LSO-Ông Lý Văn Pản, xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng năm nay gần 70 tuổi, đã ngấp nghé bước vào hàng “xưa nay hiếm”. Thế nhưng, khi tôi nhắc đến câu chuyện dùng súng trường bắn rơi máy bay Mỹ cách đây 46 năm, ông như lập tức trở lại cái thời còn trai trẻ. Khi ấy ông mới 21 tuổi, là chiến sĩ dân quân tự vệ với khẩu súng trường luôn khoác trên vai… Tấm huy Chương kháng chiến hạng Nhất - Một kỷ vật thiêng liêng đối với ông PảnTrong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc chống đế quốc Mỹ xâm lược, mỗi chiếc máy bay trong hơn 4000 chiếc máy bay giặc Mỹ bị quân và dân ta bắn rơi trên bầu trời miền Bắc đều mang theo một câu chuyện hết sức ly kỳ. Có chiếc bị bắn cháy bởi chiến đấu cơ của không quân Việt Nam, có chiếc trúng tên lửa, chiếc thì rơi vào trận địa pháo phòng không… nhưng cũng có những chiếc đã bị hạ gục bởi khẩu súng trường “cổ lỗ sĩ” của lực lượng dân quân tự vệ. Sáng 5/10/1965, 1 tổ dân quân gồm...
LSO-Ông Lý Văn Pản, xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng năm nay gần 70 tuổi, đã ngấp nghé bước vào hàng “xưa nay hiếm”. Thế nhưng, khi tôi nhắc đến câu chuyện dùng súng trường bắn rơi máy bay Mỹ cách đây 46 năm, ông như lập tức trở lại cái thời còn trai trẻ. Khi ấy ông mới 21 tuổi, là chiến sĩ dân quân tự vệ với khẩu súng trường luôn khoác trên vai…
Tấm huy Chương kháng chiến hạng Nhất – Một kỷ vật thiêng liêng đối với ông Pản
Trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc chống đế quốc Mỹ xâm lược, mỗi chiếc máy bay trong hơn 4000 chiếc máy bay giặc Mỹ bị quân và dân ta bắn rơi trên bầu trời miền Bắc đều mang theo một câu chuyện hết sức ly kỳ. Có chiếc bị bắn cháy bởi chiến đấu cơ của không quân Việt Nam, có chiếc trúng tên lửa, chiếc thì rơi vào trận địa pháo phòng không… nhưng cũng có những chiếc đã bị hạ gục bởi khẩu súng trường “cổ lỗ sĩ” của lực lượng dân quân tự vệ. Sáng 5/10/1965, 1 tổ dân quân gồm 3 người thuộc xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng đã dùng súng trường bắn rơi 1 chiếc F4H – một loại máy bay phản lực tiêm kích ném bom tầm xa của quân đội Mỹ. Chiếc F4H được mệnh danh là “bóng ma trên bầu trời” với vận tốc siêu âm, hỏa lực mạnh và cực kỳ hiện đại đã bị bắn hạ bởi khẩu súng trường K44 – loại súng bắn tỉa phát một của Liên Xô cũ, lên đạn bằng khóa nòng thủ công…Viên phi công kịp nhảy dù thoát thân nhưng đã bị bắt ngay sau đó tại xã Kiên Lao, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang. Cho đến khi bị bắt, viên phi công này vẫn một mực tin rằng: Chiếc chiến đấu cơ hiện đại bay với vận tốc âm thanh mà anh ta điều khiển bị bắn rơi bởi pháo phòng không chứ không phải trúng đạn của 3 khẩu súng trường lạc hậu…
Một ngày nắng xuân hanh hanh lạnh, con đường đất đỏ bụi mờ đưa tôi đến xã Tân Thành. Một làng quê mang dáng dấp trung du với những nương sắn trải dài, khi biết tôi đi tìm những người dân quân xưa bắn rơi máy bay Mỹ, bà con Tân Thành giới thiệu tôi đến gặp ông Lý Văn Pản, thôn làng Cống (thôn 9), xã Tân Thành – một cựu chiến binh – một trong ba cây súng trường K44 đã bắn rơi chiếc F4H ngày ấy…
Luyện tập quân sự để bảo vệ quê hương
chống Mỹ cứu nước – Vũ Bách (Ảnh: tư liệu 1965)
Câu chuyện ông Pản kể lại rõ nét đến từng chi tiết và mang trọn niềm tự hào trong từng hơi thở. Sáng hôm ấy, tổ dân quân tự vệ Tân Thành gồm 3 người: ông Nông Văn Mạ, ông Lý Văn Ý và ông Lý Văn Pản trực chiến, mỗi người 1 khẩu súng trường K44 và 50 viên đạn. Khoảng 8h sáng, 2 chiếc phản lực của địch gầm rú bay vút lên từ hướng tỉnh Hà Bắc cũ, tổ 3 người thống nhất phương án bắn đón khi chúng hạ độ cao, khi 2 chiếc phản lực rơi vào tầm ngắm, ông Mạ hô: Bắn! Cả 3 cùng siết cò, do K44 là loại súng trường bắn phát một nên cả 3 phải tiếp tục lên đạn để bắn loạt tiếp theo. Lúc ấy 2 chiếc phản lực chỉ còn cách điểm bắn chừng 100 – 200m, họ phát hiện một chiếc đã phụt khói nghi ngút, cả 3 cùng hướng nòng súng vào chiếc đã trúng đạn để bắn đuổi, chiếc F4H bay vòng qua khe Cay Trà thuộc xã Hà Sơn như để chạy trốn nhưng không kịp, một đám lửa đã bốc lên từ thân máy bay… Giây phút ấy, cả xã Tân Thành như nín lặng rồi cùng vỡ òa trong tiếng hô vang: Cháy rồi, máy bay Mỹ cháy rồi, đi bắt phi công thôi!. Chiếc máy bay như một đám lửa chao đảo rồi lao sầm xuống mất dạng, để lại một chấm đen lơ lửng trên bầu trời, đó là viên phi công đã kịp nhảy dù. Một lúc sau người ta mới thấy cột khói bốc lên từ mãi phía huyện Lục Ngạn, Bắc Giang…
Từ ngày 5/8/1964 đến ngày 17/1/1973 đã có 4.181 máy bay Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời miền Bắc, trong đó quân và dân Lạng Sơn đã bắn rơi 85 chiếc các loại. Ngày 12/9/1972, chiếc máy bay thứ 3.900 của giặc Mỹ bị bắn hạ trên đất Lạng Sơn… |
Sự kiện dân quân tự vệ xã Tân Thành bắn rơi máy bay Mỹ đã trở thành một sự kiện lịch sử của huyện Hữu Lũng ngày ấy. Bởi trong các năm từ 1965 – 1967, Hữu Lũng là địa bàn giặc Mỹ tập trung bắn phá rất ác liệt, hàng ngàn tấn bom đạn đã dội xuống mảnh đất này. Trong khói lửa chiến tranh, đất Hữu Lũng anh hùng cũng trở thành một trận địa phòng không vững chắc và hiệu quả của của quân dân miền Bắc. Khu vực các xã Tân Thành, Hòa Lạc, Minh Sơn, Sơn Hà, thị trấn Hữu Lũng… đều là những “điểm lửa” nóng bỏng trên bầu trời Xứ Lạng. Chiến công nối tiếp chiến công, tháng 8/1966, các đơn vị dân quân xã Minh Sơn, Sơn Hà, tự vệ Lâm trường đã phối hợp cùng các đơn vị bộ đội chủ lực chiến đấu dũng cảm bắn rơi 3 máy bay phản lực Mỹ. Ngay trên mảnh đất Tân Thành đã có tới 2 chiếc máy bay do các địa phương khác bắn hạ rơi xuống. Đó là một chiếc F105 lao xuống cái đầm trong rừng Phặt Lao và một chiếc F11 rơi ở cánh đồng làng Ngôn. Trải qua gần nửa thế kỷ, vết tích của những chiếc máy bay ấy tại điểm rơi đã không còn, nhưng nhiều người dân ở xã Tân Thành vẫn còn lưu giữ một số vật dụng làm từ xác của những “hung thần trên bầu trời” ấy, người thì tán thép làm cái mâm, người thì cắt gọt thành cái lược, người làm con dao đi rừng…
Nam nữ bình đẳng trong nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc, luyện tập quân sự
ở địa phương Lạng Sơn – Vũ Bách (Ảnh: tư liệu 1966)
Đội dân quân huyền thoại 3 người ngày ấy giờ chỉ còn 2, ông Mạ – Đội trưởng đã mất cách đây gần chục năm, ông Ý đã 74 tuổi, ông Pản giờ đã trở thành một già làng uy tín ở Tân Thành. Chàng trai năm nào giờ tóc đã bạc trắng, ngồi trước mặt tôi, ông cứ mân mê lau mãi tấm Huy chương kháng chiến hạng Nhất được nhà nước trao tặng năm 1997. Đó là một kỷ vật thiêng liêng ghi dấu chiến công của người chiến sĩ dân quân tự vệ năm xưa. Ông kể chuyện đồng chí La Thăng, hồi đó là Phó Bí thư Tỉnh ủy, khi biết tin vui đã đến thăm và động viên quân dân xã Tân Thành; chuyện phóng viên Báo Quân khu I đã đến phỏng vấn, chụp ảnh đội dân quân tự vệ để ghi lại chiến công…mỗi chi tiết ấy được ông thuật tả sinh động, hào hứng và ánh lên niềm tự hào vô hạn. Chuyện nửa thế kỷ trước như mới vừa xảy ra ngày hôm qua…
Vào dân quân tự vệ năm 18 tuổi, tham gia bắt toán gián điệp biệt kích Mỹ – Ngụy năm 1963, rồi làm ở tổ chạy thư, tham gia tổ trực chiến, nhập ngũ năm 66 rồi giải ngũ do sức khỏe yếu, lại trở về tham gia tổ dân quân trực chiến…gần như cả tuổi trẻ của ông đã cống hiến cho cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của dân tộc. Lập được chiến công lớn, nhưng ông vẫn khiêm cung hết mực mà nói với tôi rằng: “Chẳng ai mong có chiến tranh để lập công cả, tôi tham gia đánh giặc Mỹ tự nhiên như hàng triệu người Việt Nam khác đánh đuổi kẻ thù vô cớ đến xâm lược quê hương mình, bản làng mình mà thôi”.
Xứ Lạng, xuân 2012
Nguyễn Thịnh
Ý kiến ()