Gần 11 nghìn người tử vong trong một ngày vì COVID-19
Đến sáng 31/3, thế giới có tổng số 128.787.576 ca nhiễm và 2.815.026 ca tử vong vì dịch COVID-19, sau khi ghi nhận thêm lần lượt 539.857 và 10.847 ca chỉ trong vòng 24 giờ qua. Mỹ vẫn là nước có số ca nhiễm bệnh và tử vong nhiều nhất do đại dịch này.
Nhân viên kiểm tra quy trình tại địa điểm sản xuất mới của công ty BioNTech ngày 27/3/2021 ở Marburg, Đức. |
Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cho thấy tính đến sáng 31/3, đã có 103.915.264 ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 22.057.286 ca bệnh đang điều trị, có 21.961.472 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,6%) và 95.814 ca (chiếm 0,4%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện vẫn hoành hành tại 221 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trong 24 giờ qua, với thêm 86.704 ca nhiễm, Brazil tiếp tục là quốc gia ghi nhận nhiều ca nhiễm COVID-19 mới nhất trên thế giới, tiếp theo sau là Mỹ (62.280 ca) và Ấn Độ (53.158 ca). Đồng thời, Brazil cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất trong một ngày qua với 3.668 ca, sau đó là Mỹ (872 ca) và Italy (529 ca).
Số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy châu Âu vẫn là khu vực có nhiều ca nhiễm nhất thế giới, hiện ở mức 39.360.233 ca, trong đó có 909.132 ca tử vong và 27.846.697 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, châu lục này đã ghi nhận thêm 170.566 ca nhiễm và 3.747 ca tử vong mới vì COVID-19. Pháp, Nga và Anh tiếp tục là 3 nước bị tác động nhiều nhất bởi đại dịch này tại châu Âu khi có lần lượt 4.585.385; 4.536.820 và 4.341.736 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại. Và Anh hiện là nước có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất khu vực, với tổng số 126.670 ca, sau khi có thêm 56 ca trong 24 giờ qua, tiếp sau đó là Italy (108.879 ca) và Nga (98.442 ca).
Tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Bắc Mỹ tiếp tục tăng trong 24 giờ qua, khi có thêm 73.267 ca nhiễm COVID-19 và 1.194 ca tử vong vì dịch bệnh này, nâng các con số thống kê được tại khu vực này tới thời điểm hiện tại lên lần lượt là 35.790.878 và 817.321 ca. Đây là khu vực có số ca nhiễm COVID-19 nhiều thứ hai thế giới. Với 31.096.975 ca nhiễm và 564.137 ca tử vong vì COVID-19, Mỹ vẫn đứng đầu bảng danh sách của khu vực. Tiếp sau là Mexico và Canada với con số thống kê lần lượt là 2.227.842 và 976.598 ca nhiễm, cùng 201.826 và 22.926 ca tử vong vì COVID-19.
Với 28.308.933 ca nhiễm COVID-19 tính đến sáng 31/3, châu Á là khu vực có nhiều ca nhiễm thứ ba thế giới. Trong đó, 426.625 ca đã tử vong do COVID-19 và 25.980.355 ca được điều trị khỏi. 3 quốc gia có số người nhiễm và tử vong do COVID-19 cao nhất tại châu Á là: Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran với lần lượt số trường hợp nhiễm COVID-19 ghi nhận tới thời điểm hiện tại là 12.148.487; 3.277.880 và 1.875.234 ca; và số trường hợp tử vong lần lượt là 162.502; 31.385 và 62.569 ca.
Trong khi đó, Nam Mỹ ghi nhận thêm 124.852 ca nhiễm và 4.306 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 21.031.167 ca và 548.014 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê của khu vực, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực khi có thêm tới 86.704 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp bị nhiễm COVID-19 lên con số 12.664.058 vào thời điểm hiện tại, và 3.668 ca tử vong mới do dịch bệnh này, khiến tổng số ca tử vong đã ở mức 317.936 ca.
Tính đến sáng 31/3, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 4.239.004 ca, trong đó có 112.781 ca tử vong và 3.738.001 ca bình phục. Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 trong khu vực, với 1.546.735 ca nhiễm và 52.788 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 756 ca nhiễm và 78 ca tử vong mới trong vòng 24 giờ qua. Tiếp theo đó là Morocco và Tunisia, với tổng số lần lượt 495.421 và 252.171 ca nhiễm bệnh cùng 8.813 và 8.788 ca tử vong.
Tại châu Đại Dương, con số thống kê được ghi nhận là 56.640 ca nhiễm (tăng 311 ca) và 1.138 ca tử vong do dịch bệnh COVID-19. Đứng đầu danh sách thống kê trên trang worldometers.info vẫn là Australia với 20 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 29.293 ca, trong đó 909 ca tử vong.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp với số ca nhiễm và tử vong không ngừng gia tăng, các quốc gia trên thế giới tiếp tục đẩy nhanh tiến trình tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia thông báo sẽ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho người nước ngoài sinh sống tại Campuchia trên cơ sở tự nguyện. Campuchia thông báo cho tất cả các đại sứ quán và cơ quan ngoại giao nước ngoài tại nước này cung cấp danh sách công dân mỗi nước đang sinh sống tại Campuchia. Danh sách này gồm đầy đủ họ tên, tuổi, số hộ chiếu, nghề nghiệp và nơi thường trú tại Campuchia. Trước đó, ngày 29/3, trong một thông điệp trên Facebook cá nhân, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã khẳng định mục tiêu tiêm chủng cho 1 triệu người tại Campuchia mỗi tháng.
Israel cũng đã “bật đèn xanh” cho một chiến dịch quốc tế nhằm tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho khoảng 7.000 thương nhân Palestine tại Dải Gaza thường xuyên qua lại biên giới với Israel và qua Bờ Tây. Chiến dịch này nhận được sự ủng hộ của cả hai phía Israel và Hamas.
Trong khi đó, Bộ Y tế Israel đã xác nhận sự tồn tại một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ nước này, nhưng cho rằng biến thể không quá nguy hiểm. Biến thể có tên gọi P681H này xuất hiện tại Israel từ tháng 7/2020, nhưng gần đây mới được lập hồ sơ và đến nay đã có 181 trường hợp được phát hiện lây nhiễm tại nhiều khu vực khác nhau của Israel. Ở nước ngoài, biến thể này đã lan tới Nigeria và Hawaii./.
Ý kiến ()