Gánh nặng đè lên tiến trình phục hồi kinh tế của Singapore
Chiến dịch quân sự đặc biệt mà Nga tiến hành ở Ukraine đang đe dọa sự phục hồi kinh tế của Singapore thời kỳ hậu đại dịch Covid-19, dù cả hai quốc gia này đều không phải là đối tác thương mại lớn của đảo quốc sư tử.
Trong bài phát biểu mới đây tại Đại hội Công đoàn Quốc gia (NTUC) của Singapore, Thủ tướng Lý Hiển Long khẳng định, đảo quốc Sư tử phải chuẩn bị đối mặt với những thách thức kinh tế lớn hơn vì lạm phát vẫn sẽ ở mức cao, trong khi các ngân hàng trung ương đang thắt chặt chính sách tiền tệ.
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng sẽ bị ảnh hưởng với khả năng xảy ra suy thoái trong hai năm tới. Đây là những kịch bản đầy khó khăn buộc Singapore phải đưa ra chiến lược phù hợp.
Nhà lãnh đạo 70 tuổi nhận định, hậu Covid-19, xung đột Nga-Ukraine đã làm mờ đi triển vọng phục hồi kinh tế của Singapore-điều mà quốc gia này từng tỏ ra lạc quan một cách thận trọng vào đầu năm nay. Người dân Singapore đang cảm nhận rõ tác động của cuộc xung đột đối với chi phí sinh hoạt khi đảo quốc sư tử phải đối mặt với mức thiệt hại 8 tỷ SGD (5,8 tỷ USD) mỗi năm do giá năng lượng tăng cao.
Một con tàu cập cảng biển Singapore. Ảnh: Reuters |
Singapore là một trong hai quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất trong ASEAN. Khi giá dầu ở mức 50USD/thùng, Singapore tiêu tốn 30 tỷ SGD để nhập khẩu dầu thô và khí đốt tự nhiên mỗi năm. Nhưng khi giá dầu lên 100USD/thùng, gánh nặng chi phí cũng tăng gấp đôi.
Singapore có thể thu hồi một phần chi phí vì một số hàng nhập khẩu được tinh chế, sản xuất thành hóa dầu và xuất khẩu với giá cao hơn. Nhưng phần còn lại được tiêu thụ trong nước dưới dạng năng lượng sẽ do các hộ gia đình, doanh nghiệp và Chính phủ Singapore gánh chịu.
Tác động của giá dầu tăng đang thể hiện ở sự leo thang của một số chi phí sinh hoạt thường ngày như giá nhà ở, điện, khí gas, nhiên liệu cũng như giao thông vận tải.
Trong bối cảnh các đòn trừng phạt kinh tế tiếp tục giáng mạnh vào Nga và không có nhiều tiến triển trong nỗ lực chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Ukraine, giá cả hàng hóa dự kiến sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao. Cùng với đà tăng kéo dài của giá cả, lo ngại về tình trạng “lạm phát đình trệ” trong khu vực Đông Nam Á cũng ngày càng trở nên hiện hữu.
Sự can thiệp của chính phủ như trợ giá các mặt hàng năng lượng có thể giúp giảm nhẹ tác động mà tình trạng giá cả leo thang gây ra đối với mức lạm phát ở trong nước. Nhưng sự hỗ trợ này chỉ giúp ích trong ngắn hạn chứ không giải quyết được vấn đề dài hạn. Cơ bản vẫn là giá năng lượng và lương thực tăng cao.
Do vậy, Thủ tướng Lý Hiển Long cho rằng, giải pháp chỉ có một, đó là nâng cao năng suất, chuyển đổi và phát triển nền kinh tế để thu nhập của người dân có thể tăng lên. Nhà lãnh đạo này cũng khẳng định Singapore sẽ phải chấp nhận thực tế và phát triển một chiến lược phù hợp với môi trường đầy khó khăn sắp tới.
Theo một số chuyên gia phân tích, cuộc xung đột Nga-Ukraine về cơ bản có thể làm thay đổi trật tự kinh tế và địa chính trị toàn cầu nếu thương mại năng lượng thay đổi, chuỗi cung ứng được tái cấu trúc, mạng lưới thanh toán chia rẽ. Quan hệ của nhiều quốc gia cũng sẽ bị ảnh hưởng, trong đó, điển hình là mối quan hệ Mỹ-Trung, Nga-phương Tây vốn đã căng thẳng được dự đoán sẽ thêm phần phức tạp. Điều này gây khó khăn cho những nước theo đuổi hợp tác cùng có lợi với cả hai phía.
Đáng lo ngại hơn là cuộc khủng hoảng tại Ukraine cũng làm trầm trọng thêm tình trạng quay lưng với thương mại tự do, sau khi sự gián đoạn từ đại dịch đã thúc đẩy các nước cân nhắc về việc “xây dựng lại chuỗi cung ứng” để tự cung tự cấp hoặc chỉ làm việc với các quốc gia “bạn bè”. Đây sẽ là khó khăn lớn đối với Singapore, quốc gia vốn phụ thuộc nhiều vào thương mại và đầu tư quốc tế.
Mặc dù vậy, Thủ tướng Lý Hiển Long cho rằng, quay lưng với thương mại tự do không phải là lựa chọn đối với Singapore. Chiến lược của nước này chỉ có một, đó là luôn mở cửa. Điều này giúp nền kinh tế của đảo quốc sư tử mạnh mẽ, linh hoạt hơn và tiếp tục nắm bắt các cơ hội để tăng trưởng, phát triển các năng lực mới và trở thành một nền kinh tế cạnh tranh hơn.
“Nếu chúng ta làm được điều đó thì bất chấp tình hình bất ổn, bất chấp áp lực từ phong trào chống lại toàn cầu hóa, các nhà đầu tư vẫn thấy đáng giá khi đổ tiền vào các dự án ở Singapore, hàng hóa xuất khẩu của chúng ta vẫn sẽ tìm được thị trường nước ngoài và chúng ta vẫn có thể nhận được trái ngọt dù tình hình thế giới biến chuyển ra sao”, Thủ tướng Lý Hiển Long khẳng định.
Ý kiến ()