Gần 10 triệu trẻ em có thể không bao giờ quay lại trường học
Theo Tổ chức Bảo vệ trẻ em, việc cắt giảm mạnh ngân sách dành cho giáo dục và tình trạng nghèo khổ gia tăng do đại dịch Covid-19 có thể khiến thế giới cuối năm nay sẽ chứng kiến ít nhất 9,7 triệu trẻ em phải nghỉ học.
Tổ chức Bảo vệ trẻ em dẫn số liệu của UNESCO cho biết, tháng 4-2020, có khoảng 1,6 triệu học sinh, sinh viên, tương đương 90% số học sinh, sinh viên trên thế giới phải nghỉ học do trường học đóng cửa để ngăn ngừa dịch bệnh.
Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, 258 triệu trẻ em và thanh niên trên toàn cầu đã không thể đến trường. Hiện nay, có hơn một tỷ trẻ em không được đến trường do đại dịch. Báo cáo nêu lên thực trạng trẻ em tại 12 quốc gia, chủ yếu tại Tây Phi và Trung Phi, đang đứng trước nguy cơ rất cao không thể đi học sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, đặc biệt là các em gái.
Chủ tịch và Giám đốc điều hành Tổ chức Bảo vệ trẻ em Janti Soeripto cảnh báo: “Khoảng 10 triệu trẻ em có thể không bao giờ quay lại trường học, đây là tình trạng giáo dục khẩn cấp chưa từng có và các chính phủ phải khẩn trương đầu tư vào giáo dục”.
Trong báo cáo công bố ngày 12-7, Tổ chức Bảo vệ trẻ em cho rằng, các em gái có nguy cơ chịu tác động xấu hơn các em trai, trong đó có nhiều em gái bị ép phải kết hôn sớm. Do tác động của cuộc suy thoái mà đại dịch Covid-19 gây ra, nhiều trẻ em có thể phải bỏ học và tham gia các thị trường lao động để giúp đỡ gia đình.
Tổ chức Bảo vệ trẻ em phân tích, trường học đóng cửa khiến nhiều trẻ em không chỉ mất cơ hội học tập mà còn mất đi nơi an toàn để vui chơi cùng bạn bè, được ăn uống và tiếp cận các dịch vụ y tế. Thầy cô giáo thường là những người có phản ứng đầu tiên và bảo vệ các em trước nguy cơ bị bạo hành tại chính ngôi nhà của mình.
Trong kịch bản ngân sách tầm trung, Tổ chức Bảo vệ trẻ em ước tính, cuộc suy thoái sẽ khiến khoản chi tiêu cho giáo dục tại một số nước nghèo nhất trên thế giới thâm hụt 77 tỷ USD trong 18 tháng tới. Trong kịch bản xấu nhất, khi chính phủ các nước chuyển nguồn lực từ giáo dục sang các khu vực khác để ứng phó Covid-19, con số này sẽ lên tới 192 tỷ USD vào cuối năm 2021.
“Nếu chúng ta để cuộc khủng hoảng giáo dục này kéo dài, tương lai của trẻ em sẽ bị ảnh hưởng lâu dài. Mục tiêu thế giới đặt ra nhằm bảo đảm mọi trẻ em trên toàn cầu có thể tiếp cận giáo dục chất lượng vào năm 2030 sẽ bị lùi lại thêm nhiều năm”, ông Soeripto lưu ý.
Do đó, Tổ chức Bảo vệ trẻ em kêu gọi các chính phủ và nhà hảo tâm ứng phó với tình trạng giáo dục khẩn cấp toàn cầu bằng cách khẩn trương đầu tư vào giáo dục khi trường học bắt đầu hoạt động trở lại sau một vài tháng đóng cửa. Tổ chức Bảo vệ trẻ em cũng hối thúc các chủ nợ giãn nợ cho các nước có thu nhập thấp, động thái này có thể giúp giải ngân 14 tỷ USD để đầu tư vào giáo dục.
Theo tổ chức có trụ sở tại Anh này, các chính phủ nên sử dụng ngân sách để bảo đảm trẻ em được tiếp cận phương pháp học từ xa khi các biện pháp khống chế đại dịch vẫn có hiệu lực, đồng thời để hỗ trợ những trẻ em đang bị tụt lại phía sau.
Ý kiến ()