Gắn nghiên cứu khoa học với đồng ruộng
Nông dân xã Nhân Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) trồng lúa lai giống Khải Phong số I, năng suất bình quân 14 tấn/ha/năm. Ảnh: LÊ HOÀI THUNG (Nghệ An) Góp phần đáng kể trong việc đưa nền nông nghiệp nước nhà ngang tầm khu vực với nhiều mặt hàng xuất khẩu đứng hàng đầu thế giới, đó là sự đóng góp của thế hệ các nhà khoa học, cán bộ, công nhân viên thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, với nhiều công trình nghiên cứu có giá trị khoa học và thực tiễn sát với đồng ruộng và người dân nông thôn trong suốt 60 năm qua.Từ một cơ sở khoa học hoạt động chủ yếu là điều tra, thu thập kinh nghiệm sản xuất của nông dân, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã đi sâu tổng kết kinh nghiệm "nước, phân, cần, giống" của nông dân, nâng lên thành hệ thống kỹ thuật liên hoàn cho mỗi loại cây trồng và vật nuôi. Cũng từ đây, các nhà khoa học của Viện đã tuyển chọn từ tập đoàn các giống nhập nội và lai tạo thành công các giống lúa Trà trung tử, Nông...
Nông dân xã Nhân Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) trồng lúa lai giống Khải Phong số I, năng suất bình quân 14 tấn/ha/năm. Ảnh: LÊ HOÀI THUNG (Nghệ An) |
Từ một cơ sở khoa học hoạt động chủ yếu là điều tra, thu thập kinh nghiệm sản xuất của nông dân, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã đi sâu tổng kết kinh nghiệm “nước, phân, cần, giống” của nông dân, nâng lên thành hệ thống kỹ thuật liên hoàn cho mỗi loại cây trồng và vật nuôi. Cũng từ đây, các nhà khoa học của Viện đã tuyển chọn từ tập đoàn các giống nhập nội và lai tạo thành công các giống lúa Trà trung tử, Nông nghiệp 1, 813, 828… Nghiên cứu và đưa vào áp dụng kỹ thuật như bón phân và thâm canh cây trồng, dùng bả diệt bướm sâu đục thân lúa… góp phần xây dựng điển hình 5 tấn thóc 1 ha/1 năm vào đầu thập kỷ 60 ở miền bắc nước ta. Viện cũng thành công trong việc cải tiến giống trên cơ sở nguồn gien nhập nội và giống cổ truyền, chọn tạo được nhiều giống lúa mới năng suất cao như 314, 424, Nếp 415, Trân châu lùn, NN5, NN8, NN22, CN2, IR2151, IR2153, C22…
Các nhà khoa học của Viện cũng đã tiến hành điều tra, thu thập hàng nghìn mẫu giống cây trồng bản địa, mẫu vật côn trùng gây hại cây trồng, tạo tiền đề quan trọng cho việc xây dựng ngân hàng gien cây trồng cũng như bộ thông tin tư liệu côn trùng tương đối phong phú như hiện nay. Cơ sở khoa học của việc thâm canh, luân canh và xen canh cây trồng cũng được bắt đầu nghiên cứu, tạo nên các gói kỹ thuật ngày càng đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp. Viện đã tập trung nghiên cứu tạo ra tiến bộ kỹ thuật để áp dụng cho các vùng sinh thái, nhất là chọn tạo hàng loạt giống lúa, lạc, đậu tương, khoai tây, khoai lang, sắn, điều… có năng suất cao, phẩm chất tốt, chống chịu được điều kiện bất lợi của thời tiết và sâu bệnh.
Chỉ riêng giai đoạn 2006-2012, Viện đã chọn tạo 391 giống cây trồng mới được công nhận (trong đó, 121 giống công nhận chính thức, 270 giống công nhận tạm thời); 19 KTTB và 27 biện pháp kỹ thuật khác được công nhận thử nghiệm trong hầu hết các lĩnh vực. Các giống lúa mới của Viện hiện được gieo trồng hơn 3 triệu ha hằng năm và đóng góp của giống các cây trồng khác đã làm lợi cho sản xuất nhiều nghìn tỷ đồng.
Trong nghiên cứu cơ bản, những cán bộ của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã đạt được một số thành công trong tiếp cận và làm chủ công nghệ gien, công nghệ tế bào, công nghệ vi sinh phục vụ tạo giống và nhân giống cây trồng mới, trong sản xuất phân bón sinh học, vi sinh vật chức năng và chế phẩm vi sinh. Hiện Viện đang quản lý 24.500 mẫu nguồn gien của các loài cây trồng có ở Việt Nam. Các nhà khoa học của Viện đã chẩn đoán nhanh và chính xác bệnh vi-rút lúa lùn sọc đen phương Nam hại lúa, bệnh vi-rút vàng lùn, lùn xoắn lá lúa, chồi cỏ mía, chổi rồng sắn… Tiêu bản nguyên khối các loại đất chính cùng với đặc điểm lý-hóa học của chúng đã giúp hình thành Trung tâm thông tin và tư liệu đất Việt Nam quy mô và chất lượng quốc tế. Các nghiên cứu về dinh dưỡng cây trồng theo vùng đặc thù đã giúp xây dựng các quy trình sử dụng phân bón hiệu quả hơn; quan trắc và phân tích môi trường đất cả nước cho phép lập cơ sở dữ liệu về nền môi trường của các loại đất chính, giúp quản lý, khai thác và bảo vệ đất một cách hiệu quả.
Để góp phần thực hiện hiệu quả quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, trong vòng 10 năm tới, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam phấn đấu để trở thành một Viện Hàn lâm khoa học nông nghiệp đa ngành, đủ năng lực giải quyết đồng bộ các vấn đề về khoa học công nghệ phát sinh trong chuỗi nghiên cứu-sản xuất-thương mại. Xây dựng Viện thành Trung tâm đào tạo cán bộ khoa học cao cấp cho đất nước trong lĩnh vực nông nghiệp.
Trước mắt công tác nghiên cứu chọn tạo giống mới vẫn là ưu tiên hàng đầu của các nhà khoa học, đặc biệt giống thích ứng với biến đổi khí hậu, chống chịu sâu bệnh, ngắn ngày, chất lượng đáp ứng yêu cầu đa dạng của thị trường. Bên cạnh đó xác định Việt Nam là nước nông nghiệp định hướng xuất khẩu, với nhiều ngành hàng trong nhóm đầu của thế giới, do vậy Viện chủ động nghiên cứu phát huy lợi thế cạnh tranh của sản phẩm, ưu tiên cho nghiên cứu các công đoạn mang lại hiệu quả cao nhất trong chuỗi giá trị, cũng như đầu tư cao cho nghiên cứu tại các vùng sản xuất hàng hóa trọng điểm. Tập trung nguồn lực để phát triển công nghệ phục vụ sản phẩm quốc gia, quản lý cây trồng tổng hợp, kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến để đạt năng suất tối đa và hiệu quả kinh tế tối đa, góp phần thu hẹp chênh lệch về năng suất và hiệu quả giữa các vùng.
Viện cũng chủ động nghiên cứu cơ sở khoa học và mô hình nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao phù hợp cho từng vùng sinh thái; hệ thống nông nghiệp với tiếp cận tổng hợp kinh tế – xã hội – môi trường, cũng như thể chế tổ chức sản xuất nông hộ, các loại hình hợp tác trong nông thôn, hiệp hội ngành hàng để đề xuất mô hình sản xuất phù hợp với tầm nhìn mới về nông nghiệp; giảm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp và giải pháp thích ứng. Đồng thời, nghiên cứu phát triển nguồn nguyên liệu phù hợp cho sản xuất nhiên liệu sinh học ở Việt Nam.
Theo Nhandan
Ý kiến ()