GDP ngành nông nghiệp tăng cao nhất trong những năm gần đây
Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) cho biết, so với 3 năm gần đây, năm 2022, giá trị gia tăng toàn ngành nông nghiệp tăng cao nhất, đạt 3,36%.
Theo Vụ Kế hoạch, năm 2022, toàn ngành nông nghiệp đã quyết tâm cao, nỗ lực vươn lên, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, sáng tạo, đổi mới tư duy để vượt qua khó khăn, thách thức từ các tình huống bất bình thường của thực tiễn sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản nhằm đạt các mục tiêu phát triển.
Vì vậy giá trị gia tăng toàn ngành (GDP) năm 2022 tăng cao nhất trong những năm gần đây: Năm 2019 tăng 2,67%; năm 2020 tăng 3,04%; năm 2021 tăng 3,27%; năm 2022 tăng 3,36%. Trong đó, nông nghiệp tăng 2,88%; thủy sản tăng 4,43%, lâm nghiệp tăng 6,13%; kim ngạch xuất khẩu toàn ngành trên 53,22 tỷ USD. Bên cạnh đó, tỉ lệ che phủ rừng đạt 42,02%; tỉ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 73%.
Trong năm 2022, Việt Nam cũng đã đàm phán, hoàn thiện các thủ tục xuất khẩu xoài, thịt gà sang Hàn Quốc, bưởi, chanh ta sang New Zealand; lông vũ, yến và sản phẩm từ yến, sữa và sản phẩm từ sữa, sầu riêng, khoai lang… sang Trung Quốc; mật ong sang EU. Cùng với đó, Việt Nam đã khảo sát vùng trồng, nhà máy chiếu xạ để quả bưởi tươi là loại trái cây thứ 7 của nước ta được phép xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Theo nhìn nhận của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, đến giờ này mặc dù kết quả chưa đạt như kỳ vọng nhưng cũng là thành quả rất đáng tự hào. “Tự hào không chỉ nằm ở con số của ngành – những cái mà chúng ta nhìn thấy được. Đó còn là niềm tự hào chúng ta không nhìn thấy được – sự đánh giá cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của xã hội về vai trò, vị thế của ngành nông nghiệp trong một bối cảnh dịch bệnh biến động phức tạp”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.
Tư lệnh ngành nông nghiệp cũng chỉ ra rằng, phát triển được lĩnh vực trong giai đoạn khó khăn của kinh tế hiện nay cũng cho thấy sứ mệnh của ngành nông nghiệp không chỉ giải quyết vấn đề tăng trưởng mà còn mang tính chất bao trùm cho hàng chục triệu nông dân và cư dân ở nông thôn với hàng chục triệu lao động ở khu vực nông nghiệp, dịch vụ.
“Vai trò của nông nghiệp nằm trong một cấu trúc chung về kinh tế lẫn xã hội. Nhiều khi nếu chúng ta chỉ tiếp cận qua những con số tăng trưởng thì chúng ta không thấy được tác động của ngành với xã hội”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan phân tích.
Năm 2023 có ý nghĩa quan trọng, là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; năm thứ ba thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và giữa kỳ thực hiện Kế hoạch 5 năm (2021 – 2025).
Bám sát quan điểm, mục tiêu, định hướng chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước theo Kết luận số 42-KL/TW của Hội nghị Trung ương 6 và Nghị quyết số 68/2022/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023, toàn ngành nông nghiệp sẽ tập trung thực hiện quyết liệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, kế hoạch cơ cấu lại ngành, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới.
Bộ NN&PTNT đưa ra một số chỉ tiêu cho năm 2023 như: Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành khoảng 3,0%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản khoảng 54 tỷ USD; tỉ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 78%; 270 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tỉ lệ che phủ rừng duy trì ổn định 42,02%, nâng cao chất lượng rừng; Tỉ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch hợp quy chuẩn 57%; Tỉ lệ số xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm 80%.
https://baochinhphu.vn/gdp-nganh-nong-nghiep-tang-cao-nhat-trong-nhung-nam-gan-day-102230110152547528.htm
Ý kiến ()