Gắn kết giáo dục nghề nghiệp với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp
– Thực hiện phương châm gắn giáo dục nghề nghiệp (GDNN) với thị trường lao động, thời gian qua, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đang phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp (DN) thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, từng bước nâng cao tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo.
Công nhân Công ty TNHH một thành viên xe điện DK Việt Nhật hướng dẫn kỹ thuật cho người lao động mới tuyển dụng
Hiện nay, Lạng Sơn có 20 trường nghề và cơ sở GDNN. Cùng với sự quan tâm của các cấp, các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo từng bước được cải thiện; đội ngũ giáo viên, giảng viên GDNN không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo từng bước được đầu tư đổi mới, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu của người học; chương trình đào tạo và các ngành nghề được mở rộng phù hợp với nhu cầu của DN và thị trường lao động. Công tác đào tạo đã có những chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả đáng kể, từng bước chuyển từ hướng “cung” sang hướng “cầu”. Ngành nghề đào tạo phát triển đa dạng, phong phú gắn với nhu cầu DN, thị trường lao động và gắn với chiến lược quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Nâng cao năng lực đào tạo của các cơ sở GDNN, dạy nghề
Trường Cao đẳng Nghề Lạng Sơn là cơ sở dạy nghề uy tín của tỉnh với chức năng tổ chức đào tạo, liên kết đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật trực tiếp trong sản xuất, dịch vụ với 3 cấp trình độ: cao đẳng; trung cấp và sơ cấp. Nhà trường hiện có 24 lớp học và 20 nhà xưởng. Thời gian qua, trường đã ban hành 9 bộ chương trình đào tạo trình độ cao đẳng và 9 bộ chương trình đào tạo liên thông cao đẳng; 13 bộ chương trình đào tạo trình độ trung cấp. Nhà trường được cấp phép đào tạo trình độ sơ cấp với 15 nghề và đào tạo thường xuyên 20 nghề, hầu hết các nghề này thực hiện theo chương trình, quy định của tỉnh. Trường cũng đã xây dựng và ban hành 240 đầu giáo trình dạy học cho tất cả các ngành nghề và các trình độ cao đẳng, trung cấp.
Ông Lê Quang Hồng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Lạng Sơn cho biết: Trong công tác đào tạo, việc gắn kết với DN được nhà trường quan tâm thực hiện trong nhiều năm qua. Trong năm học 2022 – 2023, nhà trường tổ chức cho gần 50 sinh viên trình độ cao đẳng các nghề hàn, điện công nghiệp và quản trị mạng máy tính đến thực tập tại Công ty TNHH SRTECH Việt Nam – Thái Nguyên, Khu công nghiệp Sông Công – thành phố Thái Nguyên; 17 sinh viên nghề công nghệ ô tô và cơ điện nông thôn thực tập tại Công ty YAZAKI Thái Bình; gần 20 sinh viên nghề chăn nuôi gia súc gia cầm thực tập tại Công ty Cổ phần Tập đoàn DABACO Việt Nam; hơn 250 học sinh, sinh viên (HSSV) thực tập tại các DN trong tỉnh.
Công ty Xuất khẩu lao động thị trường nước Đức tư vấn chính sách đi làm, du học cho người lao động tại Ngày hội việc làm huyện Cao Lộc
Cùng với đó, Trường Cao đẳng Nghề Lạng Sơn cũng tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm sau tốt nghiệp cho HSSV, trong đó trường đã phối hợp với một số công ty xuất khẩu lao động tổ chức bồi dưỡng ngoại ngữ và kỹ năng cho HSSV năm cuối, kết quả có 30 HSSV thi đỗ đơn hàng xuất khẩu lao động sang Nhật Bản. Ngoài ra, HSSV còn tham gia các phiên giao dịch giới thiệu việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức, tham gia Hội chợ việc làm địa bàn huyện Chi Lăng, Cao Lộc và thành phố Lạng Sơn. Qua đó, đã tạo cơ hội cho các HSSV từng bước tìm hiểu nhu cầu của thị trường lao động, cân nhắc lựa chọn cơ hội việc làm phù hợp với nghề được đào tạo và năng lực bản thân.
Không chỉ riêng trường Cao đẳng nghề Lạng Sơn, cùng với nâng cao năng lực đào tạo, thời gian qua, để đảm bảo nhu cầu của thị trường lao động, các đơn vị GDNN trên địa bàn tỉnh đều xây dựng kế hoạch phối hợp với các huyện, thành phố, trường phổ thông trong tỉnh thực hiện công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp và tuyển sinh các lớp học nghề, du học, xuất khẩu lao động theo các nguyện vọng, trình độ khác nhau. Thông qua các buổi tư vấn ngoại khóa, các hoạt động truyền thông, ngày hội việc làm… đã giúp các em HSSV được định hướng nghề nghiệp phù hợp.
Ông Hoàng Văn Đồng, Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Giáo dục Quốc tế Việt Phát Lạng Sơn cho biết: Thời gian qua, công ty đã tích cực phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, các huyện, thành phố trong tỉnh thực hiện tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh và tiếp tục có nhiều chương trình phối hợp nhằm tuyển chọn lao động đi làm việc tại nước ngoài, mở ra cơ hội nghề nghiệp cho học sinh. Trong năm 2023, chúng tôi đã khai giảng được 8 lớp đào tạo ngoại ngữ gồm: tiếng Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… cho trên 200 học viên là các em học sinh đã tốt nghiệp THPT có nhu cầu du học hoặc xin việc làm tại các khu công nghiệp lớn trong và ngoài nước.
“Để thu hút học viên, các cơ sở đào tạo nghề cần tiếp tục hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo; phối hợp với các DN trong công tác tuyển sinh, tổ chức đào tạo, đào tạo lại để khắc phục tình trạng thiếu lao động chất lượng, góp phần phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, cần tiếp tục gắn tuyển sinh với tuyển dụng, gắn với việc làm bền vững, phát huy vai trò của DN trong GDNN để DN tham gia ngày càng sâu vào GDNN. Đây vừa là trách nhiệm vừa là quyền lợi của DN, do đó, DN muốn có NLĐ có kỹ năng nghề chất lượng thì cần tham gia đặt hàng, phối hợp và tham gia đào tạo ”. Ông Phạm Đức Huân, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội |
Từng bước đáp ứng nhu cầu của DN
Với việc chú trọng gắn kết công tác đào tạo, hướng nghiệp và liên kết giữa các cơ sở GDNN với các DN trên địa bàn tỉnh thời gian qua, đã góp phần đào tạo lao động có tay nghề, có tinh thần thái độ làm việc và tác phong công nghiệp, từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường lao động cũng như nhu cầu thực tiễn của các DN. Nhờ đó, các học viên sau khi ra trường có điều kiện thuận lợi hơn trong tìm kiếm việc làm, nhất là một số nghề như: may mặc, điện, điện tử, cơ khí, làm đẹp, ẩm thực, du lịch…
Công ty TNHH MTV Xe điện DK Việt Nhật (Lạng Sơn) là DN sản xuất, kinh doanh xe điện lớn nhất tỉnh luôn ưu tiên việc liên kết với các trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh để đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng phục vụ DN, vừa tạo việc làm cho người lao động (NLĐ) của địa phương. Đến nay, công ty có gần 200 cán bộ, NLĐ với mức thu nhập bình quân là trên 9 triệu đồng/người/tháng. Theo đánh giá của đại diện DN, cơ bản NLĐ của Lạng Sơn đã được nâng cao tay nghề, cơ bản đáp ứng được yêu cầu của DN.
Bà Bùi Thị Bích Đào, Giám đốc Công ty TNHH MTV xe điện DK Việt Nhật cho biết: Để tuyển dụng được NLĐ đáp ứng yêu cầu, vị trí việc làm, thời gian qua, DN đã và đang phối hợp chặt chẽ với các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn trong việc đổi mới phương pháp đào tạo, gắn học lý thuyết với thực hành, nhằm sát với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của DN, từ đó tạo ra những người thợ lành nghề, có tác phong công nghiệp, có những đóng góp tích cực vào sự phát triển của DN nói riêng, của tỉnh nói chung.
Anh Đồng Phú Thuỵ, công nhân Công ty TNHH MTV xe điện DK Việt Nhật chia sẻ: Tôi vào đây làm được hơn 1 năm. Ngoài kiến thức được đào tạo ở trường thì khi vào đây làm, chúng tôi luôn được hỗ trợ đào tạo nội bộ từ các anh em kỹ thuật khác. Cùng đó, chúng tôi cũng được đưa đi đào tạo chuyên môn, học nghiệp vụ riêng để đáp ứng yêu cầu công việc.
Giảng viên Trường Cao đẳng Nghề Lạng Sơn tư vấn nghề cho học sinh, sinh viên tại Ngày hội việc làm thành phố Lạng Sơn
Để kết nối cung – cầu lao động giữa các cơ sở đào tạo nghề với DN, thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã trở thành cầu nối để gắn kết các bên; đồng thời thường xuyên phân tích, dự báo thị trường lao động trong và ngoài tỉnh. Ông Vi Hoài Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết: Căn cứ vào nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị, chúng tôi sẽ phân nhóm, thực hiện tư vấn, kết nối cho các DN với các nhóm lao động ở trong địa bàn toàn tỉnh sao cho phù hợp nhất với các nhóm ngành, nghề. Thời gian qua, có nhiều đơn vị đến thực hiện tuyển dụng và tham gia các phiên giao dịch việc làm trực tuyến, trực tiếp, các ngày hội tư vấn giới thiệu việc làm ở các địa phương trong tỉnh.
Qua đánh giá của ngành chức năng, thông qua đào tạo, cơ bản nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh đã đáp ứng được yêu cầu của DN và thị trường lao động về trình độ chuyên môn kỹ thuật, kỷ luật và tác phong lao động. Ước tuyển sinh và đào tạo năm 2023 toàn tỉnh được 19.825 học viên ở các cấp trình độ; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 62%, tăng 2% so với năm 2022, đạt 100% so với kế hoạch. Ngoài ra, ngành chức năng đã thực hiện tuyên truyền, tư vấn chính sách pháp luật về lao động – việc làm, hướng nghiệp cho 37.970 lượt người, tăng 7,17% so với cùng kỳ năm 2022; có 6.862 lượt NLĐ đăng ký tìm việc làm và có 4.797 NLĐ nhận được việc làm và theo thống kê hằng năm, HSSV tốt nghiệp hệ trung cấp, cao đẳng tại các cơ sở đào tạo trong tỉnh ra trường có việc làm ngay đạt trên 90%, mức lương bình quân từ 5 – 7 triệu đồng/người/tháng.
Với việc gắn kết đào tạo trong GDNN với nhu cầu sử dụng NLĐ của DN thời gian qua đã và đang góp phần đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
THANH HUYỀN
Ý kiến ()