Gắn kết ngân hàng- doanh nghiệp: Dấu ấn 3 năm thực hiện
LSO- Trong những năm qua, ngành ngân hàng tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, gắn kết ngân hàng với doanh nghiệp. Qua đó, các doanh nghiệp trên địa bàn được tiếp cận vốn thuận lợi, có cơ hội đầu tư, vươn lên.
Hệ thống giao dịch của Ngân hàng TMCP Công thương chi nhánh Lạng Sơn. Ảnh: LÂM NHƯ
Bà Trương Thu Hoà, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp và kiểm soát nội bộ, Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết: Trong 3 năm qua, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh luôn thực hiện tốt vai trò thành viên thường trực của Tổ công tác giải quyết khó khăn, vướng mắc trong mối quan hệ tín dụng giữa ngân hàng và doanh nghiệp (theo Quyết định 1206/QĐ-UBND, ngày 24/8/2012). Cùng với đó, chủ động tham mưu cho UBND tỉnh về chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp; tham gia hội nghị lãnh đạo tỉnh gặp mặt doanh nghiệp và chủ trì cùng các ngân hàng thương mại làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp gặp khó khăn. Đặc biệt, trong năm 2014, Chi nhánh tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện thành công chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp và thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn ngân hàng thương mại. Qua đó đã gắn kết các ngân hàng thương mại với doanh nghiệp. Ngân hàng khơi thông dòng vốn, doanh nghiệp được hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc, vay vốn thuận lợi…
Cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Lạng Sơn rà soát hồ sơ của khách hàng. Ảnh: THANH SƠN
Cụ thể, các ngân hàng thương mại đã luôn chủ động trong mối quan hệ với doanh nghiệp, nghiên cứu, tìm hiểu tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Từ đó, đánh giá tốt các khoản nợ, có biện pháp tư vấn, giúp đỡ giải quyết khó khăn, cơ cấu lại nợ, đáp ứng nhu cầu vay vốn mới… Từ năm 2013 đến nay, các ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ với tổng dư nợ trên 1.217 tỷ đồng. Riêng trong 9 tháng đầu năm 2015, cơ cấu lại thời hạn trả nợ của doanh nghiệp với dư nợ 271,1 tỷ đồng, giảm lãi suất với dư nợ 217,4 tỷ đồng. Các doanh nghiệp được xem xét, tạo điều kiện cho vay mới, số dư nợ của doanh nghiệp luôn chiếm tỷ lệ cao, trên 50% tổng dư nợ của toàn địa bàn. Hiện dư nợ doanh nghiệp đạt 5.813 tỷ đồng, chiếm 52% tổng dư nợ.
Các quy định giảm lãi suất huy động, giảm lãi suất các khoản vay cũ và mới được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. Cơ cấu dư nợ lãi suất thấp ngày càng có chiều hướng tăng lên, với mức lãi suất đến 10%/năm, hiện chiếm 69,3% tổng dư nợ (thời điểm đầu năm 2015 chỉ là 48,7%). Trong thực hiện, các ngân hàng còn có nhiều chương trình lãi suất thấp hơn so với quy định chung của Ngân hàng Nhà nước như: Gói lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp quay vòng vốn nhanh của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Lạng Sơn lãi suất chỉ từ 5-6%/năm, chương trình cho vay vốn các lĩnh vực ưu tiên của Ngân hàng TMCP Công thương 6%/năm…
Đối với thực hiện chương trình kết nối ngân hàng- doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại đã tham gia tích cực, chủ động cân đối nguồn vốn, tạo điều kiện cho vay mới… Đồng thời, thực hiện cải cách thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay vốn. Từ khi triển khai chương trình đến nay, các ngân hàng đã cam kết cho doanh nghiệp vay mới đạt tổng số vốn là 2.082 tỷ đồng.
Với những biện pháp trên, doanh nghiệp đã được chia sẻ khó khăn, được tạo điều kiện tiếp cận vốn nhanh, đầu tư vốn có hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp đầu tư vốn hiệu quả, ổn định sản xuất, kinh doanh, như: Nhà máy xi măng Lạng Sơn, Công ty TNHH Hưng Thịnh… Theo đó, nợ xấu của doanh nghiệp giảm. Nếu như năm 2013, nợ xấu của doanh nghiệp là 316,1 tỷ đồng, chiếm 5,8% tổng dư nợ của doanh nghiệp thì đến nay nợ xấu giảm còn 177,6 tỷ đồng, chiếm 3,1% dư nợ của doanh nghiệp.
Phát huy những kết quả đạt được, hệ thống ngân hàng tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện tốt chương trình kết nối ngân hàng và doanh nghiệp, tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp… Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
LÂM NHƯ
Ý kiến ()