Gam màu tươi sáng ở châu Âu
Trong bối cảnh các biến thể của virus SARS-CoV-2: Delta, Omicron và Omicron “tàng hình” phủ bóng toàn thế giới, bức tranh tổng thể châu Âu vẫn ghi nhận gam màu tươi sáng trong nỗ lực giảm tỷ lệ thất nghiệp, khôi phục đà tăng trưởng kinh tế.
Theo thống kê mới nhất, tỷ lệ thất nghiệp tại Liên minh châu Âu (EU) đã giảm xuống mức thấp kỷ lục, từ 7,4% trong tháng 7/2021 và 7,3% của tháng 10/2021 xuống ngưỡng 7,2% trong những ngày đầu năm 2022. Đây là một minh chứng rõ ràng về nỗ lực của châu Âu trong thực hiện nhiệm vụ kép, vừa đối phó dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, vừa lo khôi phục đà tăng trưởng kinh tế. Những gam màu tươi sáng hiếm hoi trong bức tranh kinh tế châu Âu giúp người dân EU vơi bớt lo âu do đại dịch Covid-19 vẫn hoành hành tại “lục địa già”. Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), tháng 12/2021, khoảng 13,6 triệu người không có việc làm ở EU, trong đó có 11,5 triệu người ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) chỉ trông chờ vào khoản trợ cấp thất nghiệp của chính phủ. Tuy nhiên, đây cũng là chỉ số tích cực so với gần 440 triệu dân của EU.
Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của EU Paolo Gentiloni (P.Gien-ti-lô-ni) đánh giá, đây là một bằng chứng cho thấy EU đã thành công trong việc đoàn kết ứng phó dịch bệnh và khôi phục đà tăng trưởng của kinh tế. Bức tranh tích cực về thị trường lao động cho thấy sự khác biệt rõ rệt so với cuộc khủng hoảng nợ của Eurozone, trong đó EU đã phải nỗ lực trong nhiều năm để đưa tỷ lệ thất nghiệp xuống mức trước khủng hoảng. Giới chức EU cho rằng, khác biệt này là do sự thay đổi căn bản trong cách tiếp cận dịch bệnh, với việc các nước thành viên cùng nhất trí thúc đẩy gói chi tiêu chưa từng có tiền lệ, thay vì biện pháp an toàn là “thắt lưng buộc bụng”. Tỷ lệ thất nghiệp giảm, số người tìm được việc làm tăng cao vẫn tiếp diễn bất chấp làn sóng lây nhiễm từ các biến thể Delta, Omicron và Omicron “tàng hình” bùng phát tại các nước Tây Âu như Đức, Pháp, Bỉ, Hà Lan… Điều này cho thấy những biện pháp khôi phục sản xuất, kinh doanh trong đại dịch của các nước EU đang phát huy hiệu quả.
Sự phục hồi ấn tượng nhất là ở Pháp với mức tăng trưởng 6,6% năm 2021, trong khi Italia ghi nhận mức tăng trưởng 6,2% năm 2021. Đức, nền kinh tế đầu tàu châu Âu, chỉ đạt mức tăng 2,7% năm 2021, nhưng được dự báo tăng trưởng 4,6% năm 2022. Sau khi “ngôi nhà chung” EU chứng kiến mức giảm GDP lịch sử năm 2020 (âm 6,6% trong Eurozone), nền kinh tế châu Âu đã tăng trưởng trở lại nhờ những biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả. Ông Gentiloni cho biết, sẽ bơm 215 tỷ euro (tương đương 1,5% GDP của EU) cho khối này có đủ nguồn lực kích thích đà tăng trưởng kinh tế đến năm 2023, dù dịch bệnh cũng đã ít nhiều làm đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất. Việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế được tính toán sẽ giúp giảm thâm hụt GDP của Eurozone năm 2022 xuống 3,9%, so với mức cao 7,1% của năm 2021. Tuy nhiên, tốc độ phục hồi kinh tế giữa các nước thành viên EU vẫn khá chênh lệch, trong đó tỷ lệ thâm hụt của Pháp dự kiến 5,3% năm 2022 và 5,8% ở Italia, vẫn còn cao so với ngưỡng 3% theo quy định của EU. Nợ công dự kiến sẽ giảm nhẹ, xuống 97% GDP trong năm 2022, sau khi đạt ngưỡng tượng trưng 100% năm 2021. Dư nợ của Đức được giới hạn ở mức 69,2% năm 2022, trong khi con số này là 113,7% ở Pháp và 151,4% ở Italia.
Khi thế giới vẫn đang loay hoay đối phó các biến thể mới đầy nguy hiểm của vi-rút SARS-CoV-2, các nước thành viên EU dường như đã tìm được đáp án cho “bài toán khó” là vừa thích nghi với dịch bệnh, vừa khôi phục đà tăng trưởng kinh tế. Mảng màu tươi sáng của châu Âu đóng góp tích cực vào bức tranh tổng thể của nền kinh tế thế giới vốn khá ảm đạm trong dịch bệnh.
Ý kiến ()