Gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”
BÀI II – HỘI NHẬP VÀ CẠNH TRANH
LSO-Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, rộng mang lại nhiều cơ hội, nhưng cũng không ít thách thức. Các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, điển hình là mở cửa thị trường bán lẻ vào tháng 1/2015 vừa qua, đòi hỏi các doanh nghiệp, các nhà sản xuất trong nước nói chung và trong tỉnh nói riêng phải năng động, sáng tạo hơn nữa để có thể cạnh tranh.
Người dân mua sắm hàng hóa tại hội chợ hàng Việt |
Những năm trước đây, hàng hóa Trung Quốc tràn ngập trên thị trường Lạng Sơn. Không chỉ người tiêu dùng trong tỉnh mà người tiêu dùng trong cả nước đều tìm mua các sản phẩm này. Thế nhưng, với nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp và hướng đi đúng trong triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hàng Việt đã dần chiếm ưu thế trên thị trường Lạng Sơn.
Thế nhưng, trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện cam kết trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, thị trường cả nước nói chung và Lạng Sơn nói riêng sẽ xuất hiện thêm nhiều sản phẩm của các nước ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Ông Lê Xuân Lô, Trưởng phòng Quản lý Thương mại (Sở Công thương) nêu ví dụ: chẳng hạn như sản phẩm máy bơm nước của Công ty TNHH Bảo Long, chất lượng rất tốt, uy tín đã được khẳng định và đang lấn át các sản phẩm từ Trung Quốc. Thế nhưng sẽ có nhiều máy bơm đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc… Người Việt chúng ta cứ nghe đồ của Nhật là đã nghĩ ngay là bền, tiết kiệm nhiên liệu. Nếu doanh nghiệp sản xuất trong tỉnh không có chiến lược nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa mẫu mã, giảm giá thành, quan tâm chế độ hậu mãi… thì nguy cơ thua trên “sân nhà” là có thực.
Ngày 29/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 634, phê đuyệt đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014-2020. Một trong những quan điểm là: Phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động với mục đích lâu dài nhằm giúp người tiêu dùng nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam; xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam dựa trên tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc. Đồng thời phải khuyến khích thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh hàng hóa tại Việt Nam, trên cơ sở phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên và không nhằm mục đích bảo hộ mậu dịch, bài trừ hàng ngoại hay đóng cửa nền kinh tế.
Thực hiện Quyết định này, ngày 3/3/2015, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phát triển thị trường trong tỉnh gắn với cuộc vận động. Ông Lê Xuân Lô, Trưởng phòng Quản lý Thương mại cho biết: ngoài những nội dung vẫn tiếp tục thực hiện từ giai đoạn trước của cuộc vận động, lần này có thêm điểm mới là hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng điểm bán hàng Việt với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”. Hiện nay, các đơn vị liên quan đang khẩn trương phối hợp, xây dựng kế hoạch để triển khai thí điểm một gian hàng trên địa bàn thành phố, sau đó sẽ triển khai ra các huyện khác.
Mặt khác, Sở Công thương cũng sẽ chủ trì cùng với các ngành xây dựng cơ sở dữ liệu (bản đồ số) và cập nhật mạng lưới phân phối hàng Việt Nam trên địa bàn tỉnh có tính đồng bộ với cơ sở dữ liệu với các tỉnh, thành phố trên cả nước. Từ đó cập nhật thường xuyên, chính xác thông tin về mạng lưới phân phối hàng Việt Nam trên địa bàn tỉnh đồng bộ với cả nước để cung cấp miễn phí cho doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, trong đó có các dữ liệu cơ bản như: các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã, chợ, siêu thị, sức mua, thương hiệu nổi tiếng, sản phẩm thế mạnh của tỉnh…, từ đó giúp doanh nghiệp và người tiêu dùng nắm bắt tốt hơn về thị trường trong và ngoài tỉnh đồng thời giúp người tiêu dùng tiếp cận dễ dàng hơn với hàng Việt Nam chất lượng cao, giá cả hợp lý.
Từ đầu năm 2015 đến nay, lãnh đạo tỉnh và các ngành, các huyện thành phố đã tổ chức nhiều hội nghị đối thoại với doanh nghiệp. Đây cũng là một trong những hành động cụ thể nhằm giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, mở rộng sản xuất kinh doanh, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Hàng Việt Nam thu hút sự quan tâm của nhiều khách hàng trên địa bàn tỉnh tại các hội chợ thương mại |
Nếu các doanh nghiệp chủ động và có chiến lược tốt, cùng với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành trong thực hiện kế hoạch phát triển thị trường trong tỉnh gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thì những sản phẩm hàng Việt hoàn toàn có thể cạnh tranh tốt so với hàng ngoại.
VŨ LÊ MINH
Ý kiến ()