Thứ 4, 01/01/2025 09:43 [(GMT +7)]
Gắn sản xuất với bảo vệ môi trường
Thứ 7, 20/08/2011 | 08:57:00 [(GMT +7)] A A
Khẳng định tầm quan trọng của vấn đề môi trường trong quản lý và sản xuất, dự án xây dựng Nhà máy sản xuất phân bón Diamon photphat (DAP) Hải Phòng đã quan tâm các tiêu chí về môi trường.
Hiệu quả đầu tư
Với tổng vốn đầu tư được phê duyệt là 172 triệu USD, kết quả đấu thầu Dự án nhà máy đã giảm xuống 165 triệu USD, và khả năng quyết toán thực tế sẽ dừng ở con số 2.500 tỷ đồng, tương đương 120 triệu USD. Nhà máy DAP Hải Phòng đã đi vào sản xuất, ổn định và chủ động trong việc cung cấp phân bón DAP cho phát triển nông nghiệp, dần thay thế DAP nhập khẩu, sử dụng nguồn quặng a-pa-tít trong nước, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp. Năm 2010, nhà máy đã sản xuất 156 nghìn tấn DAP, lợi nhuận sau thuế là 33 tỷ đồng. Bước sang năm 2011, tính riêng bảy tháng đầu năm, nhà máy đã sản xuất 130 nghìn tấn DAP, lợi nhuận hơn 200 tỷ đồng. Đây là những thành quả đáng mừng, bởi theo kế hoạch được phê duyệt, khi đi vào sản xuất, 5 năm đầu nhà máy sẽ chịu lỗ, và chỉ bắt đầu có lãi từ năm thứ sáu. Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Giám đốc Nhà máy Hoàng Văn Liễu, cho biết, theo phương án được phê duyệt, nhà máy sẽ trả nợ trong vòng 12 năm, nhưng trên thực tế, nhà máy đã nâng mức khấu hao lên gấp hai lần. Theo đó, thời gian trả nợ dự tính sẽ hoàn thành trong vòng sáu năm. Tới thời điểm này, nhà máy đã trả nợ ngân hàng được một phần ba vốn vay (557 tỷ đồng/1.760 tỷ đồng vốn vay). 700 lao động của Hải Phòng có việc làm ổn định tại nhà máy, với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng.
Chú trọng bảo vệ môi trường
Khẳng định tầm quan trọng của vấn đề môi trường trong quản lý và sản xuất, ngay từ ban đầu, dự án xây dựng nhà máy đã được đầu tư bằng công nghệ bảo đảm môi trường. Nhà máy DAP Hải Phòng đi vào sản xuất với bốn nhà máy sản xuất chính: Nhà máy a-xít Sulfuric công suất 414 nghìn tấn/năm, theo công nghệ của hãng MONSANTO (Mỹ); Nhà máy a-xít phốt-pho-ric công suất 161.700 tấn/năm, sản xuất theo công nghệ bản quyền của PRAYON thế hệ MARK IV (Vương quốc Bỉ); Nhà máy nhiệt điện gồm lò hơi 35 tấn hơi/giờ và tua-bin – máy phát điện công suất 12 MW cấp điện sử dụng cho toàn bộ công ty; Nhà máy sản xuất DAP công suất 330.000 tấn/năm – sản xuất theo công nghệ tiền trung hòa kết hợp phản ứng ống, thuộc bản quyền công nghệ của INCRO (Tây Ban Nha). Ngoài ra, còn có các nhà máy phụ trợ: Cấp thoát nước, cơ điện… đều liên quan mật thiết đến môi trường. Chính vì vậy, từ khi đi vào sản xuất, Nhà máy DAP Hải Phòng đã phối hợp các cơ quan hữu quan, tiến hành quan trắc môi trường định kỳ theo quy định; quan trắc các hạng mục nước thải, chất thải rắn; quan trắc định kỳ các mẫu khí thải, nước thải, khí chung quanh; đồng thời triển khai đúng việc đăng ký, kê khai chất thải và nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp; thực hiện thủ tục đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại; phối hợp các đơn vị chuyên môn thực hiện việc thu gom, xử lý các loại chất thải; các nguồn chất thải rắn được chôn lấp theo quy định. Đối với chất thải rắn nguy hại, nhà máy đã xây dựng kho chứa có mái che, ký hợp đồng vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại với đơn vị có tư cách pháp nhân theo đúng quy định hiện hành; ký hợp đồng dịch vụ vệ sinh với Công ty Môi trường đô thị Hải Phòng để vận chuyển và xử lý chất thải thông thường… Với loại bã thải có thành phần chủ yếu là thạch cao, là nguyên liệu có giá trị trong ngành xây dựng, nhà máy đã triển khai xây dựng xưởng sản xuất vật liệu xây dựng, sử dụng ngay nguồn chất thải rắn này. Đối với các nguồn khí thải, nhà máy đã thực hiện xử lý ngay trong quá trình sản xuất, bằng các công nghệ xử lý hàng đầu thế giới hiện nay… Nhờ vậy, qua kiểm tra các mẫu về chất thải rắn, lỏng, khí của Nhà máy DAP đều nằm trong giới hạn cho phép của Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về môi trường.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()