Gạt bỏ tư duy nhỏ
LSO-Muốn hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tăng cường áp dụng cơ giới hóa và tăng hàm lượng khoa học kỹ thuật trong sản phẩm nông nghiệp..., xây dựng cánh đồng lớn là giải pháp tối ưu. Tuy nhiên, muốn xây dựng được cánh đồng lớn thì nhà nông, cần gạt bỏ tư duy cũ, tư duy nhỏ.
Dọn thực bì bằng máy trước khi đưa thiết bị cơ giới vào thu hoạch khoai tây |
Vẫn biết kinh nghiệm thực tiễn rất quan trọng trong sản xuất. Nhưng quá bảo thủ vào kinh nghiệm mà không tiếp nhận các tiến bộ khoa học kỹ thuật thì rất khó để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Chị Lý Thị Thông, xã Đồng Bục, huyện Lộc Bình than thở: nhà mình năm nay trồng gần 7 sào khoai tây giống Hà Lan, nhưng thời tiết giữa vụ cứ âm u kéo dài, khoai bị bệnh nhiều, năng suất kém lắm mà củ cũng không đều.
Ông Chu Xuân Tiến, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật (Sở Khoa học và Công nghệ) cười buồn: không phải do thời tiết cả đâu, nhà nông mình chưa chuyên nghiệp, sản xuất bảo thủ theo kinh nghiệm nên sản phẩm chỉ được vậy.
Chẳng hạn có việc rất đơn giản như trồng luống đơn, mật độ thưa ra. Nói nôm na để cây khoai tây thoáng, nhận được nhiều ánh sáng hơn và chăm sóc cũng dễ dàng hơn, nhưng nhà nông không làm. Phần lớn vẫn canh tác theo phương pháp cũ, luống to, trồng hàng ngang, mật độ dày… làm cây không tiếp nhận được nhiều ánh sáng. Chỉ riêng việc lên luống sai quy trình đã ảnh hưởng nhiều đến năng suất, chất lượng, chưa nói đến việc kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ thực vật còn yếu.
Năm nay, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật quyết định thuê 10 ha đất ở cánh đồng sân bay Mai Pha, trồng khoai tây với quy mô cánh đồng lớn áp dụng cơ giới hóa. Mọi khâu từ làm đất, chăm sóc đến thu hoạch đều áp dụng máy móc. Lên luống, vun xới theo đúng quy trình. Cả cánh đồng 10 ha, nhưng chỉ cần vài người làm là xong. Theo ước tính của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, năng suất sẽ đạt mức trên dưới 7 tạ/sào. Chi phí so với sản xuất thông thường giảm được từ 30-40%. Toàn cánh đồng dự kiến sẽ chọn lọc, phân loại được trên 100 tấn giống đưa vào kho lạnh, đảm bảo lượng giống cho vụ khoai tây năm sau.
Nói về bảo thủ theo kinh nghiệm, cách đây 3 năm, khi đến Trạm Bảo vệ thực vật huyện Hữu Lũng công tác, tôi đã chứng kiến người dân gắt gỏng khi cán bộ chuyên môn hướng dẫn cách pha thuốc trừ sâu. Đại khái người mua nói: cái này cần gì phải hướng dẫn, tôi làm ruộng hơn 20 năm nay, pha thuốc trừ sâu tôi lạ gì, sâu nhiều thì cho nhiều thuốc là xong. Cũng bởi vậy mà cả vụ phun thuốc gần chục lần mà sâu vẫn không hết.
Tôi tiếp xúc với khá nhiều doanh nghiệp đã từng đầu tư, liên kết sản xuất với nhà nông, nhưng đa phần sau vài vụ, họ đều rút. Lý do là càng làm, càng lỗ bởi người nông dân không làm theo đúng quy trình, năng suất, chất lượng sản phẩm đều thấp.
Muốn tăng cường áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, về mặt chuyển giao, đòi hỏi có sự đổi mới từ các cơ quan chuyên môn. Ông Vũ Văn Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông cho biết: hiện nay, chúng tôi đang đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động theo hướng tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật phục vụ tái cơ cấu ngành, gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong đó trước mắt là đổi mới công tác tập huấn, thay vì tập huấn tràn lan như hiện nay, nội dung tập huấn sẽ đi sâu vào các lại cây, con thế mạnh của tỉnh và những vấn đề khó khăn cần giải quyết trong nông nghiệp hiện nay. Nói cách khác, tập huấn bắt nguồn từ nhu cầu của người dân chứ không phải là sự áp đặt của cơ quan chuyên môn. Đồng thời quan tâm xây dựng mô hình sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cho nông dân như mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau an toàn; hợp tác tiêu thụ khoai tây; chăn nuôi và tiêu thụ gia cầm ở những vùng xa thị trường tiêu thụ…
Cánh đồng huyện Văn Lãng – Ảnh: BT |
Cùng với việc các cơ quan chuyên môn tăng cường chuyển giao, đổi mới các hình thức tập huấn, nhà nông cũng cần gạt bỏ tư duy bảo thủ sản xuất theo kinh nghiệm, chủ động tiếp cận với các tiến bộ, kỹ thuật canh tác mới. Từ đó mới có thể hình thành cánh đồng lớn, tạo ra các vùng sản xuất tập trung gắn với thị trường tiêu thụ.
VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()