Gam màu tối cho bức tranh về người tị nạn Nam Sudan ở Uganda
Các cuộc bạo lực bùng phát trong hơn một tháng trở lại đây ở Nam Sudan đã khiến làn sóng người dân nước này sang tị nạn ở các quốc gia láng giềng trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Bức tranh về cuộc sống của họ ở các nước sở tại, trong đó có Uganda thật ảm đạm và tăm tối…
Những cái tên xa lạ
Halima, 22 tuổi, đến từ ngôi làng Yei của Nam Sudan. Nhưng giờ đây, Yei chỉ còn là một cái tên và là ước mơ xa vời của Halima và 4 đứa con của chị khi mẹ con chị phải chạy khỏi ngôi làng sang tị nạn tại Uganda. “Bidi Bidi” sẽ là cái tên về nơi ở mới của chị, bên cạnh đó, chị còn phải làm quen với những cái tên mới, những người hàng xóm mới và một cuộc sống mới ở cách xa nơi chị đã sinh ra và lớn lên. Chồng của chị sẽ không ở đây với chị, bởi anh đã bị bắn chết cách đây 2 tuần, khi làng của chị bị tấn công.
Chị Halima buồn bã kể lại rằng: “Khi tôi nhận ra rằng chồng mình đã bị bắn chết, tôi đã mang theo bọn trẻ và chạy trốn qua biên giới để vào Uganda”. Chị cho biết, hành trình mẹ con chị sang được Uganda quả là một hành trình gian khổ để tìm kiếm sự an toàn. “Chúng tôi đã băng qua những cánh rừng và cuối cùng cũng đến được Uganda”, chị nói.
Cuộc sống của Halima đã đột ngột thay đổi sau biến cố đó. 4 đứa con của chị, những đứa trẻ vô tội sẽ phải làm quen với một môi trường hoàn toàn mới, làm quen những người bạn mới, học ngôn ngữ mới và chơi những trò chơi mới. Bản thân chị sẽ không còn chồng là người bạn đồng hành để nuôi dạy các con. Và đột nhiên, chị trở thành một người tị nạn, một người nước ngoài đến sinh sống ở Uganda.
Hàng xóm của Halima cũng là những người mới đến Bidi Bidi. Họ đến từ các địa phương khác nhau của Nam Sudan để chạy trốn khỏi bối cảnh bạo lực đang diễn ra ở đất nước. Với Halima, mặc dù đã được an toàn, nhưng ngôi nhà chung “Bidi Bidi” không giống như ngôi làng Yei của chị. Bidi Bidi là một trại tị nạn. Tại đây, Halima không có cây trồng, cũng chẳng có vật nuôi . Cũng như những người tị nạn khác, Halima không biết rằng liệu bữa ăn sắp tới của chị sẽ đến từ đâu và khi nào sẽ có.
Tiếng khóc từ những đứa trẻ bị suy dinh dưỡng
Bất kỳ khi nào bạn đến trại tị nạn Bidi Bidi ở huyện Yumbe, cách thủ đô Kampala của Uganda khoảng 525 km, bạn đều có thể thấy những bà mẹ “như muốn phát điên” giống như Grace Tazee – người đang cố gắng một cách tuyệt vọng để cứu những đứa con của mình thoát khỏi tình trạng suy dinh dưỡng.
Tazee, 26 tuổi, cũng như nhiều người tị nạn Nam Sudan khác đã đến miền bắc Uganda để tìm kiếm sự an toàn. Đứa con gái nhỏ của chị đang bị đói, khóc lóc không ngừng, và tình trạng này đã kéo dài trong hai ngày nay.
Tại trung tâm y tế Bidi Bidi, có 683 trẻ được xác nhận bị suy dinh dưỡng. Trong số này, có 23 em bị suy dinh dưỡng nặng, trong đó có con gái của chị Tazee.
Trả lời Hãng thông tấn Anadolu thông qua một phiên dịch viên, chị Tazee cho biết: “Làm sao tôi có thể lấy cháo đặc khi mà con tôi không thể ăn bất kỳ thứ gì? Tôi cần sữa và nếu ở đó không có sữa, thì cần có bột dành cho trẻ em”.
Do điều kiện vệ sinh yếu kém tại trại tị nạn và nguồn nước sạch không đầy đủ, các nhân viên y tế tại trại Bidi Bidi đã đề nghị tất cả các bà mẹ có trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi không sử dụng hình thức bú bình cho trẻ em.
Một nhân viên y tế có tên Boona Rachel đã yêu cầu Tazee sử dụng cốc và thìa để thay thế bình. Nhân viên này cho rằng, đứa trẻ có thể bị tiêu chảy nếu không được chăm sóc hợp vệ sinh. Hiện tại, đứa trẻ chỉ khóc vì đói, nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu đứa trẻ bị tiêu chảy?
Theo các nhân viên y tế, loại bột cháo được cung cấp cho trẻ là những thực phẩm bổ sung cho trẻ trên 6 tháng tuổi, trong khi con của chị Tazee mới chỉ 2,5 tháng tuổi. “Tôi sẽ không lấy cháo này, trừ khi có một cái gì đó dành cho con của tôi”, chị Tazee khóc lóc trong tuyệt vọng.
Tại trung tâm y tế của trại tị nạn, nhiều bà mẹ khác cũng đang túc trực bên cạnh giường những đứa trẻ của họ trong khi các nhân viên y tế đang nỗ lực kiểm tra và điều trị suy dinh dưỡng cho trẻ.
Tại một giường bệnh, bà Eva Juma (59 tuổi) đang nỗ lực để giành giật sự sống cho hai đứa cháu sinh đôi mới được đôi ba tuần tuổi. Con gái bà đã tử vong sau khi sinh, trong khi hai đứa trẻ phải đối mặt với tình trạng suy dinh dưỡng.
Hai bé sinh đôi nặng chỉ 1,7 và 1,8 kg, trong khi cân nặng tiêu chuẩn cho một đứa trẻ ở độ tuổi tương đương là 2,5 kg. Một trong hai bé hiện đang bị tiêu chảy. Bà Eva Juma lo ngại rằng, bệnh tiêu chảy rất có thể sẽ lây sang bé còn lại và lây sang cả bà, và như vậy sẽ không có ai để chăm sóc các cháu.
Những nỗ lực vẫn còn là chưa đủ
Đối với những người mới đến trại tị nạn, nhu cầu của họ là thực sự khẩn cấp. Sau một chuyến đi dài, mệt mỏi băng qua biên giới, họ lâm vào tình cảnh đói khát. Tại một điểm biên giới giữa Uganda và Nam Sudan là Oraba, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) đã cung cấp bánh quy giàu năng lượng cho những người mới đến, trước khi họ được chuyển đến các điểm trung tâm quá cảnh hoặc các trại tị nạn như Bidi Bidi.
Nguồn kinh phí để duy trì các hoạt động nhân đạo là điều rất cần thiết giúp đảm bảo cuộc sống của người tị nạn Nam Sudan ở Uganda (Ảnh: WFP)
Giám đốc Chương trình Lương thực thế giới (WFP) tại Uganda Mike Sackett cho biết, Uganda hiện đang tiếp nhận một số lượng lớn người tị nạn, khoảng nửa triệu người. “Họ đến từ Burundi, Cộng hòa Dân chủ Congo và đặc biệt là từ Nam Sudan – những nơi bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi xung đột từ cuối năm 2013, nhất là trong tháng trước”, ông nói.
Các vụ đụng độ gần đây đã khiến khoảng 75.000 người phải chạy trốn sang Uganda và WFP đang cung cấp các khẩu phần ăn cho họ, ông Mike Sackett cho biết. Như vậy, tính đến nay, WFP đang hỗ trợ lương thực cho khoảng 80.000 người tị nạn Nam Sudan – những người đã đến miền bắc Uganda sau khi xảy ra xung đột.
Tuy vậy, các tổ chức nhân đạo như WFP hiện đang phải vật lộn với vấn đề tài chính để có thể tăng cường hỗ trợ cho người tị nạn Nam Sudan. WFP ước tính cần có 7 triệu USD mỗi tháng để duy trì các hoạt động nhân đạo. Trong năm nay, tổ chức này đã nhận được các đóng góp từ Canada, Ủy ban châu Âu, Ireland, Nhật Bản, Anh, Mỹ và một số nhà tài trợ khác.
Trong khi đó, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) Filippo Grandi sau chuyến thăm và làm việc tại Uganda vào cuối tháng 8 vừa qua đã bày tỏ nhiều quan ngại về tình trạng quá tải người tị nạn Nam Sudan. Ông nhấn mạnh rằng, tình trạng quá tải có thể tạo ra môi trường cho sự lây lan và dịch bệnh. Và trong khi người dân cần phải có nguồn lương thực để tránh bị suy dinh dưỡng thì nguồn kinh phí lại đang bị thiếu hụt. Ông Filippo Grandi cho biết, đến nay, UNHCR đã nhận được 122 triệu USD, chỉ chiếm 20% trong tổng số 608,8 triệu USD cần thiết cho người tị nạn Nam Sudan tại 6 nước tiếp nhận họ.
Thực tế cho thấy, các tổ chức nhân đạo và cộng đồng quốc tế đã có nhiều hỗ trợ để giúp Nam Sudan vượt qua giai đoạn khó khăn sau hơn 5 năm giành độc lập (tháng 7/2011). Tuy nhiên, những nỗ lực này vẫn còn là chưa đủ trước quy mô ngày càng mở rộng của cuộc khủng hoảng nhân đạo tại quốc gia trẻ nhất thế giới này./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()