Gặp những chàng trai đoạt huy chương Olympic Vật lý 2011
|
Nguyễn Huy Hoàng giành HCV, là học sinh lớp 12 Lý trường chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An). Nguyễn Đình Hội lớp 12 chuyên lý Phan Bội Châu (Nghệ An) và Hoàng Lê Phương, học sinh lớp 12 Lý trường chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng), đoạt HCB. Hai HCĐ thuộc về Lê Huy Quang lớp 11 Lý trường chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa) và Đinh Huy Hồng Quân lớp 12 Lý (khối Phổ thông Năng khiếu trường Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh).
Trong lễ bế mạc chiều 17-7 ở Đại học Chulalongkorn (trường đại học hàng đầu của Thailand), các thí sinh đoạt giải trong tổng số 393 học sinh đến từ 84 nước và vùng lãnh thổ, vinh dự nhận phần thưởng cao quý từ tay công chúa Thailand Maha Chakri Sirindhorn. Những đoàn có nhiều học sinh đoạt HCV là Trung Quốc, Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc và Mỹ. Năm học sinh đoàn chủ nhà Thailand giành 3 HCV, 1 HCB và 1 HCĐ. Thí sinh có số điểm cao nhất trong kỳ IPhO này đến từ Đài Loan (Trung Quốc).
Chút tiếc nuối
Hoàng tâm sự, em cũng hơi bất ngờ khi biết tin giành HCV. Dựa vào thành tích học tập của cậu học sinh bảnh trai này, có thể thấy Hoàng khiêm tốn khi nói vậy. Hoàng từng đoạt HCĐ cuộc thi Olympic Vật lý châu Á tổ chức tại Israel, đạt danh hiệu học sinh giỏi quốc gia môn vật lý, giải nhì năm học lớp 11, giải nhất năm lớp 12.
Học giỏi toàn diện, đam mê nhất là vậy lý, Hoàng ước mơ sau này trở thành kỹ sư giỏi. Chàng trai thành phố Vinh chọn theo học tại Đại học Bách khoa Hà Nội, năm đầu tập trung học thêm ngoại ngữ để kiếm học bổng du học.
Giáo sư, Tiến sĩ (GS, TS) Nguyễn Văn Khôi, giảng viên khoa Vật lý – Đại học Sư phạm Hà Nội, Trưởng đoàn Việt Nam, cho rằng thành tích đạt được phù hợp với thực tế trình độ của các em.
Sau hai phần thi lý thuyết hôm 12 và thực hành ngày 14-7, các thí sinh được ban tổ chức cho đi biển nghỉ và đi siêu thị mua sắm đồ. Vài em có chút luyến tiếc.
Hội bộc bạch, em biết rõ điểm yếu của mình là diễn giải hơi dài dòng. Chính điểm yếu này khiến Hội không đủ thời gian làm bài, không giành được HCV.
Với Quân, em tiếc, vì chỉ cần cẩn thận chút nữa thôi là có thể đoạt HCB. Quang có chung cảm xúc tiếc nuối.
Cả năm em cho rằng, đề thi năm nay không khó, đã biết cách làm. Các dụng cụ trong phần thi thực nghiệm cũng không quá mới so với ở nhà. Có thể do yếu tố tâm lý nên trong phần thi này, có em “chân tay còn lóng ngóng”.
Chất lương giáo dục phổ thông quyết định
IPhO chỉ ghi nhận thành tích cá nhân, không xếp thứ hạng đoàn (mỗi đoàn không quá năm thí sinh), đây cũng là dịp để các em gặp, giao lưu với bạn bè quốc tế. Thành tích các em đạt được lần này là kết quả đáng mừng.
Từ khi Việt Nam bắt đầu tham gia IPhO năm 1982 ở Bulgaria, đến nay đoạt được 12 HCV. Tại IPhO 39 (năm 2008) do Việt Nam đăng cai, đoàn chủ nhà giành được 4 HCV và 1 HCĐ. IPhO 40 tại Mexico, cả năm học sinh đều đoạt HCB. IPhO 41 ở Croatia, đoàn học sinh Việt Nam giành 1 HCV, 3 HCB và 1 HCĐ. Hy vọng tại kỳ Olympic Vật lý năm tới ở Estonia, các học sinh Việt Nam sẽ có thành tích tốt hơn nữa.
GSTS Nguyễn Văn Khôi nhận định, muốn đoàn có kết quả cao hơn trong các kỳ thi, trước hết và quan trọng nhất là nâng cao chất lượng giáo dục ở các trường phổ thông trung học, bởi các em chỉ có thể phát triển tài năng của mình trên nền tảng giáo dục phổ thông vững chắc. Việc huấn luyện đội tuyển cũng cần thiết, nhưng thời gian huấn luyện 1 – 2 tháng chỉ là khâu hỗ trợ, bổ sung kiến thức cho các em, rèn luyện cho các em một số kỹ năng.
Ý kiến ()