Gạo Việt Nam đạt danh hiệu gạo ngon nhất thế giới năm 2023
Gạo ST25 của ông Hồ Quang Cua đã vượt qua gạo Campuchia và Ấn Độ để thắng giải ở cuộc thi gạo ngon nhất thế giới năm 2023. Cuộc thi là một phần trong khuôn khổ Hội nghị Thương mại Lúa gạo toàn cầu tại Cebu (Philippines), do The Rice Trader tổ chức.
Gạo ST25 của ông Hồ Quang Cua đã vượt qua gạo Campuchia và Ấn Độ và thắng giải ở cuộc thi gạo ngon nhất thế giới năm 2023. |
Cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới năm nay có sự tham gia của hơn 10 quốc gia và 30 mẫu gạo đã được gửi dự thi.
Kết quả, gạo Ấn Độ đạt giải 3, Campuchia hạng nhì và Gạo ông Cua ST25 đạt giải nhất. Đây là lần thứ hai gạo ST25 của ông Cua đoạt giải nhất, lần đầu vào năm 2019.
Theo ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm nay, có 3 doanh nghiệp Việt Nam gửi 6 loại gạo đi dự thi. Trong đó, doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí dự thi gạo ST24, ST25, Tập đoàn Lộc Trời dự thi gạo LT28 và Nàng Hoa 9, Tập đoàn Thái Bình Seeds dự thi với hai loại gạo TBR39 -1 và nếp A Sào.
Kết quả chung cuộc, gạo Việt Nam đã trở thành gạo ngon nhất thế giới. Kết quả này thêm một lần nữa khẳng định chất lượng cũng như uy tín của gạo Việt trên thị trường quốc tế, khẳng định quá trình tái cơ cấu ngành lúa gạo của Việt Nam đã đi đúng hướng và đã gặt hái được những thành quả quan trọng.
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 11 tháng năm 2023 đạt 4,41 tỷ USD, tăng 36,3% so với cùng kỳ năm 2022, đáng chú ý, giá gạo Việt Nam đã vươn lên vị trí cao nhất thế giới.
Thông tin gạo Việt Nam được vinh danh là gạo ngon nhất thế giới chắc chắn sẽ có tác động tích cực đến hình ảnh gạo Việt cũng như việc xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chính thức phê duyệt Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng đồng bằng sông Cửu Long với mục tiêu hình thành một triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Theo nhandan.vn
Ý kiến ()