Gần 3 triệu người tử vong vì COVID-19 trên thế giới
Đến sáng 16/4, thế giới có tổng số 139.670.800 ca nhiễm và 2.999.246 ca tử vong vì dịch COVID-19, sau khi ghi nhận thêm lần lượt 836.294 và 13.839 ca chỉ trong vòng 24 giờ qua. Mỹ vẫn là nước có số ca nhiễm bệnh và tử vong nhiều nhất do đại dịch này.
Ấn Độ là quốc gia ghi nhận nhiều ca nhiễm COVID-19 mới nhất trên thế giới trong ngày qua. (Ảnh: Europe1) |
Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cũng cho thấy tính đến sáng 16/4, đã có 118.719.056 ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 17.915.786 ca bệnh đang điều trị, có 17.845.622 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,4%) và 106.876 ca (chiếm 0,6%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện vẫn hoành hành tại 221 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trong 24 giờ qua, với thêm tới 216.850 ca nhiễm, Ấn Độ là quốc gia ghi nhận nhiều ca nhiễm COVID-19 mới nhất trên thế giới, tiếp theo sau là Brazil (80.529 ca) và Mỹ (74.479 ca). Tuy nhiên, Brazil lại là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất trong một ngày qua với 3.774 ca, sau đó là Ấn Độ (1.183 ca) và Mỹ (895 ca).
Số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy châu Âu vẫn là khu vực có nhiều ca nhiễm nhất thế giới, hiện ở mức 42.365.606 ca, trong đó có 966.569 ca tử vong và 36.604.467 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, châu lục này đã ghi nhận thêm 199.467 ca nhiễm và 3.864 ca tử vong mới vì COVID-19. Pháp, Nga và Anh tiếp tục là 3 nước bị tác động nhiều nhất bởi đại dịch này tại châu Âu khi có lần lượt 5.187.879; 4.675.153 và 4.380.976 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại. Và Anh hiện là nước có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất khu vực, với tổng số 127.191 ca, sau khi có thêm 30 ca trong 24 giờ qua, tiếp sau đó là Italy (115.937 ca) và Nga (104.398 ca).
Tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Bắc Mỹ tiếp tục tăng trong 24 giờ qua, khi có thêm 95.798 ca nhiễm COVID-19 và 1.568 ca tử vong vì dịch bệnh này, nâng các con số thống kê được tại khu vực này tới thời điểm hiện tại lên lần lượt là 37.184.535 và 842.974 ca. Đây là khu vực có số ca nhiễm COVID-19 nhiều thứ hai thế giới. Với 32.224.139 ca nhiễm và 578.993 ca tử vong vì COVID-19, Mỹ vẫn đứng đầu bảng danh sách của khu vực. Tiếp sau là Mexico và Canada với con số thống kê lần lượt là 2.291.246 và 1.096.716 ca nhiễm, cùng 210.812 và 23.500 ca tử vong vì COVID-19.
Với 32.588.924 ca nhiễm COVID-19 tính đến sáng 16/4, châu Á là khu vực có nhiều ca nhiễm thứ ba thế giới. Trong đó, 458.542 ca đã tử vong do COVID-19 và 28.639.217 ca được điều trị khỏi. 3 quốc gia có số người nhiễm và tử vong do COVID-19 cao nhất tại châu Á là: Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran với lần lượt số trường hợp nhiễm COVID-19 ghi nhận tới thời điểm hiện tại là 14.287.740; 4.086.957 và 2.168.872 ca; và số trường hợp tử vong lần lượt là 174.335; 35.031 và 65.680 ca.
Trong khi đó, Nam Mỹ ghi nhận thêm 156.256 ca nhiễm và 5.357 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 23.031.584 ca và 612.214 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê của khu vực, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực khi có thêm tới 80.529 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp bị nhiễm COVID-19 lên con số 13.758.093 vào thời điểm hiện tại, và 4.211 ca tử vong mới do dịch bệnh này, khiến tổng số ca tử vong đã ở mức 365.954 ca.
Tính đến sáng 16/4, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 4.433.974 ca, trong đó có 117.363 ca tử vong và 3.963.106 ca bình phục. Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 trong khu vực, với 1.562.931 ca nhiễm và 53.571 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 1.372 ca nhiễm và 73 ca tử vong mới trong vòng 24 giờ qua. Tiếp theo đó là Morocco và Tunisia, với tổng số lần lượt 504.260 và 279.376 ca nhiễm bệnh cùng 8.927 và 9.553 ca tử vong.
Tại châu Đại Dương, con số thống kê được ghi nhận là 60.572 ca nhiễm (tăng 221 ca) và 1.166 ca tử vong do dịch bệnh COVID-19. Đứng đầu danh sách thống kê trên trang worldometers.info vẫn là Australia với 15 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 29.457 ca, trong đó 910 ca tử vong.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp với số ca nhiễm và tử vong không ngừng gia tăng, nhiều quốc gia trên thế giới tiếp tục tăng cường và siết chặt các biện pháp phòng dịch.
Chính phủ Nhật Bản, tối 15/4, đã quyết định mở rộng phạm vi áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm thêm 4 địa phương gồm: Saitama, Chiba, Kanagawa và Aichi từ ngày 20/4 – 11/5. Như vậy, đến nay đã có 10 địa phương tại Nhật Bản phải áp dụng biện pháp phòng dịch trọng điểm, với 6 địa phương trước đó là: Okinawa, Tokyo, Osaka, Hyogo, Miyagi, Kyoto.
Chính phủ Algeria cũng quyết định gia hạn lệnh giới nghiêm một phần thêm 15 ngày tại một số tỉnh và thành phố, bắt đầu từ ngày 16/4. Theo đó, bất chấp tháng lễ Ramadan, giới nghiêm một phần sẽ được áp dụng từ 23h ngày hôm trước đến 4h ngày hôm sau, tại 9 tỉnh thành gồm: Batna, Biskra, Blida, Tebessa, Tizi-Ouzou, Algiers, Jijel, Sidi Bel Abbes và Oran. Ở 49 tỉnh, thành phố khác, người dân không phải chịu lệnh phong tỏa, nhưng tùy theo diễn biến thực tế của dịch bệnh, lãnh đạo địa phương có thể thiết lập, sửa đổi, hoặc điều chỉnh lịch trình, biện pháp phong toả để đề xuất các cơ quan thẩm quyền quyết định áp dụng.
Chính phủ Hà Lan dự kiến áp đặt việc cách ly bắt buộc kể từ ngày 15/5 tới đối với du khách đến từ các quốc gia có diễn biến dịch bệnh nghiêm trọng. Nước này cũng yêu cầu cách ly bắt buộc trong 10 ngày đối với khách du lịch đến Hà Lan. Những trường hợp không tuân thủ quy định cách ly sẽ bị phạt tài chính lên tới 95 euro (tương đương 113,7 USD). Ngoài ra, bất kỳ du khách nào khi đến Hà Lan đều phải điền tờ khai ghi rõ địa chỉ nơi họ sẽ cách ly, có thể ở nhà hoặc ở nơi khác. Tại Hà Lan sẽ không áp dụng cách ly tại khách sạn.
Cơ quan Vận tải hàng không Nga thông báo lệnh cấm các chuyến bay đến và đi từ Anh đã được gia hạn cho đến tháng 6 do biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện ở Anh./.
Ý kiến ()