Gang thép Thái Nguyên cần khẩn trương thoát tình trạng "đắp chiếu"
Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn hai của TISCO “đắp chiếu” từ năm 2013 đến nay.
Tuy nhiên, nếu kéo dài thêm tình trạng chậm thực hiện các giải pháp cho dự án này thì rất nhiều khả năng TISCO sẽ phải dừng sản xuất, lúc đó thiệt hại sẽ là rất lớn.
Dự án “đắp chiếu” đã hơn năm năm
Đầu năm 2005, Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn hai của TISCO, nhằm tăng năng lực sản xuất thêm 500 nghìn tấn phôi thép/ năm từ việc sử dụng quặng sắt trên địa bàn. Tháng 5-2006, TISCO triển khai các bước đấu thầu quốc tế đối với gói thầu EPC (thiết kế, cung cấp thiệt bị, thi công lắp đặt) số 1, một năm sau đó ký kết hợp đồng EPC với nhà thầu MCC (Trung Quốc) và tháng 9-2007 TISCO khởi công Dự án với tổng mức đầu tư gần bốn nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, do suy thoái kinh tế thế giới kéo dài, giá vật tư, nguyên, nhiên liệu tăng đột biến, lương cơ bản tăng, lãi suất và tỷ giá tăng cao (từ 15.800 đồng/USD lên gần 22 nghìn đồng/USD năm 2010), giải ngân Dự án trong giai đoạn lãi suất tăng cao (có thời điểm lên đến 18%/năm), triển khai thi công chậm và các vướng mắc là những nguyên nhân chính làm tăng tổng mức đầu tư Dự án. Trong khi đó, chủ đầu tư là TISCO gặp rất nhiều khó khăn trong việc huy động vốn để thực hiện hoàn thành dự án.
Với những biến động như vậy, nhà thầu MCC nhiều lần đòi tăng giá hợp đồng EPC. Nội dung này vượt quá phạm vi của hợp đồng EPC đã ký và vượt thẩm quyền của chủ đầu tư nên TISCO đã có rất nhiều báo cáo, văn bản xin ý kiến của cấp có thẩm quyền nhưng không được giải quyết kịp thời và nhà thầu MCC tạm dừng triển khai thi công Dự án 18 tháng. Do thiếu vốn, đến đầu năm 2013 thì dừng toàn bộ việc thi công Dự án cho đến nay.
Bằng vốn tự có, TISCO đã đầu tư cho Dự án hơn 1.500 tỷ đồng, vay ngân hàng để đầu tư Dự án khoảng hơn ba nghìn tỷ đồng. Mặc dù Dự án đang dở dang và “đắp chiếu” từ đầu năm 2013, nhưng từ năm 2011 TISCO phải trả gốc và lãi vay ngân hàng cho Dự án là hơn 1.300 tỷ đồng, bình quân mỗi tháng phải trả gần 15 tỷ đồng, đặc biệt là từ đầu năm 2017 mỗi tháng phải trả gốc và lãi cho ngân hàng mỗi tháng 47 tỷ đồng.
Việc sử dụng vốn tự có hơn 1.500 tỷ đồng đầu tư cho Dự án và tháng 4-2017 SCIC rút một nghìn tỷ đồng đầu tư ra khỏi TISCO đã làm doanh nghiệp này gặp khó khăn về vốn lưu động. Các ngân hàng cho vay vốn ngắn hạn phục vụ sản xuất kinh doanh thường xuyên đánh giá khả năng tài chính của TISCO thấp. Mặt khác, do Dự án chưa có hướng giải quyết nên các ngân hàng giảm hạn mức cho vay vốn lưu động, tăng lãi suất đối với các khoản vay làm cho TISCO càng khó khăn trong cân đối vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Khắc phục khó khăn, những năm gần đây, TISCO đã thực hiện hàng loạt giải pháp quản lý cho phù hợp, như nâng cao trách nhiệm của các đơn vị trực thuộc, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị thành viên, tăng cường công tác quản trị, triển khai các giải pháp kỹ thuật trong sản xuất gang, phôi thép, sản xuất thép; tổ chức lại hệ thống bán hàng; giảm từ 15 phòng, ban xuống còn mười phòng, ban, giảm số biên chế từ hơn 6.400 người xuống còn hơn 4.400 người nhằm giảm chi phí, hạ giá thành… để các sản phẩm thép cạnh tranh trên thị trường.
Kết quả sản xuất, kinh doanh mấy năm gần đây liên tục có hiệu quả, nếu như năm 2013 TISCO lỗ hơn 161 tỷ đồng thì năm 2014 lãi 5,2 tỷ đồng, năm sau lãi hơn tám tỷ đồng, năm 2016 lãi hơn 207 tỷ đồng, năm 2017 lãi gần 110 tỷ đồng. Từ năm 2013 đến hết năm 2018, mỗi năm nộp ngân sách từ 350 – 400 tỷ đồng, ổn định việc làm cho cán bộ, công nhân với mức thu nhập bình quân hơn bảy triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, khó khăn lớn đất đối với TISCO là thiếu vốn lưu động để phục vụ sản xuất, kinh doanh vì việc tiếp cận vốn ngân hàng đang khó khăn và chưa thực hiện có hiệu quả các giải pháp để Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn hai có “lối ra”. Nếu kéo dài tình trạng này thì thời gian tới có nhiều khả năng TISCO sẽ phải dừng sản xuất, phá sản, khi đó hàng vạn người sẽ không có việc làm, tài sản nhà nước không thể bảo toàn, vốn vay của các ngân hàng không còn khả năng trả nợ nên thiệt hại sẽ là rất lớn.
Cần thực hiện có hiệu quả các giải pháp
Cơ quan chức năng đã và đang kiểm tra, thanh tra việc quản lý, tổ chức thực hiện Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn hai của TISCO, đơn vị, cá nhân nào liên quan đến sai phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định. Nhưng việc Dự án này “đăp chiếu” trong nhiều năm qua đã tác động rất tiêu cực đối với tình hình sản xuất của TISCO; tổng mức đầu tư tăng lên hơn hai lần, điều quan trọng không kém là đến nay đường hướng đối với Dự án mà cơ quan có thẩm quyền đưa ra chưa được thực hiện có hiệu quả.
Số vốn lên đến hơn 4.800 tỷ đồng mà TISCO đã huy động cho Dự án đến nay vẫn “đắp chiếu”, không phát huy hiệu quả mà từ năm 2011 phải trả gốc, trả lãi ngân hàng làm cho tình hình tài chính của doanh nghiệp này xấu đi, các ngân hàng cho vay vốn lưu động ngắn hạn phục vụ sản xuất, kinh doanh đánh giá khả năng tài chính của TISCO thấp.
Tuy vậy, thời gian vừa qua, bên cạnh việc tạo việc làm, thu nhập cho số cán bộ, công nhân của mình, hiện nay còn có khoảng 300 doanh nghiệp, đơn vị khác có quan hệ mật thiết đối với sản xuất, kinh doanh của TISCO với số lao động lên đến hàng vạn người. Nếu các ngân hàng không tiếp tục cho vay vốn lưu động phục vụ sản xuất, kinh doanh và không sớm thực hiện các giải pháp đối với Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn hai thì nhiều khả năng doanh nghiệp này sẽ phải dừng sản xuất, kinh doanh, thậm chí tuyên bố phá sản thì hàng vạn người sẽ không có việc làm, đời sống rất khó khăn.
Để giải quyết khó khăn đối với TISCO, ngày 29-9-2017 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1468/QĐ-TTg, trong đó đưa ra bốn nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.
Một là, thoái phần vốn Nhà nước tại TISCO từ 65% xuống còn dưới 30%, thời gian thực hiện từ 2018 – 2020. Hai là, xây dựng phương án, chủ động đàm phán và giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc tranh chấp với nhà thầu hợp đồng EPC và các hợp đồng phụ trước quý I-2018.
Ba là, phối hợp các đơn vị tư vấn hoàn thành việc xác định giá trị Dự án, đánh giá hiệu quả Dự án và xây dựng phương án tái cơ cấu TISCO trình cấp có thẩm quyền. Cuối cùng là đề nghị các ngân hàng cơ cấu nợ, giảm nợ, giảm lãi suất vay đối với Dự án.
Cả bốn nhiệm vụ này đến nay đều chưa được thực hiện có hiệu quả. HĐQT TISCO xác định, đến thời điểm này Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn hai vẫn hiệu quả, để hoàn thành Dự án thì cần có vốn và nhà thầu hợp đồng EPC yêu cầu chủ đầu tư chứng minh nguồn vốn thì sẽ đàm phán để thi công Dự án trở lại.
Để có nguồn lực hoàn thiện Dự án thì điều tiên quyết là cấp có thẩm quyền cho phép thoái vốn Nhà nước tại TISCO để thu hút các nhà đầu tư. Khi đã thoái vốn, nhà đầu tư sẽ tiếp cận doanh nghiệp, quản trị TISCO để tái khởi động Dự án, tiến tới hoàn thành Dự án để đi vào sản xuất thì sẽ giải quyết được những khó khăn đang ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sản xuất hiện nay.
Thời gian tới đây, nếu vẫn tiếp tục chậm trễ thực hiện Quyết định 1468 của Thủ tướng Chính phủ thì cơ hội tồn tại đối với TISCO sẽ là rất thấp, hiệu quả Dự án không còn. Khi đó, vốn và tài sản Nhà nước tại TISCO không bảo toàn được, các ngân hàng không có khả năng thu hồi nợ, việc làm, thu nhập của hơn 4.400 cán bộ, công nhân không còn, an sinh xã hội đối với hàng vạn người ở khu vực phía nam TP Thái Nguyên cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo Nhandan
Ý kiến ()