Gần 2 tỷ USD đã đầu tư vào Vân Đồn
Chiều 25/8, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội; việc thực hiện chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công; về triển khai các chỉ đạo của Trung ương trong phát triển đặc khu kinh tế Vân Đồn và xây dựng Đề án phát triển đặc khu này.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Thành Chung |
Vân Đồn không được “cạnh tranh” với Bắc Vân Phong và Phú Quốc
Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ đang cố gắng trình dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt vào kỳ họp Quốc hội cuối năm nay, do đó việc tiếp tục rà soát thể chế, chính sách cho đặc khu hành chính kinh tế nói chung và đặc khu Vân Đồn nói riêng rất quan trọng.
Đối với đặc khu hành chính kinh tế, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng chính sách ưu đãi thuế (9 chính sách ưu đãi theo đề xuất của Quảng Ninh) không còn nhiều ý nghĩa trong việc bảo đảm vai trò động lực của khu vực này nên phải rà soát lại chính sách thuế tại đặc khu Vân Đồn. Bên cạnh đó, việc xây dựng Đề án Đặc khu hành chính kinh tế Vân Đồn cần bảo đảm không cạnh tranh trong thu hút đầu tư với đặc khu Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Với các nhà đầu tư chiến lược đầu tư tại Vân Đồn từ đầu thì Đề án cần quy định điều khoản chuyển tiếp ưu đãi, bảo đảm công bằng cho các nhà đầu tư này.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị tỉnh Quảng Ninh báo cáo kỹ hơn về thẩm quyền của chức danh Trưởng Đặc khu Vân Đồn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguy ễn Văn Thành cho biết trong quá trình hoàn thiện cơ sở pháp lý của đặc khu kinh tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh cũng thu hút được 36.000 tỷ đồng vốn đầu tư hạ tầng cho đặc khu này, nhiều dự án có tổng mức đầu tư từ 5.000-7.000 tỷ đồng.
“Khi làm Đề án đặc khu kinh tế Vân Đồn, chúng tôi tự tin nhưng thời gian chạy đà tương đối dài rồi mà các nhà đầu tư đang chờ và nếu phải chờ lâu hơn thì niềm tin của nhà đầu tư giảm sút. Nên chúng tôi mong các bộ, ngành và Quốc hội sớm thông qua Đề án cho Quảng Ninh”, ông Thành bày tỏ.
Ông Nguyễn Văn Thành cũng đề nghị không nên quy định “cứng” cho nhà đầu tư thuê đất trong 99 năm tại khu vực Vân Đồn mà giao Trưởng Đặc khu tự quyết thời hạn thuê đất. “Nếu không trao quyền cho Trưởng Đặc khu thì vẫn như anh Chủ tịch huyện thôi”, ông Thành nói.
Phó Thủ tướng đánh giá cao lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã rất tích cực trong chuẩn bị dự án đặc khu kinh tế Vân Đồn và thu hút được các nhà đầu tư chiến lược vào khu vực này, bảo đảm có cơ chế đặc thù mạnh, phù hợp với các quy định của quốc tế. Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Quảng Ninh tiếp tục hoàn thiện Đề án và quy hoạch đặc khu kinh tế Vân Đồn để trình cấp có thẩm quyền quyết định.
Tập trung giảm đầu mối đơn vị sự nghiệp công
Về vấn đề tiền lương, an sinh xã hội, Phó Thủ tướng cho biết Bộ Chính trị sẽ trình Hội nghị Trung ương 6 (khoá XII) Đề án đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập; Đề án đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và sắp xếp bộ máy chính trị. Đây là tiền đề để Hội nghị Trung ương 7 thảo luận về vấn đề tiền lương, bảo hiểm xã hội và chính sách người có công.
Theo lãnh đạo Chính phủ, dự kiến Trung ương sẽ xây dựng 3 đề án riêng biệt về tiền lương, bảo hiểm xã hội và chính sách người có công. “Chính sách tiền lương là để cho người đang đi làm. Bảo hiểm xã hội sẽ bảo đảm cuộc sống của người nghỉ hưu và bảo đảm cuộc sống người có công sẽ do chính sách bảo trợ xã hội đảm nhận”, Phó Thủ tướng chia sẻ.
Ngoài ra, với vấn đề tiền lương, vướng mắc hiện nay không chỉ là lương tối thiểu mà liên quan tới nhiều vấn đề như quan hệ tiền lương, thang, bảng lương và chính sách thu hút nhân tài. Đề án sẽ phải giải quyết các bất cập này và giao địa phương khoán quỹ lương và khoán biên chế.
Phó Thủ tướng cũng cho biết trong tổ chức sắp xếp lại hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập, cần rà soát lại đội ngũ, nhất là cán bộ y tế, kế toán tại trường học, rà soát sắp xếp lại điểm trường, bảo đảm giảm biên chế gắn với giảm chi ngân sách cho hoạt động sự nghiệp; thực hiện đồng thời giảm đầu mối đơn vị và giảm biên chế nhưng giảm đầu mối có tác động rất lớn tới giảm chi phí thường xuyên trong chi ngân sách Nhà nước. Từ nay tới năm 2020 sẽ giảm 10% số lượng đầu mối với 6.000 đơn vị và giảm tiếp 10% công chức, viên chức. Hiện nay theo số liệu mới nhất cả nước có 240.000 viên chức sự nghiệp (bao gồm cả viên chức theo Nghị định số 68 của Chính phủ), là con số rất lớn. Sắp tới, Bộ Chính trị sẽ ban hành nghị quyết quy định từ nay tới năm 2020 sẽ cơ bản chấm dứt các loại viên chức theo hợp đồng khác.
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: VGP/Thành Chung |
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long, tỉnh đã thực hiện nhất thể hóa chức danh Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND của 7/14 huyện, 75/186 xã, đồng thời là Chủ tịch UBND tại 2/14 đơn vị cấp huyện, 76/186 xã; người đứng đầu cơ quan tham mưu giúp việc của cấp ủy với cơ quan chuyên môn cấp huyện: Ủy ban Kiểm tra-Thanh tra 9/14, Ban Tổ chức-Nội vụ 8/14, Tuyên giáo-Trung tâm bồi dưỡng chính trị 13/14, Ban Dân vận-Mặt trận Tổ quốc ở 13/14 địa phương.
Quảng Ninh cũng đã sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, giảm đầu mối, tránh trùng chéo, đến nay đã giảm 4 đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh; 107 phòng, đơn vị, đầu mối; 12/14 địa phương cấp huyện thực hiện Cơ quan tham mưu giúp việc chung khối Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội; thực hiện dùng chung bộ phận tài chính, phục vụ cho các Ban xây dựng Đảng của Tỉnh ủy.
Tỉnh tinh giản 499 biên chế theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP và Nghị định 26/2015/NĐ-CP; giảm 712 trường hợp do chuyển đổi mô hình không hưởng lương từ ngân sách; giảm 2.178 người (vị trí chưa bố trí) hoạt động không chuyên trách cấp xã so với định mức của Trung ương giao; thực hiện giao biên chế thấp hơn 16,6% so với định mức Trung ương giao đối với giáo dục, y tế. Ngoài ra, khi thực hiện Đề án 25, từ năm 2015, toàn tỉnh không chi trả phụ cấp thường xuyên 18.919 người.
Về phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao trong 7 tháng qua, GRDP tăng 9,6% cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây và đang chuyển dịch từ “nâu” sang “xanh” khi giảm tỉ lệ thu ngân sách Nhà nước từ than từ 57% năm 2011 xuống 51% năm 2016; tăng tỉ trọng dịch vụ lên 41,2% năm 2016. Tổng thu ngân sách 7 tháng đầu năm đạt hơn 21.000 tỷ đồng, đạt 67% kế hoạch, trong đó thu nội địa chiếm 73%, đứng thứ 4 cả nước.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam và tỉnh Quảng Ninh trong điều kiện tiêu thụ than giảm cần tính toán cơ cấu lại hoạt động, đổi mới kỹ thuật, công nghệ để giảm chi phí khai thác than, gia tăng giá trị cho ngành công nghiệp quan trọng của Quảng Ninh. Bên cạnh đó, Quảng Ninh triển khai hiệu quả công tác phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái.
Theo baochinhphu
Ý kiến ()