Gắn ‘thẻ căn cước’ cho đặc sản
Tới đây, mỗi loại đặc sản của Đà Lạt nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung sẽ được nhận diện bởi một dãy số và mỗi dãy số chỉ tương ứng với một loại hàng hóa, từ đó giúp người dân phân biệt nhanh chóng, chính xác các loại hàng hóa khác nhau.
Tỉnh Lâm Đồng sẽ gắn “thẻ căn cước” cho các sản phẩm nông sản. |
Trong năm 2019, tỉnh sẽ hỗ trợ 100 cơ sở sản xuất đặc sản Đà Lạt thử nghiệm đề án, trong đó hỗ trợ 82 cơ sở làm đăng ký mã số mã vạch và phí sử dụng mã số mã vạch trong vòng 1 năm. Ngoài ra, tỉnh sẽ hỗ trợ phí sử dụng mã vạch cho 18 cơ sở. Việc làm này là nhằm giúp các cơ sở chế biến, kinh doanh đặc sản Đà Lạt hiểu rõ tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu và quản lý chất lượng sản phẩm, tạo uy tín trên thị trường.
Sau khi xây dựng thành công những mô hình ban đầu, đề án sẽ được nhân rộng trên toàn thành phố và các địa phương lân cận.
Theo đó, mỗi loại hàng hóa được nhận diện bởi một dãy số và mỗi một dãy số chỉ tương ứng với một loại hàng hóa. Nó như là “thẻ căn cước” của hàng hóa, giúp phân biệt nhanh chóng và chính xác các loại hàng hóa khác nhau. Ngoài ra, sản phẩm đặc sản còn được gắn mã vạch.
Ngoài việc hỗ trợ thủ tục hồ sơ và chi phí đăng ký sử dụng mã số, mã vạch… các cơ sở chế biến hàng đặc sản Đà Lạt nằm trong đề án còn được ưu tiên giới thiệu, kết nối cung cấp sản phẩm vào các hệ thống phân phối, kênh phân phối trong và ngoài tỉnh.
Xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất tới tiêu dùng
Tỉnh Lâm Đồng cũng đã chính thức triển khai Tháng hành động vì ATTP năm 2019 với chủ đề “Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.
Một trong những nội dung được tỉnh Lâm Đồng chú trọng trong việc bảo đảm ATTP cho người tiêu dùng là sản xuất sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Mục tiêu tỉnh Lâm Đồng đặt ra trong tháng này là tăng cường truyền thông, thông tin chính xác, kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm, trung thực các vấn đề liên quan đến ATTP. Tỉnh đề cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về ATTP; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát, hậu kiểm về ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt là nêu cao vai trò của các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về ATTP của cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; giảm thiểu ngộ độc thực phẩm không an toàn, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng.
Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng yêu cầu ngành chức năng, các địa phương tiếp tục kiện toàn bộ máy làm công tác bảo đảm ATTP từ tỉnh đến cơ sở; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm, công khai trên phương tiện truyền thông.
Tăng cường quản lý điều kiện bảo đảm ATTP đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, cương quyết không để cơ sở không bảo đảm đủ điều kiện ATTP hoạt động; thực hiện đồng bộ các biện pháp, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm, nhất là dịp diễn ra các sự kiện lớn.
Đặc biệt, tiếp tục nhân rộng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn và kết nối tiêu thụ sản phẩm với các tỉnh, thành trong cả nước; kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất, chế biến thực phẩm…
Theo Chinhphu
Ý kiến ()