Gắn bó với biển, làm giàu từ biển
Ngư dân làng cá Phước Tỉnh, huyện Long Điền (Bà Rịa-Vũng Tàu) đã và đang trở thành những điển hình về phát triển kinh tế biển của địa phương. Ít ai biết, để trở thành "tỷ phú" như hôm nay, họ đã phải vươn lên trong những năm tháng vất vả, từ hai bàn tay trắng...Câu chuyện của lão ngư Đỗ Ngọc Đức, ở Phước Tỉnh, Long Điền, đưa chúng tôi trở về những năm tháng khó khăn một thời bao cấp. Sinh ra, lớn lên trên dải đất miền trung, quanh năm nắng đổ, mưa gầm, như bao gia đình nông dân khác, cuộc sống của anh Đỗ Ngọc Đức ngày ấy, dù chăm chỉ, cần cù, vẫn không thoát khỏi vòng luẩn quẩn của sự nghèo đói. Ra đi, đó là quyết định đầy day dứt. Để rồi nhiều năm sau, khi bình tâm lại, anh tin đó là quyết định đúng đắn của đời mình.Năm 1986, Đỗ Ngọc Đức đưa gia đình vào Bà Rịa-Vũng Tàu, chọn Phước Tỉnh làm điểm dừng chân. "Ngày ấy, làng cá Phước Tỉnh hoang sơ lắm. Bà con làng chài vẫn chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt gần bờ, kiếm...
Ngư dân làng cá Phước Tỉnh, huyện Long Điền (Bà Rịa-Vũng Tàu) đã và đang trở thành những điển hình về phát triển kinh tế biển của địa phương. Ít ai biết, để trở thành “tỷ phú” như hôm nay, họ đã phải vươn lên trong những năm tháng vất vả, từ hai bàn tay trắng…
Câu chuyện của lão ngư Đỗ Ngọc Đức, ở Phước Tỉnh, Long Điền, đưa chúng tôi trở về những năm tháng khó khăn một thời bao cấp. Sinh ra, lớn lên trên dải đất miền trung, quanh năm nắng đổ, mưa gầm, như bao gia đình nông dân khác, cuộc sống của anh Đỗ Ngọc Đức ngày ấy, dù chăm chỉ, cần cù, vẫn không thoát khỏi vòng luẩn quẩn của sự nghèo đói. Ra đi, đó là quyết định đầy day dứt. Để rồi nhiều năm sau, khi bình tâm lại, anh tin đó là quyết định đúng đắn của đời mình.
Năm 1986, Đỗ Ngọc Đức đưa gia đình vào Bà Rịa-Vũng Tàu, chọn Phước Tỉnh làm điểm dừng chân. “Ngày ấy, làng cá Phước Tỉnh hoang sơ lắm. Bà con làng chài vẫn chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt gần bờ, kiếm con cá, con tôm đắp đổi qua ngày, vô cùng cơ cực”- ông Đức nhớ lại. Để duy trì cuộc sống, vợ chồng ông không nề hà bất cứ công việc gì. Ông theo bạn đi biển, còn “bà xã” ở nhà sớm hôm vá lưới, phụ việc trên bờ, tảo tần góp nhặt từng đồng, mong thực hiện ước mơ ngàn đời của những người đã gắn cuộc đời mình với biển, có một con tàu đánh bắt của riêng mình. Và ước mơ ấy đã trở thành hiện thực. Sau bốn năm tần tảo dành dụm, năm 1990, vợ chồng ông cùng bạn bè hùn vốn đóng tàu riêng. Công việc làm ăn đang thời phát đạt thì năm 1993, không may tàu của ông gặp nạn. Đã gần 20 năm trôi qua, nhưng cái đêm bão tố kinh hoàng ấy vẫn hằn sâu trong trí nhớ của ông: “Mình bị sóng hất văng xuống biển, ngâm nước lạnh cả giờ, toàn thân tê cứng, may sao nắm được một sợi dây cáp và bơi theo tàu. Sau đó được một tàu bạn vớt lên. Vào đến bờ rồi mà mình vẫn không tin được cứu sống”. Cơn thịnh nộ của biển đã đưa gia đình ông trở lại điểm xuất phát ban đầu, nhưng không vì thế mà ông nao núng. Lại căn cơ góp nhặt, lại hùn vốn đóng tàu, chuẩn bị cho những chuyến ra khơi. Và cho đến nay, “tỷ phú làng chài” Đỗ Ngọc Đức đã là chủ của bốn con tàu đánh bắt xa bờ với tổng công suất hơn 1.800 CV, mỗi năm đánh bắt hàng trăm tấn thủy, hải sản các loại, thu lãi hàng tỷ đồng.
Cũng như ông Đức, bác Võ Văn Tổng, một “tỷ phú đánh bắt xa bờ” của làng cá Phước Tỉnh, tâm sự: “Chúng tôi ngày xưa, khởi nghiệp đều hai bàn tay trắng. Không ít lần tàu, thuyền gặp bão, tưởng đã bỏ mạng ngoài khơi, nhưng chẳng lẽ lại khoanh tay ngồi nhìn sóng gió càng tôi luyện ý chí, nghị lực. Những thành quả mà ngư dân Phước Tỉnh có được hôm nay đều bắt nguồn từ biển. Mình không bám biển là có tội với cha ông”. Trong buổi họp tại trụ sở UBND xã Phước Tỉnh mới đây để bàn giải pháp trợ giúp ngư dân khi giá vật tư, nguyên liệu “đầu vào” tăng cao. Bác Tổng đề xuất: “Mong Nhà nước quan tâm hỗ trợ thêm cho ngư dân Phước Tỉnh. Còn ngư dân chúng tôi, dù khó khăn thế nào, vẫn quyết tâm bám biển”. Ý nguyện của ông, của ngư dân Phước Tỉnh, cũng là ý nguyện chung của ngư dân cả nước.
Lợi nhuận từ đánh bắt xa bờ được bà con đầu tư lại cho sản xuất. Người phát triển dịch vụ hậu cần, chế biến thủy, hải sản, người làm đầu mối thu mua cho các doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu. Cuộc sống khá giả thì con cái được học hành đến nơi đến chốn, các hoạt động văn hóa, tinh thần cũng vì thế được nâng lên. Theo thống kê, hiện Phước Tỉnh không còn hộ đói, số hộ khá, giàu chiếm số đông và những “tỷ phú đánh bắt xa bờ” đang ngày càng nhiều thêm do lớp trẻ hôm nay được ăn học đàng hoàng, đang mạnh dạn đầu tư để thành lập những tập đoàn đánh bắt quy mô lớn, tiến đến những vùng nước sâu mà nhiều tàu cá của ngư dân Phước Tỉnh trước đây không dám tới.
Chủ tịch UBND xã Phước Tỉnh Nguyễn Văn Sơn tiếp chúng tôi tại phòng làm việc. Khi biết tôi có ý định viết về những tỷ phú đánh bắt xa bờ của làng cá Phước Tỉnh, anh cười lắc đầu: “Thú thật tôi không biết chọn ai, không phải bởi quá nhiều, mà bởi họ đều giống nhau, đều lập nghiệp từ hai bàn tay trắng, đều chọn biển cả để mưu sinh và giàu lên từ con tôm, con cá”. Nói rồi, anh kể khá chi tiết: “Năm 2011, dù thời tiết không thuận lợi, giá vật tư tăng cao nhưng tổng sản lượng khai thác của Phước Tỉnh vẫn đạt hơn 89 nghìn tấn, trong đó hải sản xuất khẩu hơn 30 nghìn tấn, đưa tổng giá trị ngành khai thác và chế biến thủy hải sản của địa phương lên tới 1.500 tỷ đồng”. Với hơn 1.200 phương tiện đánh bắt thủy hải sản, trong đó có 1.111 phương tiện đánh bắt xa bờ công suất từ 90 CV trở lên, Phước Tỉnh đã trở thành một trong những làng cá nổi tiếng về làm ăn hiệu quả không chỉ của huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, mà của cả khu vực Nam Bộ. Anh Sơn tâm sự: “Ngư dân nơi đây sáng tạo lắm. Việc đánh bắt theo tổ – đội đang được khuyến khích hiện nay, bà con đã thực hiện từ lâu. Trong quá trình đánh bắt, các thành viên trong tổ luân phiên nhau trung chuyển sản phẩm sau đánh bắt vào bờ, giảm đáng kể chi phí vận chuyển. Các tàu, thuyền trong tổ cũng thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn nhanh chóng, hiệu quả hơn, đồng thời hỗ trợ nhau kịp thời hơn về vật tư, nhân lực khi cần thiết. Rồi việc đầu tư xây dựng đội tàu dịch vụ thu gom sản phẩm đánh bắt của các tàu cá trên biển, cung cấp thực phẩm, nước đá, xăng, dầu và các nhu yếu phẩm cần thiết khác cũng rất được quan tâm cho nên con tôm, con cá của ngư dân Phước Tỉnh luôn có chất lượng cao hơn nhiều nơi khác”.
Là một làng chài ven biển nhưng những ai lần đầu đến Phước Tỉnh đều không khỏi ngỡ ngàng vì làng chài chẳng khác gì một thị trấn sầm uất. Đường sá phong quang. Nhà cao tầng mọc san sát. Các công trình điện, đường, trường, trạm đều được xây dựng khang trang. Đó là chưa kể một tổ hợp cao ốc nghỉ dưỡng, văn phòng do một doanh nghiệp của Phước Tỉnh đầu tư đang mọc lên, đang biến vùng đất này trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tất cả đều bắt đầu từ những chuyến đi biển dài ngày, từ con tôm, con cá mà ngư dân Phước Tỉnh đánh bắt được.
Vượt lên sóng dữ, bằng những nỗ lực không ngừng, những cách làm sáng tạo, ngư dân Phước Tỉnh hôm nay đang từng bước biến ước mơ “đổi đời” bằng nghề biển của bao thế hệ ông cha xưa thành hiện thực. Những câu ca buồn sẽ không còn lẩn khuất đâu đây. Cuộc sống no ấm đã và sẽ đến với dải đất ven biển từng một thời gian khó.
Theo Nhandan
Ý kiến ()