Gắn hoạt động tình nguyện với thực tế cuộc sống
Để tiếp sức cho phong trào tình nguyện, Tỉnh đoàn Thanh Hóa huy động các em học sinh THPT tham gia làm nhà giúp người nghèo. Tiếp nối nội dung Tháng Thanh niên năm 2012, Mùa hè tình nguyện năm nay được Ban Bí thư T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động với chủ đề: Tuổi trẻ tham gia xây dựng nông thôn mới. Bốn hoạt động thiết yếu đã được xác định và trong mỗi nội dung đó, T.Ư Đoàn chọn một số công việc cụ thể để tập trung thực hiện. Tuy nhiên, phong trào Thanh niên tình nguyện đang đối mặt với những khó khăn để giữ vững "thương hiệu" của mình.Mùa hè thanh niên tình nguyện năm nay được phát động với chín nội dung hoạt động, đáng chú ý là: Tham gia xây dựng nông thôn mới; tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông và xây dựng văn hóa giao thông; tổ chức các hoạt động tình nguyện như tiếp sức mùa thi, tiếp sức đến trường; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai; tổ chức các đội trí thức trẻ tình...
Để tiếp sức cho phong trào tình nguyện, Tỉnh đoàn Thanh Hóa huy động các em học sinh THPT tham gia làm nhà giúp người nghèo. |
Mùa hè thanh niên tình nguyện năm nay được phát động với chín nội dung hoạt động, đáng chú ý là: Tham gia xây dựng nông thôn mới; tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông và xây dựng văn hóa giao thông; tổ chức các hoạt động tình nguyện như tiếp sức mùa thi, tiếp sức đến trường; bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai; tổ chức các đội trí thức trẻ tình nguyện về nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo; tình nguyện giúp đỡ gia đình chính sách, trẻ em khó khăn… Trong đó, bốn nội dung thiết yếu nhất được coi là nhiệm vụ nòng cốt, là khâu then chốt để tạo ra hiệu quả rõ rệt của mùa hè lần này, gồm: Xây dựng nông thôn mới; tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông; hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” và tình nguyện quốc tế.
Trong đó, T.Ư Đoàn chú trọng tổ chức các hoạt động tình nguyện tại chỗ, tình nguyện chuyên sâu theo lĩnh vực. Đồng thời, tổ chức các đội hình thanh niên tình nguyện hoạt động tại nước bạn Lào với phương châm: Hiệu quả và thiết thực, nhằm tăng cường mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Đoàn Thanh niên Nhân dân cách mạng Lào, góp phần vào thành công chung của Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Lào 2012.
Hưởng ứng chủ trương của T.Ư Đoàn, Thành đoàn Hà Nội dành hẳn tháng 8 để triển khai nâng cao chất lượng các chi đoàn, nhất là ở nông thôn; Đoàn Khối Doanh nghiệp T.Ư tập trung nguồn lực hỗ trợ thanh niên công nhân… Đối với chủ đề chính, các cấp bộ đoàn huy động lực lượng sinh viên, học sinh tham gia giúp đỡ các địa phương thực hiện những tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại các xã trong chương trình xây dựng nông thôn mới trên toàn quốc, với mục tiêu xây dựng và tu sửa 2.000 nhà văn hóa thôn, nhà nhân ái, 500 nghìn thanh niên được tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học – kỹ thuật, tư vấn, hướng nghiệp, 50 nghìn người được khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí…
Việc lựa chọn những nội dung, mục tiêu cụ thể, thiết thực để tập trung thực hiện tốt không phải điểm mới trong hoạt động tình nguyện của tuổi trẻ Việt Nam trong 13 năm qua nhưng trong những năm gần đây, chủ trương này đang được T.Ư Đoàn và các cấp bộ đoàn thực hiện quyết liệt. Đây là nhân tố quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của các hoạt động tình nguyện – vấn đề luôn được dư luận xã hội quan tâm khi nhắc về các phong trào hành động của tổ chức đoàn và tuổi trẻ cả nước.
Chủ trương chung đã được xác định rõ nhưng “khâu” quan trọng nhất để có thể khẳng định giá trị của thương hiệu Thanh niên tình nguyện lại nằm ở phương thức triển khai và chất lượng hoạt động ở cơ sở.
Năm nay, đoàn các cấp vẫn duy trì trọng tâm tổ chức các hoạt động tình nguyện tại chỗ và chuyên sâu. Đây là vấn đề được tổ chức đoàn kiên trì thực hiện trong nhiều mùa hè tình nguyện liên tục nhưng chất lượng và hiệu quả chưa nổi bật. Ở nhiều nơi, nhất là các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, sức sống tình nguyện chỉ hiện lên khi có sự xuất hiện của các đội thanh niên tình nguyện. Khi các đội này chia tay thì hoạt động đoàn, hội, tình nguyện của địa phương cũng “chìm” luôn. Thế nhưng, không phải đơn vị, địa phương nào, thậm chí là cấp T.Ư, cấp tỉnh đoàn cũng dám thẳng thắn nhìn nhận thực trạng này. Để từ đó, sau khi các đội tình nguyện rút đi lại xuất hiện những bản báo cáo thành tích “hoạt động sôi nổi”, tô hồng thực tế… Trong khi những khó khăn, hạn chế, những bức xúc, nhu cầu chính đáng của thanh niên thường được các cơ sở đoàn đề cập rất chung chung bằng những “gạch đầu dòng” vô thưởng, vô phạt và qua loa…
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng nêu trên, trong đó quan trọng nhất là hoạt động đoàn ở không ít vùng nông thôn, miền núi… đang tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế, thậm chí là yếu kém. Hoạt động đoàn cầm chừng, nhiều chi đoàn không tổ chức được sinh hoạt; thiếu đoàn viên, thiếu nguồn lực; năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ đoàn hạn chế… Vì vậy, việc khơi dậy nguồn lực, tinh thần, chất lượng tình nguyện tại chỗ luôn gặp khó khăn trong nhiều năm qua mà chưa có những phương hướng tháo gỡ hiệu quả, mang tính đột phá.
Những hoạt động tình nguyện chuyên sâu là một chủ trương đúng đắn của các cấp bộ đoàn và đã góp phần nâng cao chất lượng tình nguyện tại các địa phương. Tuy nhiên, nhiều hoạt động chuyên ngành gắn với thực tế lao động, sản xuất, tập tục sinh hoạt của người dân, nhất là dân nghèo, lại cần có thời gian để khẳng định tính hiệu quả. Trong khi đó, các chương trình tình nguyện của các đội hình chuyên do những khó khăn khách quan, chủ quan nên chỉ triển khai trong một tuần đến hai tuần… Có khi, những việc các bạn trẻ thực hiện chưa có kết quả thì họ đã kết thúc chương trình và rời khỏi địa phương.
Thật sự gắn với thực tế cuộc sống sẽ giúp phong trào Thanh niên tình nguyện không bị “lạc hậu”, là môi trường quan trọng giúp tuổi trẻ rèn luyện bản lĩnh, lối sống, gắn bó và thấu hiểu cuộc sống của nhân dân… Để làm được điều đó, để hoạt động tình nguyện không “bị nhàm chán”, hình thức trước sự phát triển của xã hội, của thanh niên, trước hết, các cấp bộ đoàn cần thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, khó khăn để tập trung giải quyết. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục củng cố tổ chức cơ sở đoàn bằng những chương trình cụ thể, nhất là hỗ trợ các chi đoàn, đoàn xã, thị trấn nâng cao chất lượng… bởi đây là nơi triển khai những hoạt động, nhiệm vụ quan trọng của tổ chức đoàn…
Theo Nhandan
Ý kiến ()