Gần 40% diện tích mía Hậu Giang chờ hợp đồng bao tiêu
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang Lê Văn Đời cho biết, diện tích mía của tỉnh chưa được doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu chiếm gần 40% trên tổng diện tích 14 ngàn ha mía xuống giống niên vụ 2013-2014 (chỉ tiêu xuống giống của tỉnh là 13.800 ha).
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang Lê Văn Đời cho biết, diện tích mía của tỉnh chưa được doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu chiếm gần 40% trên tổng diện tích 14 ngàn ha mía xuống giống niên vụ 2013-2014 (chỉ tiêu xuống giống của tỉnh là 13.800 ha).
Trong cuộc họp chiều 13-6 về tình hình sản xuất và hợp đồng tiêu thụ mía niên vụ 2013-2014, UBND tỉnh Hậu Giang chỉ đạo Sở NN&PTNT chủ động phối hợp với các nhà máy đường trong và ngoài tỉnh để bao tiêu số lượng mía này.
Hai công ty Cổ phần mía đường Cần Thơ (Casuco) và Công ty mía đường, cồn Long Mỹ Phát cũng thống nhất thời gian dự kiến vào vụ ép mía là từ 15 đến 25-9-2013 và khẳng định, “nếu năm nay có lũ lớn về sớm các công ty sẽ điều chỉnh thời gian vào vụ ép sớm hơn để tránh thiệt hại cho người trồng mía”.
Về giá cả thu mua theo hợp đồng, hai công ty này bảo đảm mua giá thấp nhất là 830 đồng/kg mía đạt 10 CCS (chữ đường) tại cầu cảng nhà máy. Tuy nhiên, UBND tỉnh Hậu Giang cũng đề nghị Sở NN&PTNT cần tính toán lại giá thành sản xuất mía để xác định mức giá bảo hiểm mà công ty đưa ra phù hợp chưa.
Nhiều ý kiến cũng đề xuất nên tổ chức thu mua mía trực tiếp với nông dân tại rẫy, nhằm tránh bị thương lái ép giá, đảm bảo lợi nhuận cho nông dân.
Tuy nhiên, các công ty mía đường cho rằng, nên thành lập hợp tác xã vận chuyển mía cho bà con, bởi công ty không thể tổ chức hàng trăm chiếc ghe (mỗi chiếc phải có ba người) để vào tận nơi thu mua mía cho nông dân. Do vậy, phải cần đến lực lượng thương lái, vấn đề là phải kiểm soát chặt về giá bằng thông tin, công khai cho người dân được biết.
Theo Nhandan
Ý kiến ()