Gần 23.000 vụ vi phạm về nhãn dán hàng hóa trong 9 tháng
Đó là thông tin được công bố tại buổi Tọa đàm “Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các lực lượng thực thi trong công tác chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ” do Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 20/10, tại Hà Nội.
Theo cơ quan chức năng, 9 tháng năm 2016, lực lượng Quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra và phát hiện 29.403 vụ về hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ với số tiền xử phạt là 58 tỷ đồng. Trong đó, giả về chất lượng công dụng 2.288 vụ; giả mạo về nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý, bao bì 1.534 vụ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ 316 vụ, vi phạm về tem nhãn, bao bì hàng hóa 350 vụ và nhãn dán hàng hóa 22.850 vụ.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có ý nghĩa quan trọng trên thế giới; trong đó có Việt Nam, nhất là trong bối cảnh hội nhập. Đặc biệt, Việt Nam luôn coi trọng quyền sở hữu trí tuệ, chống hàng giả, bảo vệ quyền xâm phạm sở hữu trí tuệ. Điều này được thể hiện qua việc Chính phủ Việt Nam đã thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban 389 Quốc gia) do Phó Thủ tướng thường trực đứng đầu. Điều đó một lần nữa khẳng định, đây là một lĩnh vực được Quốc hội, Chính phủ, Nhà nước Việt Nam cũng như nhân dân đặc biệt quan tâm.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, trong thời gian qua, tình hình hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn biến hết sức tinh vi, phức tạp và mang cả yếu tố nước ngoài. Chính vì vậy, để nâng cao hiệu quả công tác chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cần quá trình triển khai quyết liệt, làm rõ những thủ đoạn để rà soát, tổ chức tốt việc phối hợp giữa doanh nghiệp và cơ quan thực thi – Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Ông Lord Puttnam, Đặc phái viên thương mại và văn hóa của Thủ tướng Anh cũng cho rằng, quyền sở hữu trí tuệ ngày càng trở nên quan trọng cho sự thành công của các doanh nghiệp tại Việt Nam vì nó gắn kết vào chuỗi giá trị toàn cầu và thu hút sự tham gia ngày càng tăng của các doanh nghiệp nước ngoài có các sản phẩm đổi mới. Vì vậy, thực thi hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ là cần thiết để duy trì lòng tin của doanh nghiệp vào việc bảo vệ hợp lý cho đầu tư của mình.
Ngoài ra, tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến đã đề xuất việc thường xuyên thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để phát hiện, xử lý vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ở một số địa bàn, khu vực theo kế hoạch; kết hợp kiểm tra định kỳ và kiểm tra đột xuất cũng như kiểm tra các loại mặt hàng có những biểu hiện gây ảnh hưởng đến sự mất ổn định thị trường. Tiếp tục xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ, chia sẻ các báo cáo hàng năm của lực lượng liên quan đến thực thi quyền sở hữu trí tuệ.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()