"Gặp gỡ Blois" hướng về Việt Nam
Ngày 30-5, trong khuôn khổ của "Gặp gỡ Blois" lần thứ 25, Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) xây dựng ở thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định được giới thiệu nhằm thu hút sự hợp tác của cộng đồng khoa học thế giới đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước Việt Nam.
NDĐT- Ngày 30-5, trong khuôn khổ của “Gặp gỡ Blois” lần thứ 25, Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) xây dựng ở thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định được giới thiệu nhằm thu hút sự hợp tác của cộng đồng khoa học thế giới đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước Việt Nam.
Diễn ra từ ngày 26 đến 31-5 tại lâu đài cổ ở thành phố Blois cách Paris khoảng 200 km, “Gặp gỡ Blois” năm nay thu hút sự tham dự của 144 nhà vật lý đến từ 22 quốc gia trên thế giới. Kể từ năm 1989, “Gặp gỡ Blois” đã trở thành cuộc gặp quen thuộc và hiệu quả hằng năm để các nhà vật lý hàng đầu thế giới, trong đó có nhiều nhà vật lý trẻ, thảo luận những vấn đề lớn đang gây tranh cãi nhiều trên thế giới trong vật lý và thiên văn.
Giới thiệu với các nhà khoa học quốc tế, GS.TS Jean Trần Thanh Vân – người đưa ra ý tưởng “Gặp gỡ Việt Nam” – cho biết, ICISE đang được xây dựng trên diện tích gần 200 nghìn m2 với các hạng mục hội trường họp, phòng hội thảo, phòng làm việc, phòng thí nghiệm, thư viện và các công trình khác để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học. ICISE sẽ là nơi để các nhà khoa học trẻ và những người có kinh nghiệm gặp gỡ, trao đổi tri thức và ý tưởng, trong một môi trường yên tĩnh giữa rừng và biển, thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu và nghỉ dưỡng.
GS Trần Thanh Vân cho rằng đây là trung tâm có “ý nghĩa rất lớn” để mở rộng môi trường hoạt động nghiên cứu và trao đổi khoa học, đào tạo cho các nhà khoa học trẻ của Việt Nam. Việc xây dựng trung tâm này cũng phù hợp với chủ trương phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ của Việt Nam, để từ đó thu hút sự hợp tác của cộng đồng khoa học thế giới. Theo ông, một khi có nền khoa học và công nghệ vững chắc, kinh tế của Việt Nam sẽ càng lớn mạnh hơn.
Tham dự cuộc gặp với các nhà khoa học quốc tế tại Blois, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Dương Chí Dũng đánh giá cao công tác tổ chức và ý nghĩa của “Gặp gỡ Blois” vì đây là “cơ hội quý báu” để các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế có thể gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu và hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học.
Về dự án “Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành” tại Quy Nhơn, Đại sứ Dương Chí Dũng cho rằng dự án này thể hiện nỗ lực, đóng góp rất lớn của GS Trần Thanh Vân và các đồng nghiệp quốc tế và trong nước. Tiếp nối sự hợp tác và đóng góp của các nhà khoa học quốc tế, trung tâm này sẽ đóng góp đáng kể vào sự hội nhập khoa học công nghệ của Việt Nam với thế giới, cho sự nghiệp giáo dục và khoa học của Việt Nam trong tương lai.
Kể từ năm 1993, “Gặp gỡ Việt Nam″ đã tổ chức nhiều hội nghị khoa học quốc tế trong và ngoài nước, trong đó sáu lần tổ chức tại Việt Nam vào các năm 1993, 1995, 1999, 2000, 2004 và 2006 chủ đề chính là vật lý hạt nhân, vật lý thiên văn, công nghệ sinh học và các nghiên cứu ứng dụng… giúp các nhà khoa học Việt Nam và châu Á- Thái Bình Dương gặp gỡ, trao đổi với các nha khoa học phương Tây, trong đó có nhiều người đoạt giải Nobel.
Dự kiến ICISE sẽ được khánh thành vào tháng 8 để tổ chức “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ 9 và theo GS Trần Thanh Vân, nhiều nhà khoa học quốc tế từng đoạt giải Nobel đã bày tỏ mong muốn tới tham dự.
Blois không chỉ được biết đến là một thành phố xinh đẹp, nằm bên dòng sông Loire hiền hòa, dài nhất nước Pháp, mà còn có sự hợp tác chặt chẽ với TP Huế về bảo tồn các di sản văn hóa, bảo vệ môi trường. Nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước và hướng tới việc xây dựng quan hệ hợp tác đối tác chiến lược Việt-Pháp, Đại sứ Dương Chí Dũng có cuộc làm việc với lãnh đạo thành phố để thảo luận các dự án hợp tác trong thời gian tới.
Cũng tại Blois, sự hiện diện của Việt Nam còn được thể hiện qua những thành tích học tập nổi bật của các sinh viên và sự đóng góp vào cộng đồng địa phương của 40 gia đình Việt. Chỉ có 25 sinh viên Việt Nam đang theo học tại Trường kỹ sư quốc gia Val de Loire nhưng đa số đều giành được học bổng và được giáo viên và các bạn quốc tế đánh giá rất cao. Trong khi đó, các gia đình người Lào, Khmer và Thái Lan gốc Việt luôn hướng về quê hương và nhắc nhở con cháu cố gắng học giỏi để có thể đóng góp xây dựng quê hương Việt Nam.
GS Trần Thanh Vân giới thiệu về dự án ICISE.
Đại sứ Dương Chí Dũng (thứ 2 từ phải), tại cuộc gặp Thị trưởng và Phó thị trưởng TP Blois, ông Marc Gricourt và bà Odile Soules, cùng GS Trần Thanh Vân và phu nhân.
Đại sứ Dương Chí Dũng gặp kiều bào tại Blois.
Theo Nhandan
Ý kiến ()