GDP tăng 6,76%, duy trì mức cao so với giai đoạn 2011-2017
GDP 6 tháng của cả nước tăng 6,76%, mặc dù kết quả này thấp hơn so với mức tăng 7,08% của cùng kỳ năm 2018, nhưng đây vẫn là con số khả quan so với các năm 2011-2017.
Báo cáo kinh tế-xã hội sáu tháng của năm 2019 từ Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 2 ước tính tăng 6,71% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,19%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,14% và khu vực dịch vụ tăng 6,85%.
Giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm chỉ ra, mức tăng trưởng của quý 2 mặc dù thấp hơn cùng kỳ năm ngoái là 0,02 điểm phần trăm song vẫn duy trì mức cao so với cùng thời điểm tại giai đoạn 2011-2017.
Theo Báo cáo, từ góc độ sử dụng và tiêu dùng cuối cùng, mức tăng của quý này là 7,01% so với cùng kỳ với mức tích lũy tài sản tăng 7,54%, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 7,27%, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 7,38%.
Như vậy, GDP 6 tháng của năm đã tăng 6,76% và cũng có dấu hiệu thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018, nhưng vẫn là con số khả quan so với các năm 2011-2017.
“Điều này khẳng định tính kịp thời và hiệu quả của các nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ ban hành trong Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019 đồng thời có sự nỗ lực của các ngành, các địa phương trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng,“ ông Lâm nhấn mạnh.
Tính trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, hiện khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có mức tăng 2,39% và đóng góp 6% vào tăng trưởng chung, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,93%, đóng góp 51,8% và khu vực dịch vụ tăng 6,69%, đóng góp 42,2%.
Về cơ cấu nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đang chiếm tỷ trọng 13,55% GDP, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 34,2%, khu vực dịch vụ chiếm 42,04%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,21% (trong đó, cơ cấu tương ứng cùng kỳ năm 2018 là: 14,13%; 33,83%; 41,8%; 10,24%).
Như vậy, trên góc độ sử dụng, tiêu dùng cuối cùng thì GDP sáu tháng đã tăng 7,05% so với cùng kỳ và tích lũy tài sản tăng 7,12%, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 7,06%, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 7,98%.
Duy trì tốc độ tăng trưởng trong bối cảnh “bất trắc cao”
Nửa đầu của năm, thế giới chứng kiến xu hướng tăng trưởng toàn cầu chậm lại cùng với nhiều yếu tố rủi ro, thách thức xuất hiện. Đỉnh điểm là căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn khiến hoạt động giao thương và đầu tư tụt dốc, kéo theo sự sụt giảm về niềm tin kinh doanh.
Trước đó, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã đưa ra cảnh báo kinh tế quốc tế đang phải đối mặt với thời kỳ “bất trắc cao” phủ rộng đến 70% nền kinh tế trên toàn cầu, khi mà hầu hết các nền kinh tế phát triển rơi vào tăng trưởng chậm lại.
Cụ thể hơn, các nền kinh tế trong khu vực đồng Euro và một số thị trường mới nổi đang thể hiện các kết quả tăng trưởng yếu hơn so với dự kiến, vì vậy nhiều tổ chức tài chính quốc tế bắt đầu đưa ra dự báo kém lạc quan hơn về tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2019. Như, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ dự báo mức tăng trưởng toàn cầu năm 2019 xuống 3,3%, thấp hơn 0,2 điểm phần trăm so với dự báo 3,5% trước đó. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cũng hạ mức dự báo thấp hơn 0,1 điểm phần trăm, xuống còn 3,2% cho tăng trưởng năm nay. Và, Ngân hàng Thế giới (WB) thậm chí còn dự báo mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm chỉ đạt 2,6% và giảm 0,3 điểm phần trăm so với mức 2,9% mà tổ chức đưa ra hồi đầu tháng Một.
Ngoài ra, các điểm nóng địa – chính trị trên toàn cầu cũng có dấu hiệu phức tạp và tăng nhiệt. Như việc Mỹ tăng cường trừng phạt Iran, giá dầu và đồng USD diễn biến khó phân định cũng là thách thức đối với kinh tế thế giới và gây ra ảnh hưởng không ít tới kinh tế Việt Nam.
Đánh giá tình hình trong nước, ông Lâm cũng cho hay, nền kinh tế hiện phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, khi mà diễn biến thời tiết có phần rất phức tạp gây ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng cây trồng. Thêm vào đó, ngành chăn nuôi phải đối mặt với bệnh dịch tả lợn châu Phi và xu hướng thậm chí ngày càng lây lan trên diện rộng. Ngoài ra, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực cũng bắt đầu tăng trưởng chậm lại và giải ngân vốn đầu tư công đang ở mức thấp.
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành thống kê vẫn khẳng định: “Trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt và kịp thời để các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra và nhờ đó nền kinh tế Việt Nam trong nửa đầu của năm tiếp tục chuyển biến tích cực.”./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()