Gắn chuyển đổi số với công tác cải cách hành chính nâng sự hài lòng của cá nhân, tổ chức
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu tỉnh
– Chiều 8/6, UBND tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) phân tích kết quả chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) và chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) tỉnh Lạng Sơn năm 2021. Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí Thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Theo báo cáo của Sở Nội vụ, năm 2021, chỉ số PAR INDEX và chỉ số SIPAS của tỉnh được cải thiện về cả điểm số và xếp hạng. Để đạt được kết quả này do có sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo UBND tỉnh, sự nỗ lực, quyết tâm, vào cuộc của các cấp, các ngành và sự đồng tình, ủng hộ của người dân, tổ chức.
Cụ thể năm 2021, chỉ số PAR INDEX được Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ, ngành, trung ương thẩm định, đánh giá trên 8 lĩnh vực với 43 chỉ tiêu, 102 tiêu chí thành phần. Kết quả, tỉnh đạt 87,11%, xếp hạng 23/63 tỉnh, thành phố, tăng 3,31% và tăng 13 bậc so với năm 2020. Đây là kết quả cao nhất tỉnh đạt được kể từ khi Bộ Nội vụ thực hiện việc xác định chỉ số PAR INDEX đến nay. Trong đó có 5/8 tiêu chí tăng điểm như: tiêu chí cải cách thủ tục hành chính (TTHC); tiêu chí tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và kinh tế – xã hội của tỉnh…
Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận hội nghị
Chỉ số SIPAS được đánh giá dựa theo kết quả điều tra xã hội học do Bộ Nội vụ phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam thực hiện. Tại tỉnh Lạng Sơn, Sở Nội vụ đã lập danh sách cá nhân, tổ chức thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và bộ phận “một cửa” 4 huyện: Bắc Sơn, Chi Lăng, Lộc Bình, Đình Lập với tổng số 3.366 người và 400 phiếu. Theo đó, kết quả đạt 87,07%, xếp hạng 31/63 tỉnh, thành phố, tăng 3,1% và tăng 8 bậc so với năm 2020. Trong 5 chỉ số thành phần của SIPAS 2021, có 3/5 chỉ số thành phần giảm cả về điểm và xếp hạng; có 1 chỉ số thành phần tăng cả về thứ hạng và điểm số.
Tại hội nghị, các đại biểu đã kiến nghị đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng hai chỉ số trên. Trong đó, tập trung vào các vấn đề như: hiện đại hóa hành chính, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; triển khai chính quyền điện tử, chính quyền số; kiểm soát, cải cách TTHC, thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa” liên thông…
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao vai trò của người đứng đầu, coi CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của đơn vị, tiếp tục có biện pháp, giải pháp mới mang tính đột phá, phù hợp. Đồng thời, hằng năm, lấy kết quả công tác CCHC là một trong những tiêu chí quan trọng để xem xét đánh giá xếp loại đối với người đứng đầu, xếp loại hoàn thành nhiệm vụ và gắn với thi đua, khen thưởng đối với các cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, các sở, ngành, UBND cấp huyện khẩn trương rà soát, phân tích đánh giá từng chỉ số thành phần của đơn vị và có biện pháp, giải pháp khắc phục các tồn tại hạn chế.
Đồng chí nhấn mạnh: Ngay sau hội nghị, Sở Nội vụ cần tham mưu cho UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh tăng cường kiểm tra, đôn đốc, theo dõi việc thực hiện công tác CCHC tại các cơ quan đơn vị; chỉ đạo đội ngũ công chức, viên chức thực hiện đúng các quy định về văn hóa công vụ; đẩy mạnh cải cách TTHC; đẩy nhanh tiến độ xây dựng chính quyền số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong CCHC; gắn chuyển đổi số với công tác CCHC nâng cao sự hài lòng của cá nhân, tổ chức…
Đồng chí cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường thông tin, tuyên truyền kết quả công tác CCHC, những chính sách mới của tỉnh, giải thích mục đích, ý nghĩa của phiếu điều tra, khảo sát để có được kết quả đánh giá thực chất, khách quan… để người dân nắm được và đánh giá thực chất, khách quan hơn.
HOÀNG HIẾU
Ý kiến ()