Gần 5,3 triệu ca tử vong do dịch, thêm nhiều nước có ca nhiễm Omicron
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi COVID-19 vẫn là Mỹ với 808.608 ca tử vong trong tổng số 49.934.791 ca mắc, trong khi đó danh sách các nước có ca mắc biến thể Omicron ngày một dài thêm.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 9h00 ngày 4/12 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 265.699.524 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 5.264.048 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 239.364.717 người.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 808.608 ca tử vong trong tổng số 49.934.791 ca mắc. Tiếp đó là Ấn Độ với 470.620 ca tử vong trong số 34.632.615 ca mắc; Brazil với 615.606 ca tử vong trong số 22.138.247 ca mắc.
Biến thể Omicron xâm nhập nhiều quốc gia
Danh sách các nước trên thế giới ghi nhận sự xuất hiện của biến thể Omicron đang ngày một dài thêm.
Bộ Y tế Romania thông báo đã phát hiện 2 ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2, là những công dân Romania về nước từ Nam Phi ngày 30/11. Cả hai đang được cách ly tại nhà và không có triệu chứng nào.
Nhà chức trách Romania sẽ tiến hành xét nghiệm lần 3 để xác định chắc chắn biến thể mà 2 bệnh nhân trên đã nhiễm.
Do lo ngại biến thể Omicron, Romania đã ban bố lệnh cấm nhập cảnh đối với các công dân không thuộc Liên minh châu Âu (EU) đến từ một số quốc gia châu Phi và điều động máy bay đến đón công dân nước này bị mắc kẹt do các chuyến bay bị hoãn.
Những người trở về dự kiến sẽ phải chấp hành chế độ cách ly trong vòng 14 ngày.
Trong khi đó, Chile cũng xác nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron là một người nước ngoài đến từ châu Phi. Bệnh nhân, đang sinh sống ở Chile, đến từ Ghana ngày 25/11, có kết quả xét nghiệm COVID-19 trước thời điểm nhập cảnh là âm tính.
Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm ngay sau khi đến Chile cho thấy bệnh nhân này dương tính với virus SARS-CoV-2.
Theo lãnh đạo cơ quan y tế vùng Valparaiso của Chile, bệnh nhân – đã được tiêm 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 – hiện trong tình trạng sức khỏe ổn định.
Nam Phi kêu gọi người dân sống chung với virus
Trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 đang ngày một gia tăng, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã kêu gọi người dân nước này giữ bình tĩnh, không hoảng loạn.
Ông nhấn mạnh: “Dù biến thể Omicron dễ lây lan hơn các biến thể khác, nhưng số bệnh nhân nhập viện không tăng ở mức báo động, đồng nghĩa với việc số người có xét nghiệm dương tính tăng, số người phải nhập viện lại không lớn.”
Người đứng đầu Nam Phi cũng cho rằng biến thể mới Omicron sẽ được tìm thấy trên khắp thế giới và “chúng ta cần học cách sống chung với virus vì sẽ còn các biến thể khác xuất hiện.”
Theo số liệu của Bộ Y tế Nam Phi, số ca mắc mới COVID-19 trên toàn quốc trong những ngày vừa qua tăng nhanh từ 4.373 ca ngày 30/11 lên 8.561 ca ngày 1/12, 11.535 ca ngày 2/12, 16.055 ca ngày 3/12 và 16.366 ca ngày 4/12.
Anh siết chặt nhập cảnh
Chính phủ Anh đã áp dụng trở lại quy định yêu cầu người nhập cảnh nước này phải trình kết quả xét nghiệm COVID-19 ngay tại điểm đến.
Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cho biết quy định trên có hiệu lực từ 4h (giờ địa phương, tức 11h theo giờ Việt Nam) ngày 7/12, theo đó tất cả du khách từ 12 tuổi trở lên sẽ phải thực hiện xét nghiệm trong vòng 48 giờ trước khi đến Anh.
Theo quy định hiện nay, người nhập cảnh chỉ cần xét nghiệm PCR vào ngày thứ 2 sau khi đến Anh và tự cách ly cho đến khi nhận được kết quả xét nghiệm âm tính.
Bộ trưởng Sajid Javid cũng xác nhận từ ngày 7/12, Anh cũng sẽ bổ sung Nigeria vào danh sách đỏ. Người nhập cảnh đến từ các quốc gia trong danh sách này phải cách ly tại khách sạn trong 10 ngày.
Theo Bộ Y tế và Chăm sóc xã hội Anh, trong những ngày gần đây, đã có 21 ca nhiễm Omicron tại nước này liên quan đến hoạt động đi lại tới Nigeria, chỉ đứng sau Nam Phi về số ca nhiễm biến thể Omicron tại Anh.
Ông Javid nhấn mạnh chiến lược của Chính phủ Anh kể từ khi phát hiện ra biến thể Omicron là “kéo dài thời gian” để đánh giá và áp dụng các biện pháp bảo vệ, nhấn mạnh rằng chính phủ sẽ hành động nhanh chóng nếu dữ liệu mới cho thấy sự cần thiết.
Ông kêu gọi người dân tiêm mũi tăng cường vaccine ngay sau khi nhận được thông báo từ Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS), đồng thời khẳng định tiêm chủng là “tuyến phòng thủ đầu tiên” để chống COVID-19.
Indonesia đẩy nhanh tiêm vaccine để đạt miễn dịch cộng đồng
Trong khi đó, giới chức y tế Indonesia khẳng định mục tiêu tiêm mũi thứ 2 vaccine ngừa COVID-19 cho 50% dân số vào cuối tháng này nhằm nhanh chóng đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng.
Hiện chính phủ nước này đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng tại nhiều khu vực do đã có đủ lượng vaccine dự trữ cần thiết.
Để đẩy nhanh tiến độ, Chính phủ Indonesia không chỉ dựa vào đội ngũ nhân viên y tế, mà còn cả các nhân viên thuộc lực lượng cảnh sát quốc gia, quân đội quốc gia, cơ quan dân số và kế hoạch hóa gia đình quốc gia, cũng như những tổ chức đoàn thể khác.
Theo số liệu thống kê của Lực lượng đặc nhiệm xử lý COVID-19, tính đến ngày 2/12, đã có tổng cộng 97.318.649 người được tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 ở Indonesia./.
Ý kiến ()