Gắn kết doanh nghiệp và trường nghề
Học viên Trường cao đẳng Du lịch Nha Trang trong giờ thực hành.
Xây dựng mối quan hệ cùng có lợi
Theo đánh giá của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, năm 2018, với chủ trương đúng đắn, sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo ngành, việc gắn kết giữa GDNN với thị trường lao động và việc làm bền vững đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cơ chế phối hợp ba bên: Nhà nước – nhà trường – nhà doanh nghiệp đang bắt đầu hình thành và vận hành tốt trong thực tiễn thông qua chương trình phối hợp công tác giữa Tổng cục GDNN với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các hiệp hội, tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước và ngoài nước. Nhiều địa phương đã quan tâm đến hoạt động gắn kết với doanh nghiệp; các cơ sở GDNN đã chủ động, thuận lợi hơn khi tìm đến doanh nghiệp; các doanh nghiệp đã tích cực hơn trong việc tiếp cận, tìm đến các nhà trường. Những kết quả hoạt động nêu trên bước đầu đã tạo nên sự chuyển biến về chất lượng GDNN, gắn đào tạo với việc làm và thị trường lao động.
Theo đánh giá của Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, doanh nghiệp sẽ là động lực chính để thúc đẩy GDNN ở nước ta. Nhà nước tạo ra chính sách, khuôn khổ, còn doanh nghiệp mới là người sử dụng nguồn lao động, cho nên họ phải là người đầu tư, định hướng vào thị trường GDNN. Ðể mối liên kết này thật sự hiệu quả, doanh nghiệp phải gắn kết với các trường nghề từ khâu tuyển sinh – đào tạo – sử dụng.
Tại Trường cao đẳng Lý Tự Trọng (TP Hồ Chí Minh) “xây dựng mối liên kết bền vững giữa nhà trường và doanh nghiệp được xem là nhiệm vụ quan trọng”. Trường đã có nhiều cách làm hay để xây dựng mối liên kết này, từ việc cùng doanh nghiệp tham gia hỗ trợ trường trong các hoạt động tư vấn tuyển sinh; tham gia xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo. Hằng năm nhà trường tổ chức các ngày hội việc làm tại trường, chủ động mời các doanh nghiệp đến trường gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với HSSV để giới thiệu về các ngành, nghề đào tạo của trường với các doanh nghiệp, cũng như giúp HSSV có thể tiếp nhận và trao đổi thông tin cần thiết về điều kiện tuyển dụng của các doanh nghiệp, về cơ hội nghề nghiệp; tổ chức các buổi tham quan thực tế tại các doanh nghiệp cho HSSV của trường, tham quan, tiếp cận trực tiếp quy trình và công nghệ vận hành sản xuất của các công ty trong khu công nghiệp, khu chế xuất…
Giám đốc Trung tâm nhân lực (Công ty cổ phần Fecon) Vũ Phi Trường chia sẻ, với đội ngũ khoảng 1.900 lao động, Fecon đặc biệt chú trọng tới việc phát triển nguồn nhân lực. Là đơn vị hoạt động trong nhiều lĩnh vực, cho nên công ty đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao ở nhiều ngành nghề. Fecon đã từng mất nhiều thời gian “loay hoay” trong công tác tuyển dụng khi tìm kiếm nguồn nhân lực cho công ty. Việc liên kết với trường nghề là hướng đi đúng đắn của doanh nghiệp.
Là đơn vị liên kết với Fecon, Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Việt Xô 1 (Vĩnh Phúc) Trần Ðức Tiệp cho biết, cùng với Fecon, nhà trường đã ký kết đào tạo và cung ứng lao động cho hàng trăm doanh nghiệp trên địa bàn và cả nước. Yếu tố quan trọng trong mối liên kết này là có sự tham gia của các doanh nghiệp trong các khâu tuyển sinh, đào tạo. Theo Hiệu trưởng Trần Ðức Tiệp, nhà trường đã phải thay đổi rất nhiều trong cách đào tạo, nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo và mục tiêu cuối cùng là giải quyết việc làm sau khi sinh viên tốt nghiệp…
Ðây mới thật sự là điểm mấu chốt, giá trị cốt lõi cho sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp.
Cần sự phối hợp đồng bộ
Gắn kết nhà trường và doanh nghiệp, bên cạnh những kết quả bước đầu đã đạt được, trên thực tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, khi chất lượng hợp tác giữa doanh nghiệp và các cơ sở GDNN vẫn chưa cao; theo thống kê tỷ lệ hợp tác này mới chỉ đạt khoảng 9,11%. Khung pháp lý về trách nhiệm và quyền lợi của doanh nghiệp trong hoạt động GDNN chưa được áp dụng trong thực tiễn; thiếu các chế tài trong tuyển dụng, sử dụng lao động qua đào tạo của doanh nghiệp; nhiều doanh nghiệp chỉ muốn tuyển lao động phổ thông, không qua đào tạo nghề nghiệp.
Doanh nghiệp chưa cung cấp nhu cầu nhân lực lao động hằng năm cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động và GDNN theo quy định của Bộ luật Lao động, Luật Giáo dục nghề nghiệp, cho nên trên thực tế, các cơ sở GDNN vẫn chưa thật sự đào tạo theo sát với nhu cầu của doanh nghiệp; doanh nghiệp còn thiếu thông tin về cơ chế, chính sách, cơ chế lợi ích khi tham gia đào tạo nghề nghiệp. Một số chương trình hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp, Nhà nước với doanh nghiệp đã được ký kết nhưng chưa có nhiều hoạt động, chưa tìm ra được cơ chế hoạt động hiệu quả…
Tiến sĩ Trương Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng GDNN cho rằng, để mối quan hệ “cộng sinh” này hoạt động thật sự hiệu quả, phải sớm rà soát lại cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho mối quan hệ này. Ðồng thời, mối quan hệ này phải nhìn rộng hơn, từ khâu dự báo nguồn nhân lực đến xác định nhu cầu từ khâu xây dựng tiêu chuẩn, chương trình đến tuyển sinh, đào tạo và đánh giá tuyển dụng sau đào tạo… Vì vậy, doanh nghiệp phải thấy rõ trách nhiệm của mình trong khâu dự báo nhu cầu, khâu phối hợp đào tạo, tuyển dụng…
Còn về phía nhà trường, phải thay đổi cách thức đào tạo, chuyển từ hướng trọng “cung” sang hướng trọng “cầu”; bám sát doanh nghiệp để biết nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, từ đó có thể thích ứng với nhu cầu của thị trường lao động…
Có thể thấy, mối liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp có một vị trí đặc biệt quan trọng trong việc bảo đảm và nâng cao chất lượng sản phẩm đào tạo của nhà trường, cũng là nguồn nhân lực đầu vào của doanh nghiệp. Chính vì vậy, thời gian tới cần có giải pháp đồng bộ nhằm xây dựng và thắt chặt mối liên kết này một cách bền vững. Coi đó là giải pháp tối ưu để đạt được sự đồng thuận và mang lại nhiều lợi ích thiết thực, lâu dài cho cả hai phía trong quá trình tuyển sinh, đào tạo; phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, để cả nhà trường và doanh nghiệp đều có thêm nhiều cơ hội thành công.
Theo Nhandan
Ý kiến ()