Gập ghềnh con đường lập nhà nước mới ở Li-bi
Sau khi chính quyền của Tổng thống M.Ca-đa-phi bị lật đổ tháng 10-2011, đất nước Li-bi vẫn đang đứng trước một câu hỏi lớn là sẽ xây dựng một nhà nước mới như thế nào? Cuộc bầu cử Hội đồng lập hiến gồm 200 thành viên sẽ diễn ra vào ngày 19-6 tới được coi là bước đi đầu tiên trên con đường thiết lập nhà nước mới ở Li-bi theo kịch bản mà phương Tây và Mỹ sắp đặt.Việc đăng ký cử tri và các đảng phái đã được bắt đầu từ ngày 1-5. Chủ tịch Ủy ban bầu cử Li-bi, ông Nu-ri An Áp-ba cho biết, khi các điểm đăng ký bắt đầu mở đã có nhiều người đến đăng ký cử tri, nhưng tiến trình diễn ra rất chậm chạp. Ông N.A.Áp-ba cho rằng, dù sao đây cũng là một sự khởi đầu "tích cực". Theo Luật Bầu cử, các đảng phái được phép tranh cử không được nhận tài trợ từ nước ngoài, mà chỉ được nhận tiền hỗ trợ từ ngân quỹ nhà nước cho việc vận động tranh cử. Hội đồng lập hiến bầu ra ngày 19-6 tới sẽ chỉ định một chính phủ...
Việc đăng ký cử tri và các đảng phái đã được bắt đầu từ ngày 1-5. Chủ tịch Ủy ban bầu cử Li-bi, ông Nu-ri An Áp-ba cho biết, khi các điểm đăng ký bắt đầu mở đã có nhiều người đến đăng ký cử tri, nhưng tiến trình diễn ra rất chậm chạp. Ông N.A.Áp-ba cho rằng, dù sao đây cũng là một sự khởi đầu “tích cực”. Theo Luật Bầu cử, các đảng phái được phép tranh cử không được nhận tài trợ từ nước ngoài, mà chỉ được nhận tiền hỗ trợ từ ngân quỹ nhà nước cho việc vận động tranh cử. Hội đồng lập hiến bầu ra ngày 19-6 tới sẽ chỉ định một chính phủ lâm thời và bổ nhiệm một ủy ban xây dựng dự thảo Hiến pháp mới. Sau đó, cuộc bầu cử Quốc hội chính thức sẽ được tiến hành trên cơ sở của Hiến pháp mới, muộn nhất vào tháng 5-2013. Những đảng phái “có chân” trong Quốc hội mới phải nhận được ít nhất 3% số phiếu bầu của cử tri.
Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp (NTC) cầm quyền chưa kiểm soát tình hình đất nước, được dư luận cho rằng, “không có khả năng hành động”. Tình hình an ninh, chính trị và xã hội ở Li-bi vẫn rất phức tạp. Đất nước Bắc Phi này trong thời kỳ “hậu Ca-đa-phi” đang chìm đắm trong những vấn đề lớn. Mấy chục đảng phái chính trị được thành lập. Xung đột vũ trang tiếp diễn dai dẳng. Sản xuất đình đốn. Sau những vụ phản đối mạnh mẽ của nhiều lực lượng chính trị, NTC đã phải nhượng bộ và chấp nhận các đảng Hồi giáo và tôn giáo khác tham gia chính trường. Sự phức tạp bộc lộ ngay sau khi tiến trình bầu cử Quốc hội bắt đầu. Đã có 36 đảng phái chính trị đăng ký tham gia tranh cử vào cơ quan lập hiến mới, trong đó có không ít các đảng của các tôn giáo khác nhau, đáng chú ý là đảng “Anh em Hồi giáo” và một số lực lượng Hồi giáo cấp tiến. Chủ tịch Ủy ban bầu cử cáo buộc NTC đang có những động thái “cản trở” cuộc bầu cử này.
Quá trình xây dựng một nhà nước mới theo hướng dân chủ ở Li-bi báo trước những khó khăn và phức tạp chưa thể lường trước. Bởi như Giám đốc Trung tâm nghiên cứu thế giới A-rập thuộc Trường đại học Mai của Đức, ông Guyn-tơ Mây-ơ nhận xét: Trong thời gian cầm quyền hơn 40 năm ở Li-bi, nhà lãnh đạo M.Ca-đa-phi đã loại bỏ tất cả các “trung tâm quyền lực” đe dọa đối với ông và gia đình ông cũng như cơ chế cần thiết cho một nhà nước dân chủ. Thời gian qua, Hội đồng NTC cầm quyền “vận hành” yếu kém, không thể kiểm soát được các bộ lạc, các nhóm dân quân và các khu vực. Trên thực tế, NTC chưa biết phải làm gì để giải quyết ổn thỏa ngay trên lĩnh vực pháp lý. Các lực lượng này vẫn theo đuổi đường lối chính trị riêng của họ. Mới đây, Hội đồng NTC ban hành một sắc lệnh bảo đảm không trừng phạt đối với các binh sĩ trong chính quyền của M.Ca-đa-phi và triển vọng trả tự do cho những người thân cận của M.Ca-đa-phi. Một số phe phái đã lên tiếng yêu cầu thành lập nhà nước liên bang mới, gồm các khu vực tự trị. Lực lượng vũ trang chống M.Ca-đa-phi cũng đã chỉ trích Hội đồng NTC không minh bạch và không công khai việc sử dụng các khoản tài chính Nhà nước Li-bi, nhất là khoản thu nhiều tỷ USD từ xuất khẩu dầu mỏ.
Hiện nay, Hội đồng NTC và chính phủ đương nhiệm rơi vào tình trạng khủng hoảng về tính hợp pháp, mặc dù NTC đã nhiều lần phải nhượng bộ trước sức ép của lực lượng vũ trang này. Nội bộ Hội đồng NTC đang diễn ra cuộc tranh cãi xem liệu có để phương Tây giúp đỡ trong cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên ở Li-bi hay không. Tình hình chính trị phức tạp, xã hội chia rẽ và kinh tế đình đốn càng làm cho nguy cơ xung đột vũ trang lan rộng và quá trình xây dựng lại đất nước sẽ khó khăn hơn. Theo quy luật thiên nhiên, mùa xuân qua là mùa hè oi nóng tới. Dư luận có cơ sở để nghi ngờ về sự thành công đích thực của cuộc bầu cử tự do, dân chủ và công bằng ở Li-bi sắp tới.
Theo Nhandan
Ý kiến ()