Đã gọi là diễn biến hòa bình (DBHB) thì phương thức cơ bản là tránh không phải dùng vũ lực. Sức mạnh quân sự chủ yếu dùng vào việc răn đe, ngăn chặn những phản ứng bằng vũ lực của đối phương, càng ít phải dùng tới càng tốt. Bởi vậy "bạo loạn lật đổ" chỉ là một tình huống bất đắc dĩ của DBHB, không thuộc dòng chính mà chỉ là kịch bản dự phòng, khi DBHB không đạt được mục tiêu.Bối cảnh ra đời của DBHB là một chiến lược thay thế cho chiến lược tiến công bằng vũ lực, thường được vận dụng với các đối tượng đã trải qua đọ sức về quân sự nhưng không thắng lợi, nay có yêu cầu phải loại bỏ bằng một chiến lược phi quân sự.Việt Nam ngày nay đang nằm trong "chiến lược chung", chưa phải là đối tượng trực tiếp gây nguy hại cho các lợi ích sống còn của thế giới tư bản, cũng chưa phải là đối tượng nắm giữ những lợi ích sống còn cần chiếm đoạt. Nếu ta duy trì được an ninh trật tự ở mức độ không tạo ra khủng hoảng chính...
Đã gọi là diễn biến hòa bình (DBHB) thì phương thức cơ bản là tránh không phải dùng vũ lực. Sức mạnh quân sự chủ yếu dùng vào việc răn đe, ngăn chặn những phản ứng bằng vũ lực của đối phương, càng ít phải dùng tới càng tốt. Bởi vậy “bạo loạn lật đổ” chỉ là một tình huống bất đắc dĩ của DBHB, không thuộc dòng chính mà chỉ là kịch bản dự phòng, khi DBHB không đạt được mục tiêu.
Bối cảnh ra đời của DBHB là một chiến lược thay thế cho chiến lược tiến công bằng vũ lực, thường được vận dụng với các đối tượng đã trải qua đọ sức về quân sự nhưng không thắng lợi, nay có yêu cầu phải loại bỏ bằng một chiến lược phi quân sự.
Việt Nam ngày nay đang nằm trong “chiến lược chung”, chưa phải là đối tượng trực tiếp gây nguy hại cho các lợi ích sống còn của thế giới tư bản, cũng chưa phải là đối tượng nắm giữ những lợi ích sống còn cần chiếm đoạt. Nếu ta duy trì được an ninh trật tự ở mức độ không tạo ra khủng hoảng chính trị trực tiếp, chưa phát sinh thời cơ thuận lợi thì kịch bản cụ thể giành thắng lợi cho DBHB ở Việt Nam chưa thực thi được.
DBHB cũng có nhược điểm thứ hai cần khai thác là nó nhất thiết phải thông qua “tự diễn biến” của đối phương mới trở thành hiện thực, các chuyên gia “diễn biến” phải kích động thế nào cho tác động bên ngoài phải biến thành “tự thân vận động”, không thể nhảy vào làm thay như tiến công quân sự. Bởi vậy về phía ta cũng cần thống nhất một nhận thức: “DBHB của các thế lực thù địch” và “tự diễn biến” trong nội bộ ta không phải là hai việc khác nhau mà là hai mặt của một vấn đề, hai bước của một quá trình liên tục, có mối quan hệ nhân quả, tác động lẫn nhau rất chặt chẽ. Có kẻ chủ trương “diễn biến” mới có người “bị diễn biến”, ngược lại cũng phải có người chấp nhận “diễn biến” mới có kẻ đi “diễn biến”…
Nhưng trong thực tế đã diễn ra khá rõ thì mối tác động qua lại này thường diễn ra theo cách “lệch pha”: Không phải cứ đối tượng bị “diễn” nhiều thì “biến” nhiều, bị “diễn” ít thì “biến” ít mà còn tùy theo “cơ địa” và bản lĩnh của đối tượng. Có nước, có người bị “diễn” rất mạnh như Cu-ba, Trung Quốc, Việt Nam, như nhiều chính khách có quyền lực ở các nước XHCN… lại không chịu “biến”. Có những nước, những người (không tiện viết ra) bị “diễn” rất ít mà lại “biến rất nhanh”. Và ngày nay, xin đặc biệt lưu ý, có những con người chưa bị “diễn” đã tự “biến” vì quá mê phục chủ nghĩa tư bản (CNTB). Họ chỉ học trên giấy và thậm chí cũng không có cảm giác bao nhiêu về tội ác và lịch sử đen tối của CNTB.
Với nước đang “bị diễn (biến)” như chế độ XHCN nước ta, cuộc đấu tranh thường được nhiều nơi diễn tả là “chống âm mưu DBHB của các thế lực thù địch”. Mệnh đề này cần được phân tích thêm về độ chuẩn xác của các từ ngữ: Nói cho chính xác, “âm mưu” (được định nghĩa là mưu kế ngầm nhằm làm việc phi nghĩa) là những toan tính còn được che giấu, có cái đã bộc lộ bằng lời nói và hành động, nhưng nhiều cái còn giữ kín, nên “chống âm mưu” là việc không dễ. Mặt khác, mình có chống, chúng vẫn cứ lập mưu kế, không thể cấm chúng được. Thực ra, cái ta đang chống là các “thủ đoạn” đã được đem ra thi hành chứ không thể chống được phần chưa đem thi hành, càng không chống được phần chúng đang toan tính. Mặt khác, mục tiêu của ta trước hết không chỉ là “chống âm mưu DBHB của các thế lực thù địch” mà là ngăn chặn tác hại của nó đang trở thành “tự diễn biến” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên ta. Còn khẳng định chỉ “phòng chống âm mưu DBHB của các thế lực thù địch” như vẫn thường viết, nói xưa nay thì thực chất đã tự đặt cho mình một công việc trừu tượng, không dễ dàng thực hiện mà lại không thể hiện rõ mục tiêu ngăn chặn quá trình “tự diễn biến” trong nội bộ ta, là quá trình biến âm mưu thủ đoạn của địch thành kết quả hiện thực, cũng là điều nguy hại nhất ta cần phòng, chống.
Nếu lập luận trên đây đứng vững tất sẽ dẫn đến yêu cầu có sự điều chỉnh trọng tâm trong cuộc đấu tranh hiện tại: Vì mải mê theo đuổi chủ đề “chống âm mưu DBHB của các thế lực thù địch” nên trọng tâm của cuộc đấu tranh như đang tập trung vào việc vạch trần các âm mưu đen tối của “kẻ thù” nhằm “tố cáo” địch, “đề cao cảnh giác” của cán bộ, đảng viên ta…, cho như vậy là đã nhằm đúng mục tiêu, đối tượng. Nhưng xét cho cùng, trong bối cảnh đối ngoại hiện nay, “các thế lực thù địch” buộc phải trở thành những đối tượng phiếm chỉ, nhiều lắm cũng chỉ có thể chỉ ra rằng chúng… ở phương Tây, không thể nói thẳng chúng ở xứ nào, nước nào. Còn “âm mưu” của chúng thì nhiều lắm cũng chỉ kể ra những “thủ đoạn” chúng đã thi hành, những chiến lược cũ chúng đã công khai công bố (tức là đã hết thời hiệu bảo mật). Còn những điều chúng đang toan tính thì lấy cứ liệu nào mà tố cáo, ngăn chặn, và theo công pháp quốc tế, cũng không đủ thẩm quyền, khả năng để ngăn chặn.
Chúng ta quyết loại bỏ phương pháp quy chụp một cách võ đoán, cũng không dùng lối tư duy “ý thức hệ” để quy kết cái gì tốt đều là của CNXH, cái gì xấu đều thuộc về CNTB, mà phải khẳng định nếu đem quan điểm và phong cách của người sản xuất nhỏ hoặc của các bậc “phong kiến, bảo thủ” ra so sánh thì quan điểm và phong cách TBCN còn vượt xa mấy bậc. Nhưng đã “kiên định mục tiêu và con đường đi lên CNXH” thì không thể không phân định ranh giới giữa mục tiêu và con đường ta đang kiên định với mục tiêu và con đường của CNTB. Cái gì gây hại cho mục tiêu và con đường chính thống tất có lợi cho mục tiêu và con đường đối lập. Xét sự vật trong cuộc đấu tranh “ai thắng ai” giữa hai con đường, hai chế độ, không thể tìm ra một “lô-gích” khác. Dù đã triệt để loại trừ phương pháp luận chủ quan, suy diễn, nhưng đặt vấn đề vào bối cảnh phải “kiên định mục tiêu và con đường đi lên CNXH” thì tất cả các hiện tượng “quan liêu, xa rời nhân dân, nhũng nhiễu, tham ô lãng phí”, chỉ chăm lo “lợi ích nhóm”, “lợi ích nhiệm kỳ” trước khi “hạ cánh an toàn”, thoái hóa, biến chất, chạy chức, chạy quyền, chạy huân chương, vào Đảng với động cơ không lành mạnh, có mầu sắc cơ hội”… và hàng loạt các hiện tượng đã được viết rõ (chưa phải đã hết) trong các văn kiện – nghị quyết, hiện tượng nào cũng được ghi thêm các mệnh đề “chưa bị đẩy lùi, còn phát triển tinh vi, chưa được ngăn chặn…” thì các hiện tượng đó có lợi cho ai và có hại cho ai? Phải chăng đây mới là trọng tâm đích thực của cuộc đấu tranh phòng chống DBHB, là “trận địa đích thực” của cuộc đấu tranh, cần đẩy lùi ngăn chặn?… Giống như người thầy thuốc chữa bệnh, gia đình bệnh nhân không yêu cầu thầy phải kể lể rất dài về căn bệnh và nguy cơ gây ra cho bàn dân thiên hạ, điều đó chỉ cần một lượng thông tin vừa đủ mà trọng tâm của người chữa bệnh là cho gia đình biết rõ con bệnh đã bị nhiễm đến đâu, phải chữa trị thế nào, cần đến các loại thuốc gì để cắt cơn, những khả năng, lực lượng phải huy động để cứu sống người bệnh.
Biết rằng mở ra mặt trận này là rất khó, lại không “an toàn”, dễ đụng chạm. Như dân ta thường nói: “Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng!” nhưng cuộc đấu tranh đã đến hồi phải dùng tới thuốc đắng và tiếp cận sự thật càng rõ càng tốt. Tất nhiên quần chúng và người tham gia đấu tranh không thể thay thế các cơ quan chuyên trách của Đảng và Nhà nước, nhưng sẽ làm hậu thuẫn vững mạnh cho các cơ quan chuyên trách. Mặt khác “đấu tranh phòng chống DBHB” là cuộc “đấu tranh – vận động chính trị” là chủ yếu, không phải đối tượng nào cũng phải thi hành kỷ luật hoặc bị pháp luật trừng trị. Trước hết ở trong Đảng, đó là cuộc đấu tranh để bảo vệ tiêu chuẩn đảng viên, giữ gìn phẩm chất và vị trí, tác dụng lãnh đạo của người đảng viên Cộng sản, giữ vững lòng tin của quần chúng đối với “đội tiên phong”.
Cần gắn chặt cuộc đấu tranh chống DBHB với cuộc đấu tranh chống các tệ nạn nội sinh trong nội bộ Đảng và chế độ, không ngại bóc trần các tệ nạn nội sinh, các phần tử thoái hóa biến chất sẽ ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, của Nhà nước, mà phải ủng hộ và bảo vệ cuộc đấu tranh đó bằng mọi cách. Né tránh, sợ đụng chạm, “dĩ hòa vi quý”, ngậm miệng… ăn tiền… cũng là một dạng của chủ nghĩa cơ hội. Còn làm theo cách “quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân”, gắn cơ quan chuyên trách với phong trào rộng rãi của quần chúng thì chắc chắn tệ nạn nào cũng bị đẩy lùi. Đặt trong cuộc “đấu tranh phòng chống DBHB” thì tệ nạn nội sinh, – không kể đến các tội phạm hình sự và dân sự, – chính là cơ sở sắp sẵn cho DBHB, nếu không nói đó là bộ phận đã “tự diễn biến” khi kẻ thù chưa kịp “diễn biến”.
Cương lĩnh của Đảng (bổ sung, phát triển năm 2011) ở điểm 4 “Đảng Cộng sản Việt Nam”, chỉ rõ: “Đảng chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, có phẩm chất, năng lực, có sức chiến đấu cao, theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; quan tâm bồi dưỡng đào tạo lớp người kế tục sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”. Theo đó, Đảng cần giáo dục đội ngũ cán bộ, đảng viên, ý thức chống “tự diễn biến”, bồi dưỡng một cách có hệ thống, chăm lo phòng, chống cho toàn đội ngũ.
“Lớp người kế tục sự nghiệp cách mạng của Đảng và của nhân dân” trong “phòng chống DBHB”, chính là điểm nút mà kẻ thù đang hướng tới, cũng là nguồn gốc chính của nhiều cuộc sụp đổ vì đã chọn nhầm… nhân sự kế tục. Các thế lực thực thi DBHB với chế độ ta đang mong chuyển hóa các hoạt động “diễn biến” của họ thành quá trình “tự diễn biến” trong nội bộ ta. Do đó cần kiên trì tiến hành cuộc đấu tranh chống DBHB và tự diễn biến để làm thất bại mọi mưu đồ và thủ đoạn của các thế lực chống phá sự nghiệp xây dựng CNXH của chúng ta.
Theo Nhandan
Ý kiến ()