Gần 200 đại biểu được triển khai nội dung Nghị định 35 của Chính phủ
Lãnh đạo Sở Xây dựng phát biểu khai mạc buổi tập huấn
– Ngày 22/9, Sở Xây dựng tổ chức hội nghị tập huấn nội dung Nghị định 35 ngày 20/6/2023 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng cho gần 200 đại biểu là cán bộ, kỹ sư đang công tác tại các sở, ngành, UBND các huyện thành phố và các doanh nghiệp.
Tại hội nghị, lãnh đạo Vụ Pháp chế, Bộ Xây dựng đã truyền đạt những nội dung cơ bản của Nghị định 35 của Chính phủ, có hiệu lực thi hành từ ngày 20/6/2023.
Theo đó, Nghị định 35 gồm 17 điều và 7 phụ lục. Trong đó 12 điều sửa đổi, bổ sung đối với một số điều đã được quy định tại 12 nghị định của Chính phủ đang có hiệu lực thi hành về công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực xây dựng.
Những điểm mới được quy định tại Nghị định 35 nhằm tháo gỡ vướng mắc, bất cập, đáp ứng yêu cầu thực tiễn liên quan đến hoạt động xây dựng và quản lý nhà nước về xây dựng. Đồng thời, nghị định cũng quy định cụ thể về tăng cường phân cấp đơn giản hoá thủ tục hành chính; quy định kinh doanh; ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện chuyển đổi số trong ngành xây dựng.
Các cán bộ tham gia tập huấn thực hiện Nghị định 35
Cụ thể như: quy định về quy hoạch tổng mặt bằng; làm rõ việc phân loại dự án đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng để phục vụ quản lý hoạt động xây dựng; xác định thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng; chương trình phát triển đô thị, bàn giao quản lý trong khu đô thị; một số quy định liên quan đến chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng; nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước và các quy định chuyển tiếp có liên quan.
Nghị định được ban hành nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước về xây dựng.
Đại diện doanh nghiệp xây dựng đặt câu hỏi liên quan đến thực hiện nghiệm thu hạng mục công trình theo Nghị định 35
Đặc biệt, Nghị định 35 cũng quy định mới về kiểm tra việc thực hiện pháp luật trong các lĩnh vực quản lý nhà nước ngành xây dựng đối với các cơ quan quản lý nhà nước. Cụ thể, đối với hình thức kiểm tra định kỳ, các cơ quan phải ban hành kế hoạch trước ngày 15/3 hằng năm và bảo đảm không trùng lắp kế hoạch kiểm tra các cấp và kế hoạch thanh tra về nội dung, đối tượng, phạm vi, lĩnh vực.
Trong khuôn khổ chương trình, lãnh đạo Vụ Pháp chế, Bộ Xây dựng cũng đã tiếp nhận và giải đáp thắc mắc của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh liên quan đến áp dụng các quy định tại Nghị định 35 của Chính phủ.
Ý kiến ()