Gần 250 tỷ đồng giúp người dân khắc phục hậu quả thiên tai
Trong năm 2018, tổng giá trị công tác ứng phó, cứu trợ thiên tai trong toàn hệ thống Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đạt gần 250 tỷ đồng, trợ giúp hơn 960.000 lượt người khắc phục hậu quả thiên tai.
Ảnh minh họa |
Đến nay, Hội đã đào tạo mạng lưới 815 tập huấn viên, hướng dẫn viên về các lĩnh vực liên quan phòng ngừa và ứng phó thảm họa trong toàn quốc; thành lập Phòng Điều hành ứng phó thảm họa và Đội Ứng phó thảm họa cấp quốc gia, kết nối với 34 đội ứng phó thảm họa cấp tỉnh, 389 đội ứng phó thảm họa cấp xã.
Hội đã hỗ trợ 585 xã, phường thuộc 142 huyện, quận của 36 tỉnh, thành phố xây dựng cộng đồng an toàn và triển khai hoạt động can thiệp rủi ro thảm họa như: Xây dựng nhà tránh trú bão kết hợp các hoạt động sinh hoạt tại địa phương, đường sơ tán an toàn, hệ thống thoát nước, hỗ trợ trường học an toàn…
Năm 2018, thiên tai diễn ra không dồn dập và khốc liệt như năm 2017 nhưng vẫn là năm có nhiều thiên tai lớn cùng những yếu tố cực đoan, dị thường trên khắp các vùng miền cả nước. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã kịp thời triển khai các hoạt động ứng phó, cứu trợ thiên tai cho những gia đình thiệt hại nặng nề về người và tài sản ở nhiều tỉnh, vận động xây dựng 50 căn nhà tái định cư cho các hộ dân tại tỉnh Yên Bái, hỗ trợ xây dựng 100 căn nhà chữ thập đỏ cho bà con vùng lũ tại Thanh Hóa…
Tổng giá trị công tác ứng phó, cứu trợ thiên tai trong toàn hệ thống Hội năm 2018 đạt gần 250 tỷ đồng trợ giúp hơn 960.000 lượt người khắc phục hậu quả thiên tai.
Chủ đề của Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai năm nay là “Xây dựng để trường tồn”. Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai là dịp để toàn xã hội có cái nhìn sâu sắc, toàn diện hơn về một thế giới đang phải đối mặt với nhiều rủi ro, hiểm họa. Qua đó, tăng cường khả năng phối hợp hoạt động giữa các ban, ngành, chính quyền địa phương công tác phòng ngừa, ứng phó, giảm thiểu rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu.
Năm 2015, thế giới đã cam kết “Không để ai bị bỏ lại phía sau” như một phần của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, theo Báo cáo Thảm họa thế giới năm 2018, ước tính có hàng triệu người không nhận được hỗ trợ nhân đạo mà họ cần.
Năm nguyên nhân phổ biến đó là: Không được biết đến (người dân, địa điểm, hoạt động không được biết đến), không tiếp cận được (các vùng xa xôi và khó tiếp cận), thuộc nhóm yếu thế (chủ yếu là người già, người khuyết tật), không đủ kinh phí hỗ trợ, các đối tượng không thuộc phạm vi hỗ trợ.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()