Gấp rút hoàn thành, vận hành hệ thống thu phí ETC
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang đốc thúc các đơn vị liên quan gấp rút hoàn thành hệ thống thu phí tự động không dừng (ETC) ở các trạm thu phí BOT để đưa vào vận hành trước ngày 31-12 tới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bộ GTVT phân chia hệ thống ETC thành hai giai đoạn để phù hợp lộ trình và điều kiện thực hiện.
Theo Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể, đối với các dự án giao thông triển khai theo hình thức đối tác công – tư (PPP), với vai trò là cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng như cơ quan quản lý ngành trong lĩnh vực GTVT, Bộ luôn coi nhiệm vụ quản lý, giám sát công tác thu phí bảo đảm công khai, minh bạch nguồn thu là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Trong suốt thời gian qua, việc này được thực hiện thông qua các giải pháp như kiểm tra đột xuất, định kỳ, hệ thống giám sát độc lập toàn thời gian qua hình ảnh ca-mê-ra do Tổng cục Ðường bộ Việt Nam quản lý. Ngoài ra, việc kiểm soát còn được các ngân hàng cung cấp tín dụng, cơ quan thuế, các chủ đầu tư dự án và các cơ quan thanh tra kiểm toán hằng năm thực hiện. Như vậy, việc thu phí tại các dự án đã được quản lý, giám sát và công khai minh bạch trước khi có chủ trương đầu tư hệ thống ETC. Nhiệm vụ quản lý, giám sát thu phí chỉ là một chức năng của hệ thống ETC, ngoài ra còn mang lại nhiều lợi ích như thuận tiện cho người tham gia giao thông, tiết kiệm chi phí xã hội, góp phần quản lý chặt chẽ phương tiện giao thông đường bộ, bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Thực hiện chủ trương của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT phân chia hệ thống ETC thành hai giai đoạn; trong đó, giai đoạn 1 gồm các trạm trên quốc lộ 1 và quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên) và một số tuyến đường cao tốc (tổng số 44 trạm); giai đoạn 2 gồm 33 trạm còn lại trên các tuyến quốc lộ. Tuy nhiên, “do việc đầu tư hệ thống ETC là hình thức đầu tư mới, phức tạp cả về công nghệ và thủ tục pháp lý, liên quan nhiều chủ thể tham gia thực hiện; quản lý chưa có kinh nghiệm, dẫn đến trong quá trình triển khai còn một số vướng mắc, ảnh hưởng tiến độ…”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết.
Ðể tháo gỡ vướng mắc phát sinh cũng như đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, Bộ GTVT đã có nhiều giải pháp đồng bộ như tuyên truyền lợi ích của hệ thống, phân luồng giao thông tại các trạm đã lắp đặt ETC để tăng hiệu quả cũng như khuyến khích chủ phương tiện tham gia dịch vụ, hoàn thiện hành lang pháp lý,… Ngày 17-6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 19/2020/QÐ-TTg về đẩy mạnh thực hiện hệ thống ETC, một trong những hành lang pháp lý hết sức quan trọng để triển khai thành công hệ thống. Những tháng gần đây, Bộ GTVT thường xuyên đốc thúc các đơn vị cũng như nhà đầu tư dự án ETC, nhà đầu tư BOT khẩn trương thực hiện dự án ETC. Ðến ngày 25-11, giai đoạn 1 đã có 40 trạm trên quốc lộ 1 và quốc lộ 14, một số tuyến quốc lộ, đường cao tốc có lưu lượng giao thông lớn đã triển khai và vận hành hệ thống ETC, bước đầu tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia giao thông và tăng minh bạch trong thu phí. Bốn trạm còn lại chưa triển khai thuộc hệ thống đường cao tốc do Tổng công ty Ðầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đang quản lý, thực hiện. Do vướng mắc về nguồn vốn triển khai, cơ cấu lại dự án và sự chỉ đạo điều hành của VEC sau khi chuyển về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho nên việc thực hiện đầu tư, vận hành ETC chậm và không thể hoàn thành trong năm nay. Tại Quyết định số 19, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo: “Các trạm do VEC quản lý, tiến độ hoàn thành do Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xem xét, quyết định phù hợp điều kiện nguồn vốn của dự án”. Hiện nay VEC đang xây dựng giải pháp và báo cáo cấp có thẩm quyền để có căn cứ thực hiện.
Kết nối liên thông
Ðể triển khai đồng thời 33 trạm thu phí giai đoạn 2, Bộ GTVT đã lựa chọn thêm đơn vị cung cấp dịch vụ thứ hai là Công ty cổ phần Giao thông số Việt Nam (nền tảng là Tập đoàn Công nghiệp viễn thông quân đội – Viettel). Trong số này, tám trạm có tính chất đặc thù kiến nghị không thực hiện hoặc lùi thời gian thực hiện để bảo đảm hiệu quả gồm hai trạm doanh thu quá thấp (cầu Mỹ Lợi và Thái Hà), ba trạm chưa được thu phí và đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án bố trí vốn ngân sách nhà nước hoàn trả cho nhà đầu tư (trạm Km 1747 đường Hồ Chí Minh, Bờ Ðậu – quốc lộ 3, trạm T2 – quốc lộ 91) và ba trạm có thời gian thu phí còn lại dưới 3 năm (trên quốc lộ 51). Ngoài ba trạm trên quốc lộ 51 thời gian thu phí quá ngắn, năm dự án còn lại có phương án tài chính rất xấu, ảnh hưởng lớn tới các nhà đầu tư và tổ chức tín dụng. Ngoài ra, các trạm này có lưu lượng giao thông không đáng kể, ít tác động đến kết quả chung của hệ thống ETC trên toàn quốc.
Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ GTVT, đến thời điểm này, các vướng mắc của dự án giai đoạn 2 đã cơ bản được tháo gỡ, việc chuẩn bị liên quan nhân sự, tài chính, hồ sơ thiết kế,… thực hiện khá đầy đủ, nhà cung cấp dịch vụ đã bắt đầu đặt hàng mua sắm thiết bị và tổ chức lắp đặt ngoài hiện trường. Với tiềm lực về tài chính, kinh nghiệm trong triển khai các dự án công nghệ của Viettel, triển vọng đến cuối năm, các trạm đủ điều kiện triển khai ETC thuộc giai đoạn 2 (25 trạm) sẽ hoàn thành, đáp ứng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Ðối với 35 trạm ở 15 địa phương, địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho nên có trách nhiệm tổ chức thực hiện. Bộ GTVT cũng tích cực hỗ trợ các địa phương trong quá trình triển khai. Tại buổi làm việc với Bộ tháng 10 vừa qua, hầu hết các địa phương cam kết sẽ hoàn thành đúng tiến độ, hiện 19 trạm đã lắp đặt thiết bị, vận hành và kết nối với dự án của Bộ, 11 trạm đang lắp đặt thiết bị và đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ, năm trạm thuộc các dự án BOT đang xây dựng, sẽ triển khai ETC khi đưa dự án BOT vào khai thác.
Ðể phát huy hiệu quả đầu tư hệ thống ETC, tạo thuận lợi cho người sử dụng, dự án giai đoạn 1 đã hoàn thành kết nối liên thông tài khoản giao thông với tài khoản cá nhân tại Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), hiện đang mở rộng dịch vụ sang các ngân hàng khác. Ðối với giai đoạn 2, Viettel đang thực hiện liên thông tài khoản ngân hàng thông qua việc sử dụng ví điện tử Viettelpay, dự kiến đưa dịch vụ vào khai thác trước ngày 31-12 tới. Về dán thẻ tương tác giữa phương tiện và hệ thống ETC (E-tag), theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã có văn bản kiến nghị các bộ, ngành, địa phương quán triệt đơn vị, cá nhân thuộc tổ chức mình quản lý trong việc dán thẻ, tham gia dịch vụ. Tuy nhiên đến nay, số lượng phương tiện dán thẻ và tham gia dịch vụ chưa cao, chưa phát huy hết hiệu quả của hệ thống (theo thống kê, mới có khoảng 25% số phương tiện dán thẻ và tham gia dịch vụ, chưa đầy một triệu trong số 3,8 triệu phương tiện).
Khẳng định hệ thống ETC là dự án quan trọng, thời gian để hoàn thành theo tiến độ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ không còn nhiều, trong khi khối lượng công việc còn lại khá lớn, vừa qua, tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ dự án, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị khẩn trương bám sát tiến độ hoàn thành từng hạng mục; giám sát chặt tình hình triển khai, chủ động xử lý các vướng mắc phát sinh của dự án thuộc thẩm quyền; đẩy nhanh đàm phán ký phụ lục hợp đồng BOT và các hợp đồng dịch vụ phù hợp phương án tài chính điều chỉnh đã phê duyệt. Ðề nghị Tổng cục Ðường bộ Việt Nam phối hợp nhà cung cấp dịch vụ ETC hoàn thiện kết nối liên thông hai trung tâm dữ liệu trong tháng 11 này, yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ VETC làm việc với các ngân hàng thương mại để mở rộng dịch vụ liên thông tài khoản, hoàn thiện giải pháp kết nối tài khoản thông qua hệ thống ví điện tử Viettelpay (giúp người sử dụng dịch vụ không phải nạp tiền cố định vào tài khoản giao thông như hiện nay). Tổng cục Ðường bộ Việt Nam phối hợp doanh nghiệp BOT rà soát, bổ sung biển báo, chỉ dẫn rõ ràng, kết hợp phân luồng giao thông tại trạm, các cửa thu phí ETC chỉ dành cho các phương tiện đã dán thẻ, hạn chế ùn tắc giao thông. Ðối với việc dán thẻ E-tag, cần truyền thông về lợi ích cũng như công khai, minh bạch thông tin liên quan để người dân, doanh nghiệp đồng thuận, sẵn sàng sử dụng dịch vụ nhằm bảo đảm hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án.
Ý kiến ()