Gắn quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm cho các địa phương trong tổ chức thi tốt nghiệp THPT
Giao quyền tự chủ cho các địa phương Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT), thực hiện đổi mới công tác thi, năm 2012, Bộ GD và ĐT giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các địa phương, đơn vị trong việc xây dựng và thực hiện phương án tổ chức coi thi, chấm thi, thanh tra và giám sát trên tinh thần bảo đảm tính nghiêm minh của kỳ thi. Trong đó, các địa phương không bắt buộc tổ chức thi cụm và bỏ chấm chéo bài thi tự luận giữa các tỉnh nhưng thực hiện chấm chéo trong nội bộ tỉnh, thành phố để bảo đảm giáo viên không chấm bài thi tự luận của học sinh trường mình dạy. Hội đồng thi gồm học sinh của một hoặc nhiều đơn vị và thực hiện ghép phòng thi giáo dục THPT và giáo dục thường xuyên. Cho phép mọi thí sinh đều có quyền xin phúc khảo bài thi, không tính đến điều kiện chênh lệch điểm của bài thi với điểm trung bình môn học lớp 12 như trước đây.
Để tạo sự đồng thuận và huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, Bộ GD và ĐT cũng đề nghị các bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh, thành phố phối hợp tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc. Các địa phương trên cả nước đã tích cực bảo đảm các điều kiện tổ chức thi an toàn, nghiêm túc, bảo đảm cho kết quả thi khách quan. Điển hình như UBND thành phố Đà Nẵng cấm xe Ben hoạt động trên các tuyến phố nội thành vào giờ cao điểm các ngày thi, tạo thuận lợi cho thí sinh đến trường thi; Sở GD và ĐT Điện Biên gửi hơn 10 tấn gạo đến các trường vùng sâu, vùng xa của tỉnh để hỗ trợ thí sinh ôn tập thi tốt nghiệp; Sở GD và ĐT Thừa Thiên – Huế phối hợp Hội Chữ thập đỏ của tỉnh quyên góp được 25 triệu đồng hỗ trợ dùng để mua ba nghìn suất cơm trưa phát miễn phí cho những thí sinh có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa; Sở GD và ĐT Quảng Ninh đã tham mưu với tỉnh không thu lệ phí phúc khảo của các thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2012 mà trích từ nguồn ngân sách để hỗ trợ thí sinh. Riêng tại Nam Định đã thành lập tổ trưởng tự quản phòng thi. Nhiệm vụ của lực lượng này là nắm chắc số lượng thí sinh dự thi ở mỗi phòng thi. Những thông tin từ tổ trưởng tự quản được cung cấp cho hai đến ba thầy, cô giáo (được Hội đồng thi chỉ định sẵn). Các thầy, cô giáo đều có danh sách địa chỉ, số điện thoại của từng thí sinh để thông tin ngay cho thí sinh đó nếu vì lý do nào đó đến muộn hoặc vắng mặt. Cuối mỗi buổi thi, tổ trưởng tự quản có nhiệm vụ phổ biến cho thí sinh trong phòng về thời gian và lịch môn thi tiếp theo…
Chủ trương, giao quyền chủ động đã phát huy được trách nhiệm và sự tự chủ, sáng tạo của các cấp chính quyền, ngành GD và các ban, ngành, đoàn thể, các lực lượng xã hội. Giám đốc Sở GD và ĐT Vĩnh Phúc Hoàng Minh Quân cho biết, việc đổi mới thi sẽ tăng trách nhiệm của người dự thi, chấm thi nhiều hơn. Ý thức chấp hành quy chế của thí sinh và cán bộ tham gia tổ chức thi theo đó cũng được nâng cao, kỷ cương trường thi được tăng cường, kỷ luật phòng thi chặt chẽ hơn, các trường hợp vi phạm quy chế của thí sinh và giám thị được phát hiện và xử lý kịp thời.
Mặt khác, đề thi tốt nghiệp THPT năm 2012 được bảo mật an toàn tuyệt đối trong tất cả các khâu từ soạn thảo, in sao đến vận chuyển tới các hội đồng coi thi, các phòng thi và thí sinh, đáp ứng yêu cầu tổ chức thi. Theo đánh giá ban đầu, đề thi các môn thi có nội dung chính xác, khoa học, bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình THPT, phù hợp thời gian làm bài, vừa sức với học sinh, bảo đảm kiểm tra được kiến thức cơ bản, năng lực vận dụng kiến thức đồng thời có khả năng phân hóa được trình độ thí sinh. Đặc biệt, đề thi các môn Ngữ văn, Lịch sử và Địa lý được dư luận đánh giá cao về việc ra theo hướng mở, gắn với thực tiễn đời sống chính trị xã hội và yêu cầu kiến thức liên bộ môn.
Còn đó những băn khoăn
Mặc dù việc trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm nhằm thực hiện đổi mới thi tốt nghiệp THPT đã mang lại một số kết quả tích cực, nhưng việc các địa phương được giao quá nhiều quyền tự chủ cũng gây nhiều băn khoăn về sự trung thực trong tổ chức thi, nhất là việc có thể xảy ra tính cục bộ, “thả lỏng”, vi phạm quy chế trong tổ chức thi, chấm thi. Vì nếu các địa phương không tự giác thì khó có thể ngăn ngừa được tiêu cực trong thi cử. Thực tế kỳ thi năm nay cho thấy, một số cán bộ, giáo viên còn chưa thuần thục trong việc thực hiện nhiệm vụ coi thi hoặc có biểu hiện thiếu sâu sát, để thí sinh mang tài liệu trái quy định vào phòng thi. Tại một số hội đồng coi thi, sau buổi thi một số thí sinh còn vứt bỏ tài liệu ở sân trường dù có hay không mang vào phòng thi cũng gây tác động tiêu cực về thực hiện quy chế, ảnh hưởng xấu đến vệ sinh, mỹ quan môi trường giáo dục. Việc các giám thị, thí sinh bị đình chỉ và hiện tượng “phao” thi vẫn còn cho thấy, ý thức chấp hành quy chế cũng như tâm lý thi cử của một bộ phận giám thị, thí sinh vẫn còn nặng nề. Tình trạng thí sinh bị tai nạn giao thông vẫn còn xảy ra.
Để cho kỳ thi năm sau bảo đảm an toàn, hiệu quả, ngành GD và ĐT tăng cường giám sát trong quá trình coi thi, chấm thi và nhất là tăng cường thực hiện hậu kiểm khi có dấu hiệu bất thường xảy ra ở các địa phương. Các địa phương, khi được trao quyền tự chủ nêu cao tinh thần trách nhiệm, xác định rõ quyết tâm lấy chất lượng làm hàng đầu, trung thực trong kỳ thi. Riêng với tình trạng quay cóp, “phao” thi không chỉ phổ biến và xử lý nghiêm theo quy chế ở phòng thi mà cần có giải pháp trang bị kiến thức và giúp các em bình tĩnh, tự tin, không bị đè nặng tâm lý “thi cử” ngay từ quá trình học tập và ôn tập trước khi bước vào kỳ thi. Tránh tình trạng “kỳ quặc” mùa hè nhưng thí sinh đi thi lại mặc áo đồng phục mùa đông như đã thấy ở hội đồng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Quảng Bình. Ngoài ra, các trường, các bậc phụ huynh chủ động nhắc nhở thí sinh nâng cao ý thức, đến sớm hơn giờ thi; tránh tình trạng chậm, muộn, vội vàng ảnh hưởng không tốt đến buổi thi hoặc không được dự thi. Tăng cường công tác bảo đảm giao thông, nhất là vào thời điểm thí sinh đi thi hoặc tan giờ thi; tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra….
Có thể nói, tuy còn một số hạn chế, thiếu sót nhưng nhìn chung kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012 với những điều chỉnh hợp lý đã nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng và ủng hộ tích cực của toàn xã hội và được tổ chức đúng kế hoạch, diễn ra bình thường, an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT an toàn, nghiêm túc, bảo đảm cho kết quả thi khách quan, phản ánh sát chất lượng dạy học và tác động tích cực đến việc thực hiện các mục tiêu GD và ĐT đất nước.
Cả nước có 64 đơn vị tổ chức thi (gồm 63 Sở GD và ĐT, Cục Nhà trường-Bộ Quốc phòng). Tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 963.474, trong đó tỷ lệ đến dự thi đạt 99,71% tăng 0,07% so với cùng kỳ năm 2011.
(Bộ GD và ĐT)
Thứ trưởng GD và ĐT, Trưởng ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT Nguyễn Vinh Hiển: Bộ GD và ĐT sẽ tổ chức “hậu kiểm” sau khi các địa phương hoàn thành chấm thi, nhất là những nơi kết quả thi có sự bất thường…
Ý kiến ()