Gắn chặt hơn với quyền lợi của người dân
LSO-Ngày 29/11/2013, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai năm 2013 và sẽ có hiệu lực kể từ 1/7/2014.
Luật này vừa tiếp tục kế thừa, luật hóa những quy định còn phù hợp đã và đang đi vào cuộc sống của Luật Đất đai năm 2003; nhưng đồng thời đã sửa đổi, bổ sung một số quy định mới như mở rộng hạn giao đất nông nghiệp và hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng, khắc phục việc giao đất, cho thuê đất tràn lan… sẽ hạn chế những bất cập của Luật Đất đai năm 2003. Từ đó, đã gắn chặt hơn tới quyền, lợi ích của nhân dân và cũng sẽ là cơ sở để hạn chế tới mức thấp nhất những tranh chấp liên quan đến đất đai vốn chiếm gần 90% các vụ khiếu kiện xảy ra trong thời gian qua.
Giao quyền sử dụng đất giúp người dân xã Đồng Bục, huyện Lộc Bình yên tâm lao động sản suất |
So với Luật Đất đai năm 2003, Luật Đất đai năm 2013 có 14 chương với 212 điều, tăng 7 chương và 66 điều. Có thể nhận thấy, Luật Đất đai năm 2013 đã thể hiện rõ quan điểm của Đảng, khẳng định quyền của nhà nước và quan tâm sâu sát tới quyền và lợi ích của tầng lớp nhân dân. Điển hình như việc giao đất nông nghiệp chỉ có thời hạn 20 năm, nay tăng lên 50 năm là tạo điều kiện cho người dân gắn bó với đồng ruộng, yên tâm sản xuất. Trong việc bồi thường khi nhà nước thu hồi đất cũng được quy định cụ thể, chi tiết và sát thực với người được giao quyền sử dụng đất (SDĐ). Điển hình như nguyên tắc bồi thường về đất: Người SDĐ khi nhà nước thu hồi đất nếu đủ điều kiện thì được bồi thường bằng việc giao đất mới có cùng mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi, nếu không có đất thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi. Các trường hợp được bồi thường cũng được bổ sung và giá đất bồi thường được xác định theo mục đích sử dụng tại thời điểm có quyết định thu hồi đất.
Trong Luật Đất đai năm 2013 cũng bổ sung các trường hợp được miễn, giảm tiền SDĐ, tiền thuê đất như: SDĐ để thực hiện chính sách nhà ở, đất đối với người có công với cách mạng, hộ gia đình nghèo, hộ gia đình là dân tộc thiểu số ở những nơi có kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, SDĐ để xây nhà ở xã hội… Luật này cũng đã dành 1 chương, 12 điều để quy định về giám sát, thanh tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại tố cáo và xử lý vi phạm về đất đai. Trong đó quy định về giám sát của các cơ quan nhà nước, các tổ chức, công dân đối với việc quản lý và SDĐ, hệ thống theo dõi và đánh giá đối với quản lý và SDĐ. Quy định về thanh tra chuyên ngành đất đai, quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, giải quyết khiếu nại, khiếu kiện, tố cáo về đất đai, xử lý đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm về quản lý và SDĐ … Những quy định cụ thể đó sẽ góp phần hạn chế những sai phạm trong quản lý và SDĐ, từ đó sẽ tránh những khiếu kiện, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai.
Đối với Lạng Sơn, thời gian qua, công tác quản lý đất đai đã từng bước đi vào nề nếp góp phần ổn định tình hình kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh trật tự. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành đo đạc lập bản đồ địa chính đạt 96,52% diện tích đất tự nhiên; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (CNQSD) đất đạt 88,07% diện tích cần cấp. Công tác giao đất, thu hồi đất, cho thuê đất, chuyển mục đích SDĐ phục vụ cho các mục đích an ninh, quốc phòng, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và phát triển kinh tế đã được triển khai đồng bộ, đúng quy định pháp luật, thu hút nhiều dự án đầu tư trong nước và quốc tế với quy mô lớn. Việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất đã có nhiều tiến bộ… Tuy nhiên, công tác quản lý đất đai ở một số nơi trên địa bàn tỉnh còn bị buông lỏng (quy hoạch treo, chậm thực hiện quy hoạch, quy hoạch không đồng bộ, tính khả thi chưa cao, không ổn định); công tác giải phóng mặt bằng vẫn còn có một số trường hợp thiếu công khai, dân chủ; tình trạng SDĐ công lãng phí, chuyển đổi mục đích sử dụng trái phép, xây dựng trái phép… vẫn còn diễn ra; trong khi đó quy định của pháp luật trong lĩnh vực đất đai còn nhiều bất cập, nhất là quy định về chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng có nhiều thay đổi…
Để Luật Đất đai năm 2013 đi vào thực tiễn tại Lạng Sơn, từ đó nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về đất đai, ngày 11/3/2014, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 21/KH-UBND về triển khai thi hành Luật Đất đai trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên &Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức thực hiện kế hoạch này; hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện. Nội dung kế hoạch tập trung vào việc tổ chức quán triệt, phổ biến nội dung Luật Đất đai thông qua các hội nghị cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và tuyên truyền phổ biến Luật Đất đai trên các phương tiện thông tin đại chúng cho nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh trong quý II/2014.
Trong quý III, quý IV/2014, tiến hành xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến việc thi hành Luật Đất đai thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh cũng như kiện toàn lại bộ máy và đẩy mạnh cải cách hành chính trong quản lý đất đai. Trong hai năm 2014, 2015, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan, các địa phương cần thực hiện được những chuyển biến về quản lý, sử dụng đất với các nội dung: hoàn thiện công tác quy hoạch, kế hoạch SDĐ; chấn chỉnh công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích SDĐ; rà soát và thực hiện việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng và đúng các quy định của pháp luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và tranh chấp đất đai, tập trung xử lý dứt điểm các vụ vi phạm pháp luật về đất đai, đặc biệt là những vụ việc tồn đọng kéo dài.
XUÂN HƯƠNG
Ý kiến ()