Gần 86% người tị nạn ở Uganda là phụ nữ và trẻ em
Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ngày 21/6 cho biết, Uganda là quốc gia tiếp nhận khẩn cấp người tị nạn tăng nhanh nhất trên thế giới. Trong đó, gần 86% tổng số người tị nạn tại quốc gia này là phụ nữ và trẻ em.
Kể từ khi bạo lực bùng phát ở Nam Sudan vào tháng 12/2013, hơn 1,8 triệu người dân nước này (trong đó bao gồm hơn một triêu trẻ em) đã phải đi tị nạn tại các quốc gia láng giềng.
Trong đó, chỉ trong vòng một năm, dân số người tị nạn ở Uganda đã tăng lên gấp đôi từ 500.000 người lên 1,25 triệu người – đưa Uganda trở thành quốc gia tiếp nhận khẩn cấp người tị nạn tăng nhanh nhất trên thế giới.
Gần 86% tổng số người tị nạn tại quốc gia này là phụ nữ và trẻ em. Uganda hiện là quốc gia tiếp nhận người tị nạn lớn thứ ba thế giới, sau Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan.
Ông Leila Pakkala – Giám đốc khu vực Đông và Nam châu Phi của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã kêu gọi các chính phủ cần làm nhiều hơn nữa để giúp đỡ phụ nữ và trẻ em – những người đã tiếp tục phải chạy đến Uganda, Ethiopia và Kenya sau khi chạy trốn khỏi bạo lực và bất ổn định ở Nam Sudan.
“Uganda đã có một chính sách mở cửa tiến bộ và hào phóng dành cho người tị nạn, cung cấp những triển vọng tốt hơn cho trẻ em tị nạn hơn bất cứ nơi đâu trên toàn cầu”, ông Pakkala cho biết, đồng thời nhấn mạnh hi vọng rằng mô hình này cần được hỗ trợ rộng rãi trên khắp các quốc gia.
Tuy nhiên, quy mô của cuộc khủng hoảng đã đặt cả các chính phủ cũng như các quốc gia tiếp nhận dưới áp lực to lớn.
Các cơ quan Liên hợp quốc và các đối tác nhân đạo cũng đang cần những nguồn lực cần thiết. Để duy trì các chương trình cứu trợ, Chính phủ Uganda và Liên hợp quốc đang kêu gọi số tiền 8 tỷ USD cho các hoạt động ứng phó khẩn cấp và can thiệp phục hồi dành cho người tị nạn và cộng đồng tiếp nhận người tị nạn trong vòng 4 năm tới.
Trong số tiền kêu gọi này, các hoạt động của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cần số tiền gần 50 triệu USD trong năm 2017 cũng như số tiền 30 triệu USD trong mỗi năm từ 2018 đến 2020, nhằm cung cấp chăm sóc y tế, dinh dưỡng, nước sạch và vệ sinh môi trường, giáo dục, phát triển, bảo vệ trẻ em – thanh thiếu niên đối với cả trẻ em tị nạn và trẻ em tại các cộng đồng địa phương.
Bên cạnh đó, các nguồn lực cũng rất cần thiết ở Ethiopia và Kenya – nơi tiếp nhận khoảng 800.000 người tị nạn Nam Sudan. Trong đó, UNICEF đề nghị số tiền 13,6 triệu USD cho các chương trình nhân đạo đáp ứng nhu cầu của dòng người tị nạn mới ở khu vực Gambella ở Ethiopia và 7,3 triệu USD cho các hoạt động ứng phó ở Kenya./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()