Gặp gỡ người lính Trường Sơn Lê Cao Ân
LSO- Mỗi năm cứ đến dịp kỷ niệm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ai nấy trong chúng ta cũng đều trào dâng niềm xúc động, hân hoan về kỷ niệm ngày đại thắng của đất nước. Đối với những người từng vào sinh ra tử làm nên đại thắng ấy, chắc hẳn sẽ có những niềm riêng. Với cựu chiến binh Lê Cao Ân, 77 tuổi, ở khối Cửa Nam, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn, đó là niềm tự hào, xen lẫn sự bồi hồi về những năm tháng khốc liệt, mất mát trong chiến tranh. Ông là bộ đội Trường Sơn, trực tiếp góp sức cho đại thắng mùa xuân năm 1975.
Cựu chiến binh Lê Cao Ân bên những huân, huy chương ghi nhận chiến công của ông trong kháng chiến chống Mỹ
Ông Ân quê ở tỉnh Hà Nam, cha mẹ mất trong thời điểm nạn đói năm 1945, khi ông mới được 6, 7 tuổi. Mấy anh em trong nhà vì thế phải ly tán, xin nhận làm con nuôi trong gia đình khác. Có lẽ đó chính là lý do khiến ông sớm tham gia cách mạng. Năm 1956, khi mới tròn 17 tuổi, ông xung phong lên đường nhập ngũ. Từ đây, ông trải qua nhiều đơn vị huấn luyện và chiến đấu tại nhiều mặt trận. Nhưng trong dòng ký ức của ông, sâu sắc nhất vẫn là những tháng năm được phục vụ chiến đấu dọc theo tuyến đường Trường Sơn. Lớp lớp thanh niên như ông Ân ngày ấy luôn hừng hực khí thế “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.
Những năm đầu ông tham gia thanh niên xung phong, góp sức mở đường Trường Sơn. Từ năm 1971, ông được biên chế vào Tiểu đoàn 102 thuộc Sư đoàn 471, làm nhiệm vụ vận tải, nhằm chi viện cho các hướng chiến trường, bao gồm chiến trường Nam Lào, Campuchia và miền Nam Việt Nam. Theo ông, mỗi người lính vận tải Trường Sơn đều ý thức sâu sắc rằng, từng cân gạo, viên thuốc đều thấm đẫm mồ hôi, công sức, là tình cảm của hậu phương gửi vào tiền tuyến nên phải bảo vệ bằng bất cứ giá nào. Bên cạnh phương tiện cơ giới, các lực lượng trên chiến trường còn vận tải thông qua nhiều phương thức như gùi, thồ; thậm chí cả dòng chảy của những sông, suối đều được tận dụng triệt để. Trải qua nhiều trận địa, hơn ai hết, ông chứng kiến và cảm nhận sự khốc liệt, mất mát lớn lao trong chiến tranh. Ông còn nhớ như in một ngày cuối tháng 2/1971, khi đoàn vận tải của đơn vị qua khu vực Khăm Muộn (Lào), địch bất ngờ xả một loạt bom B52 khiến khoảng 100 đồng đội của ông hy sinh. Bấy giờ ông cũng bị thương nặng, cố tìm đồng đội thì có đồng chí chỉ còn thấy chân, có người chỉ còn thấy đầu… “Đó là hình ảnh thật đau xót, thương tâm; trở thành nỗi căm phẫn, tiếp thêm sức mạnh để những người ở lại nêu cao tinh thần chiến đấu trước kẻ thù” – ông Ân nói.
Suốt những năm tháng làm nhiệm vụ, biết bao chuyến hàng chi viện cho các chiến trường đều được ông Ân vận chuyển đến đích an toàn. Đặc biệt, ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vận chuyển phương tiện, vũ khí, nhu yếu phẩm chuẩn bị cho Chiến dịch giải phóng Tây Nguyên, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Sau đại thắng ngày 30/4/1975, ông được giao nhiệm vụ kích kéo, thu dọn các phương tiện nơi chiến trường. Với giọng bồi hồi, ông kể: “khi quân ta vào tiếp quản, Sài Gòn rất lộn xộn, tàn quân ngụy vẫn còn rải rác, trà trộn trong nhân dân. Vì vậy, bên cạnh nhiệm vụ chính, tôi và đồng đội còn kết hợp tổ chức trinh sát để bắt giữ tàn quân. Hàng ngàn quân ngụy sau đó đã bị bắt và giải về nhà tù Lao Bảo (Quảng Trị). Cảnh tượng ấy khiến tôi vô cùng sung sướng, tôi nhìn lên trời và thấy rằng bầu trời chưa bao giờ bình yên đến thế”.
Phục viên trở về, ông Ân công tác tại Công ty Điện lực Lạng Sơn và nghỉ hưu năm 1982. Với những đóng góp của mình, ông đã được tặng huân chương Chiến sĩ vẻ vang; huân chương Giải phóng cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.
Nay dù tuổi đã cao ông vẫn luôn nhiệt tình tham gia các hoạt động vì cộng đồng. Hiện ông là Trưởng Ban liên lạc truyền thống Trường Sơn – Hồ Chí Minh tỉnh Lạng Sơn. Lại một dịp kỷ niệm ngày 30/4 nữa đã đến, ông lại đứng ra vận động, tổ chức gặp mặt đồng đội, cùng ôn lại những kỷ niệm của một thời hào hùng, cùng ca vang lời hát như ngày xưa: “Đường ra trận mùa này đẹp lắm, Trường Sơn Đông nhớ Trường Sơn Tây…”. Còn chúng tôi, những thế hệ trẻ hôm nay may mắn được lắng nghe những câu chuyện từ những nhân chứng lịch sử, tự nhủ phải ra sức phấn đấu hơn nữa, tiếp bước cha ông để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Bài, ảnh: HOÀNG HUẤN
Ý kiến ()