó, châu Âu phải đối mặt tình trạng thâm hụt ngân sách khổng lồ và siêu lạm phát. Tác động của cuộc khủng hoảng này đã làm nhiều nước đang phát triển lao đao. Nhưng đó là việc của quá khứ. Hiện nay, thời kỳ phải cam chịu đã qua, tiếng nói của những khu vực khác trên thế giới đã có sức nặng đáng kể.
Việc ba trong số các vị Tổng Giám đốc IMF trước đây phải từ chức trước nhiệm kỳ do dính các vụ bê bối làm dấy lên câu hỏi hoài nghi về tính nghiêm túc của các vị đứng đầu IMF người châu Âu. Trong khi đó, sức mạnh của các nước mới nổi đang tăng dần trong nền kinh tế toàn cầu đòi hỏi cần có sự thay đổi vị thế. Những ứng cử viên xuất sắc cho chiếc ghế Tổng Giám đốc IMF từ các nước mới nổi trên khắp thế giới tỏ ra không kém sức nặng so với từ châu Âu.
Tại Hội nghị Tương lai châu Á ở Tô-ki-ô, Tổng Thư ký ASEAN Xu-rin Pít-xu-van kêu gọi, các nước châu Á hãy tập hợp cùng nhau đề cử một ứng cử viên tranh chức Tổng Giám đốc IMF. Châu Á đang là đầu tầu của tăng trưởng kinh tế toàn cầu, châu Á cần phải khẳng định vị trí và hành động của mình trong các tổ chức quốc tế như WB hay IMF. Ông nhấn mạnh, thời gian đang dành cho châu Á và nêu rõ, nếu một ứng cử viên cho chiếc ghế Tổng Giám đốc IMF không đến từ châu Á, cũng nên là người từ một nước thuộc thế giới thứ ba, chứ không nên là từ Liên hiệp châu Âu (EU) và càng không nên là Bắc Mỹ. Ông Xu-rin Pít-xu-van cho rằng, nếu không hành động, các nước châu Á sẽ bỏ qua một cơ hội hiện hữu và có thể cả trong tương lai.
Giới quan sát cho rằng, các khoản đóng góp của châu Á cho IMF hiện chiếm tới 42%, so với 30% của châu Âu và Mỹ. Không quan trọng vì thắng hay thua, với việc đề cử ứng cử viên tranh chức Tổng Giám đốc IMF, ít nhất, châu Á đã ra một tuyên ngôn bác bỏ độc quyền của châu Âu về đề cử người để nắm chức vụ này. Châu Á là một khu vực đã được hưởng lợi rất nhiều từ các tổ chức đa phương, giờ là thời gian cần đưa ra lập trường chung để cải cách các tổ chức này vì lợi ích của nền kinh tế toàn cầu. Châu Âu và Mỹ không thể nắm giữ các vị trí đó mãi mãi. Đồng tình với ông Xu-rin Pít-xu-van, đại diện từ Ô-xtrây-li-a U.Xvan khẳng định, việc lựa chọn người đứng đầu IMF theo tiêu chí năng lực, kinh nghiệm và những quy ước của người châu Âu đã lỗi thời.
Vấn đề chọn người tranh chức Tổng Giám đốc IMF đang thu hút sự quan tâm ở nhiều quốc gia châu Á. Trong số những nước châu Á muốn đề cử người làm ứng cử viên cho vị trí này có Ấn Độ, Thái-lan, In-đô-nê-xi-a, Phi-li-pin… Nhiều tiếng nói khẳng định, nên tìm ứng cử viên là châu Á, nếu không cũng là người được hỗ trợ bởi châu Á, tương tự như châu Âu đã có lập trường chung trong việc đề cử ứng viên của khu vực này vào vị trí người đứng đầu IMF từ trước đến nay. Châu Á đang nổi lên thành trung tâm kinh tế lớn, với khoảng 4,1 tỷ người (chiếm 60% dân số thế giới), GDP của khu vực này chiếm gần 30% toàn cầu, nhiều dự báo cho rằng, đến năm 2050, châu Á sẽ chiếm một nửa nền kinh tế của thế giới.
Nhiều trung tâm kinh tế thế giới đã đề cử một loạt ứng cử viên vào chiếc ghế Tổng Giám đốc IMF. Từ các nước ASEAN xuất hiện những tên tuổi đầy uy tín được chú ý như: Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Xin-ga-po Tha-man San-mu-ga-rát-man, người mà tháng 3 vừa qua được lựa chọn làm Tư vấn chiến lược cho Ủy ban Tài chính của IMF; Bà Sri Mu-li-an In-đra-oa-ti (người In-đô-nê-xi-a), là một ứng cử viên có trình độ cao ở Đông – Nam Á. Còn trẻ, bà từng giữ chức Bộ trưởng Tài chính In-đô-nê-xi-a, hiện đang là quan chức cấp cao của IMF; Bộ trưởng Tài chính Thái-lan Con Cha-ti-ca-van… Ông Môn-te Xing A-lu-oa-li người Ấn Độ, quan chức trong IMF, từng là Phó Chủ tịch Ủy ban Kế hoạch nước này; Cố vấn IMF, cựu Phó Thống đốc Ngân hàng T.Ư Trung Quốc Min Hô; Cựu Bộ trưởng Tài chính Thổ Nhĩ Kỳ Ke-man Dơ-vít, chuyên gia kinh tế – tài chính. Khu vực Mỹ la-tinh cũng có những tên tuổi được đề cử như: Thống đốc Ngân hàng T.Ư Mê-hi-cô
A-gu-xtin Các-xten, đầy năng lực trong lĩnh vực tài chính – tiền tệ; Cựu Thống đốc Ngân hàng T.Ư Bra-xin A-mi-nô Phra-ga, một người tài năng và đầy kinh nghiệm. Tuy nhiên, khu vực này còn thiếu thống nhất ý kiến đề cử. Bộ trưởng Tài chính Nam Phi Tre-vơ Ma-nuen đã có những thành công đáng kể tại nước ông. Phó Giám đốc IMF (năm 2000) Stan-lây Phi-sơ (sinh ở Dăm-bi-a) là những gương mặt sáng giá từ châu Phi…
Việc lựa chọn vị trí Tổng Giám đốc IMF lần này không dễ dàng. Nếu các nước mới nổi đoàn kết, thể hiện đầy đủ tiếng nói từ vai trò và vị thế của mình, sự 'độc quyền' của châu Âu đối với vị trí đứng đầu IMF có thể bị phá vỡ, thậm chí cả sự độc quyền của Mỹ đối với WB cũng bị lung lay trong tương lai gần.
Theo Nhandan
Ý kiến ()