Gắn Lễ hội với phát triển du lịch
Với sự phong phú của hệ thống lễ hội tại Việt Nam, với sự trải dài cả về không gian và thời gian của các lễ hội (ở mọi miền đất nước, ở mọi thời điểm), sức hấp dẫn với du khách quốc tế do chứa đựng những nét văn hóa đặc sắc, lễ hội dân gian truyền thống của Việt Nam là một “tài nguyên” vô giá đối với sự phát triển của du lịch.
Khách quốc tế chưa mặn mà
Lễ hội được nhìn nhận như một “bảo tàng sống” về đời sống cư dân văn hóa bản địa. Nhất là dịp xuân về, hàng nghìn lễ hội diễn ra trên cả nước chính là cơ hội để hút khách du lịch. Tuy vậy, sức thu hút của lễ hội ở Việt Nam chưa lớn.
Mới chỉ thu hút khách nội địa
Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cả nước có khoảng 8.000 lễ hội, từ quy mô làng, xã đến quốc gia. Trong đó, có khoảng 70% lễ hội do cấp xã quản lý, những lễ hội này chỉ thu hút sự tham gia cộng đồng dân cư quanh vùng ở phạm vi hẹp.
Anh Nguyễn Công Hoan, Phó Giám đốc Hanoi Redtour cho biết, đối tượng khách đi du lịch lễ hội tập trung chủ yếu là khách nội địa và Việt kiều. Công ty đã có chương trình tour lễ hội kết hợp du xuân chủ yếu đón khách đoàn từ miền Nam ra.
Bình quân mỗi tuần đón 1 đoàn, sau Tết Nguyên đán, số lượng khách đoàn tham gia chương trình này tăng lên 2-3 đoàn/tuần; trong đó tour đi du xuân kết hợp lễ hội tại vùng đồng bào dân tộc vùng cao nguyên đá Hà Giang, Sa Pa (Lào Cai) khá hấp dẫn khách phương Nam.
Đối với doanh nghiệp lữ hành miền Bắc làm tour lễ hội, nhìn vào lịch trình tour các doanh nghiệp du lịch đang chào bán trên thị trường dễ nhận thấy các tour nhắm vào khách nội địa đến những địa điểm nổi tiếng như chùa Hương, Yên Tử, chùa Bái Đính, Côn Sơn – Kiếp Bạc… với thời gian ngắn (trung bình là 1 đến 2 ngày) và tập trung nhiều vào cuối tuần.
Với khách đoàn trong Nam thì thường gắn kết chương trình du xuân với các điểm du lịch cố định từ trước và coi đây là yếu tố kết hợp cho chương trình thêm đa dạng.
Khách quốc tế còn thờ ơ
Bà Đặng Thị Thọ, Giám đốc Chi nhánh Công ty du lịch Phượng Hoàng tại Hà Nội khẳng định: Đa phần khách quốc tế không mặn mà lắm với lễ hội Việt Nam. Lý do lễ hội ở Việt Nam quá đông người, nhất là hôm chính hội thường quá tải, dẫn đến tình trạng lộn xộn, giao thông ùn tắc, môi trường ô nhiễm…
Có khách quốc tế mê văn hóa Việt Nam, đi lễ hội đền Hùng năm vừa rồi phàn nàn, dọc đường tràn ngập túi nilong, rác thải… Đối với khách phương Tây, tổ chức tour tham gia lễ hội rất khó bởi chương trình tour thường lên lịch trước 6 tháng, lịch trình khoảng hơn 10 ngày.
Trong khi, cũng với thời gian đó đi tham quan các nơi khác, họ đi được nhiều điểm hơn. Mà dịp đầu xuân này, đi đến đâu cũng có lễ hội, trên đường đi, nếu có gặp lễ hội, hướng dẫn viên (HDV) sẽ giới thiệu kết hợp.
Tâm lý khách nước ngoài khi đi du lịch thường tránh những nơi quá đông, và có nhu cầu tìm hiểu, trò chuyện, giao lưu với người dân bản xứ. “Với cái nhìn của người làm du lịch, chúng tôi muốn đưa khách gần gũi hơn với người dân, cảm nhận được cuộc sống, nét văn hóa của địa phương.
Khách muốn tìm hiểu bản sắc văn hóa, nghi lễ vùng đồng bằng sông Hồng, chúng tôi vẫn tổ chức tour đi Bắc Ninh với chùa Bút Tháp, Đền Đô, nghe hát quan họ… hay đi Hải Phòng tìm hiểu về rối nước, rối cạn, nghe ca trù. Đó mới là cái mà du khách nước ngoài cần”, bà Thọ nhấn mạnh.
“Còn nếu du khách nào muốn đến lễ hội, chúng tôi vẫn tổ chức theo yêu cầu của khách nhưng cũng cảnh báo trước những tình huống thường xảy ra để khách lường trước. Với tình trạng tổ chức lễ hội như hiện nay, có lẽ 10 năm nữa, lễ hội vẫn chưa thể hấp dẫn khách quốc tế”, bà Thọ nhận định.
“Thực tế, khách quốc tế đi theo tour mua trước thường ít khi đi lễ hội bởi lễ hội cố định về thời gian. Khách quốc tế đến lễ hội thường là người am hiểu về văn hóa, có thời gian đi du lịch dài ngày”, anh Lại Văn Quân Trưởng Phòng Lữ hành của Công ty du lịch Mai Linh nhận xét, “ngoài ra còn có khách Tây ba lô, họ rất thích các lễ hội của đồng bào dân tộc. Tuy nhiên, đối tượng khách quốc tế này lại không nhiều, khả năng chi trả thấp nên họ tự đi là chính”.
Làm thế nào để hút khách?
Đầu tư có trọng điểm
Ông Phùng Quang Thắng, Trưởng phòng Kế hoạch (Tổng Công ty Du lịch Hà Nội) nhận xét: Du lịch lễ hội khám phá những nét đẹp văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán của nước sở tại có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với du khách.
Với một kho tàng lễ hội phong phú, Việt Nam có thừa tiềm năng để phát triển loại hình du lịch này. Bài học kinh nghiệm từ các nước cho thấy, muốn đưa lễ hội trở thành một sản phẩm du lịch vượt ra khỏi phạm vi quốc gia, từ công tác tổ chức đến cách thức quảng bá phải thật bài bản và chuyên nghiệp. Thế nhưng, cả hai điều kiện cần và đủ trên, chúng ta đều chưa làm được.
Một thực tế buồn là chúng ta thừa lễ hội đặc sắc nhưng lại đang thiếu một chiến dịch quảng bá chuyên nghiệp. Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch cũng như văn hóa, cần phải có một chiến lược hợp lý trong việc đầu tư cho các lễ hội. Không nên đầu tư dàn trải, mà chọn lọc một số lễ hội đặc sắc, ấn tượng để từ đó xây dựng thành sản phẩm “đinh” và đưa ra chiến lược quảng bá phù hợp.
“Việc tổ chức lễ hội thành công, thu hút nhiều du khách sẽ tạo nguồn thu cho địa phương. Việc lấy lễ hội “nuôi” lễ hội sẽ giúp các địa phương có nguồn kinh phí ổn định để tiếp tục duy trì và phát triển lễ hội ngày một tốt hơn” – ông Thắng nhấn mạnh.
Trên thực tế, việc đầu tư cho lễ hội đã mang lại những hiệu quả khá thiết thực. Lào Cai là một ví dụ. Từ khi 3 tỉnh Lào Cai – Yên Bái – Phú Thọ tổ chức chương trình du lịch về nguồn, thì lượng khách đến Lào Cai bình quân đã tăng 25 – 35%. Với những địa phương khác, hình thức đầu tư cho lễ hội cũng đã được triển khai.
Ngay từ khi bắt đầu thực hiện Chương trình hành động quốc gia du lịch từ năm 2000, để phát triển sản phẩm du lịch mới gắn với các lễ hội truyền thống, ngành du lịch đã chọn 15 lễ hội tiêu biểu cho các vùng, miền, các dân tộc, trong đó có lễ hội Xuống đồng (Lồng tồng) của người Tày, lễ hội Katê của người Chăm, lễ hội Ooc Om bok của người Khmer… để đầu tư, chuẩn hóa thông tin, kịch bản với mục đích vừa tôn trọng tính truyền thống đặc sắc của lễ hội, vừa bảo đảm tính khoa học trong công tác tổ chức, đáp ứng yêu cầu của du khách.
Tìm lại những giá trị nguyên gốc
Theo bà Hoàng Thị Điệp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, thời gian qua, việc khai thác các lễ hội văn hóa của các vùng dân tộc thiểu số để phát triển du lịch còn hạn chế một phần là do công tác quản lý, tổ chức các lễ hội còn bất cập. Một số lễ hội ngày càng bị mất đi giá trị nguyên gốc, bị sân khấu hóa, bổ sung, xen kẽ những yếu tố hiện đại, lai căng không phù hợp.
Một số lễ hội mang tính chất tâm linh, thần bí, có sự tham gia quá ồn ào ảnh hưởng đến không gian, tính chất lễ hội nên không nhận được sự hưởng ứng của cộng đồng dân cư địa phương. Thậm chí, có lễ hội được tổ chức tràn lan, bị thương mại hóa gây bức xúc trong dư luận.
Theo bà Điệp, để lễ hội dân gian là một sản phẩm du lịch hấp dẫn, ngành văn hóa cần kết hợp với ngành du lịch, chính quyền địa phương rà soát lại, sau đó, căn cứ vào quy mô, tính chất, thời gian, địa điểm và các điều kiện về cơ sở vật chất, lựa chọn 20 – 30 lễ hội đưa vào khai thác với yêu cầu khi tổ chức, các lễ hội này phải đảm bảo những giá trị nguyên gốc, không bị lai căng, sân khấu hóa.
Đơn cử như ngành văn hóa – du lịch Hà Nội thời gian qua đã chọn một vài lễ hội điển hình rồi quy hoạch, đầu tư trọng điểm để hình thành sản phẩm chuyên biệt đón khách. Riêng Lễ hội Gióng, 1 trong 3 di sản văn hóa được UNESCO công nhận trong năm 2010, sẽ là điểm nhấn để thu hút khách, ngành du lịch Thủ đô sẽ có quy hoạch riêng trong chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030 và sẽ sớm trình TP Hà Nội phê duyệt trong quý II/2011.
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()