Hơn nửa thế kỷ qua, từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, cùng với toàn dân, các tầng lớp phụ nữ Việt Nam đã phát huy truyền thống con cháu Bà Trưng, Bà Triệu hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp phần xứng đáng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Được sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ kính yêu, phụ nữ Việt Nam đã tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phát động. Qua các giai đoạn cách mạng, các phong trào thi đua: “Hũ gạo kháng chiến”, “Phụ nữ 5 tốt”, “Phụ nữ Ba đảm đang”, “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”… đã thu hút đông đảo các tầng lớp phụ nữ trên khắp mọi miền đất nước tham gia, tạo khí thế thi đua sôi nổi, góp phần thực hiện thắng lợi hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, làm rạng rỡ truyền thống “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” của phụ nữ Việt Nam.
Sau gần mười năm (2002-2010) thực hiện, phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” đã khẳng định vị trí và sức sống mãnh liệt của phong trào. Với nội dung phù hợp, thiết thực, cách chỉ đạo nghiêm túc, đổi mới, sáng tạo của các cấp hội, phong trào đã có sức lan tỏa, khơi dậy khí thế thi đua sôi nổi trong cán bộ, hội viên phụ nữ, được cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và dư luận xã hội đồng tình ủng hộ, đánh giá cao. Từ nhiệm kỳ Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ X (2007-2012), các phong trào thi đua được gắn với việc triển khai Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tạo khí thế mới trong học và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ.
Từ ba nội dung của phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” nhiều tỉnh, thành phố đã cụ thể hóa thành các phong trào phù hợp với đặc điểm của địa phương như: “Phụ nữ Thủ đô tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc”, “Phong trào phòng, chống ma túy và tệ nạn xã hội từ gia đình”, “Phong trào thi đua giỏi việc nước, đảm việc nhà”… Các tầng lớp phụ nữ đã nỗ lực học tập nâng cao năng lực nghiệp vụ, kiến thức quản lý kinh tế, kỹ thuật chăn nuôi, sản xuất; nuôi con khỏe, dạy con ngoan, đồng thời noi theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ về tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham ô… Tinh thần thi đua học tập trong chị em đã có tác dụng khích lệ, động viên, là tấm gương nuôi dưỡng tinh thần hiếu học của con cái. Sự nỗ lực học tập của chị em không chỉ nâng cao năng lực, vị thế của người phụ nữ trong gia đình mà cao hơn nữa là sự đóng góp to lớn của các chị trong việc thực hiện nội dung thi đua “Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc”. Nội dung thi đua “lao động sáng tạo” đã lôi cuốn các tầng lớp phụ nữ tham gia và trở thành động lực thúc đẩy phụ nữ tích cực vươn lên xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế. Đến nay, đã xuất hiện nhiều phong trào mới như: “Hai phụ nữ khá giúp một hộ phụ nữ nghèo”, “Ba người giúp một người”, ” Kết nghĩa giữa phụ nữ người Kinh với phụ nữ dân tộc”…
Năm năm qua, phụ nữ cả nước đã giúp nhau ngày công lao động, cây, con giống, vật dụng gia đình trị giá hơn 2.700 tỷ đồng. Các cấp Hội đã tín chấp và nhận ủy thác hơn 48 nghìn tỷ đồng giúp phụ nữ vay vốn; phối hợp các ngành tổ chức hàng trăm lớp tập huấn khuyến nông, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, tổ chức dạy nghề, trao đổi kinh nghiệm làm ăn… tạo động lực thúc đẩy phong trào thi đua lao động sáng tạo, giảm nghèo, phát triển kinh tế trong phụ nữ, nhất là những phụ nữ nghèo. Cuộc vận động Học tập và làm theo gương Bác Hồ đã được phụ nữ cả nước tích cực hưởng ứng thông qua các hình thức “Nuôi heo đất”, “hũ gạo tiết kiệm”, “kho thóc tình thương”, “chuyển giao vật dụng gia đình”… Đến nay, đã có 3.717.249 hộ gia đình nghèo do phụ nữ làm chủ được giúp đỡ, có 735.334 hộ đã thoát nghèo. Cả nước đã tiết kiệm được hơn 40 tỷ đồng, 360.673 tấn gạo, 12.262 tấn thóc, 840.159 KW điện, 84.521 ngày công, giúp 89.864 phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Các hoạt động nhân đạo, từ thiện, cuộc vận động xây dựng “Mái ấm tình thương” đã được cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia giúp hàng trăm nghìn phụ nữ nghèo, phụ nữ đơn thân, khuyết tật, phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Hiện phụ nữ cả nước đang tích cực vươn lên làm giàu chính đáng và làm kinh tế giỏi. Ngày càng xuất hiện nhiều phụ nữ đi lên từ đói nghèo, nhiều phụ nữ sản xuất, kinh doanh giỏi. Nữ cán bộ, công chức, viên chức đã nỗ lực sản xuất, thi đua bảo đảm ngày công, tích cực nâng cao trình độ mọi mặt. Đội ngũ nữ trí thức đã phát huy trí tuệ, hội nhập, có nhiều công trình nghiên cứu ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ hiện đại vào quá trình sản xuất và phục vụ đời sống đạt hiệu quả kinh tế cao, làm lợi cho đất nước nhiều tỷ đồng. Nhiều cán bộ hội đã tâm huyết, sâu sát phong trào, thường xuyên rèn luyện phẩm chất đạo đức, tác phong, đổi mới lề lối làm việc, sâu sát cơ sở, lắng nghe ý kiến của nhân dân và phụ nữ kịp thời tham mưu và đề xuất với Đảng, Nhà nước một số vấn đề liên quan chính sách đối với phụ nữ, công tác cán bộ nữ và vấn đề bình đẳng giới.
T.Ư Hội đã chú trọng nâng cao nhận thức cho phụ nữ, cán bộ hội về tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng. Đồng thời, chú trọng chỉ đạo phong trào về chiều rộng và chiều sâu, tránh tình trạng “phát mà không động”, bảo đảm việc bình xét thi đua đúng tiêu chuẩn, công khai, xây dựng mô hình điểm, phát hiện nhân tố mới, nuôi dưỡng điển hình tiên tiến, tuyên truyền gương điển hình người tốt, việc tốt. Đến nay, có hơn mười triệu cán bộ, hội viên và hơn 1,3 triệu phụ nữ đạt ba tiêu chuẩn của phong trào; 44.532 hội viên, phụ nữ đạt danh hiệu phụ nữ xuất sắc năm năm liền; 377 phụ nữ tiêu biểu được phong tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ngành, trong toàn quốc; 277 tập thể, cá nhân nữ được trao Giải thưởng VIFOTEC; 332 Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú; 942 Thầy thuốc Nhân dân, Thầy thuốc Ưu tú; 116 Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú; 244 nữ doanh nhân được nhận Giải thưởng Bông Hồng vàng; ba tập thể, sáu cá nhân được trao giải thưởng Cô-va-lép-xcai-a; 17 tập thể, 36 cá nhân được nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam. Đặc biệt, có bảy tập thể, 67 cá nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND và Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Thời gian tới, các cấp Hội LHPN sẽ tiếp tục đổi mới công tác thi đua – khen thưởng theo tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước và Chỉ thị 39 của Bộ Chính trị; đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đồng thời, tập trung đổi mới nâng cao chất lượng công tác thi đua khen thưởng theo hướng tăng quyền chủ động, phát huy tính sáng tạo của các cấp hội trong việc cụ thể hóa các nội dung thi đua phù hợp đặc thù của địa phương, đơn vị.
Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, các cấp hội và phụ nữ cả nước tập trung thực hiện có hiệu quả đợt thi đua đặc biệt “Phụ nữ Việt Nam phát huy truyền thống anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” tích cực thi đua lập thành tích xuất sắc chào mừng các ngày lễ lớn năm 2010, góp phần cùng cả nước đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH đất nước vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Ý kiến ()