Gạch không nung bị “đè bẹp” ở Bắc Cạn
Dù tỉnh Bắc Cạn đã ban hành lệnh cấm hoạt động, nhưng không có sự kiểm tra, giám sát nên lò gạch thủ công vẫn tồn tại bình thường. Ngược lại, đã có đơn vị đầu tư sản xuất gạch không nung, nhưng lại thiếu cơ chế khuyến khích sử dụng nên không có “chỗ đứng” trên thị trường.
Lò gạch thủ công “vô tư” nhả khói
Tuyến đường từ trung tâm phường Huyền Tụng, TP Bắc Cạn vào thôn Phiêng My dài gần mười km, từ lâu đã bị ô-tô chở than đốt lò, chở gạch từ Phiêng My đi tiêu thụ “cày nát”. Trên tuyến đường này, nhiều đoạn đã được nhà nước và nhân dân đóng góp đổ bê-tông để đi lại thuận lợi, nhưng đã bị bong tróc, nứt, vỡ, hư hỏng nặng.
Phiêng My vốn là một thôn thanh bình, yên ả bên bờ sông Cầu, nhưng những năm gần đây, cuộc sống của nhân dân bị xáo trộn bởi hàng chục lò gạch thủ công lớn như những lô cốt ngày đêm nhả khói. Các chủ lò gạch chủ yếu là người ở dưới xuôi, lên Phiêng My mua đất đồi và đào bới vô tội vạ để làm gạch, đốt lò nung gạch bằng than, lò nọ nối tiếp lò kia nhả khói khét lẹt.
Bà Hà Thị Chương, 67 tuổi, ở thôn Phiêng My bức xúc: “Những lò gạch tại đây hoạt động quanh năm suốt tháng. Lúc nào trong không khí cũng vảng vất mùi khói than, những hôm oi nóng thì mùi than như quánh lại, nước mắt nước mũi chảy dài vì khói, rất khó thở. Nhiều người trong thôn muốn chuyển đi nơi khác sinh sống vì khói lò gạch suốt ngày hoành hành”. Người dân thôn Phiêng My cho biết, khói lò gạch làm cây ăn quả trong thôn không đậu quả, lúa và hoa màu năng suất thấp.
Tương tự như vậy, nhiều người ở dưới xuôi lên mua đất, thuê mặt bằng đóng gạch thủ công, đốt lò ngay tại thôn Khuổi Mật, phường Huyền Tụng. Ở đây, nhiều lò gạch ngay sát nhà dân, lúc nào cũng có hai, ba lò “nhả” khói, nhân dân trong thôn luôn phải sống trong môi trường bị ô nhiễm mà không có cách nào xóa bỏ.
Ngày 25-5-2012, UBND tỉnh Bắc Cạn đã ban hành Quyết định 817/2012/QĐ-UBND quy định lộ trình xóa bỏ các lò gạch thủ công, nêu rõ: Lò gạch thủ công chỉ được hoạt động từ tháng mười năm trước đến tháng ba năm sau (những tháng không cấy lúa); từ ngày 1-1-2015 cấm triệt để nung đốt gạch thủ công trong khu vực canh tác nông nghiệp, khu vực đông dân cư; từ năm 2018 cấm đốt gạch thủ công trên địa bàn.
UBND tỉnh Bắc Cạn quy định rất rõ, cụ thể như thế, nhưng thời gian qua không có cấp, ngành chức năng nào kiểm tra, giám sát, xử lý các lò gạch thủ công trên địa bàn hoạt động trái quy định, nên nó vẫn vô tư nhả khói trước sự bất bình của nhân dân. Giám đốc Sở Công thương Hoàng Hà Bắc cho biết: “Sản xuất gạch thủ công ảnh hưởng đến môi trường, hạ tầng ở nông thôn, nhà nước không thu được khoản thuế, phí nào”.
Gạch không nung chưa có chỗ đứng
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn đã sản xuất gạch bê-tông, nhưng tiêu thụ rất chậm. Cụ thể là, Công ty cổ phần Hồng Hà sản xuất gạch bê-tông, công suất bảy triệu viên/năm, mỗi năm chỉ tiêu thụ được ba triệu viên.
Giám định của Sở Xây dựng Bắc Cạn khẳng định: Gạch bê- tông đạt và vượt các tiêu chuẩn về chịu lực, kết cấu, độ bền, đáp ứng các yêu cầu xây dựng các công trình công cộng, công trình dân dụng. Trung tâm Kiểm định xây dựng Lào Cai cấp Giấy chứng nhận gạch bê-tông do Công ty cổ phần Hồng Hà sản xuất “phù hợp tiêu chuẩn kỹ thuật”. Tuy vậy, gạch bê-tông chưa được sử dụng rộng rãi là do từ trước đến nay nhân dân đã quen với gạch nung thủ công.
Tiến tới xóa bỏ các lò gạch thủ công nhằm khắc phục những tác động tiêu cực đối với sản xuất và đời sống của nhân dân, tỉnh Bắc Cạn cần kiên quyết chỉ đạo thực hiện lộ trình đã đề ra, đồng thời hỗ trợ các cơ sở sản xuất gạch thủ công chuyển sang sản xuất gạch không nung. Tuyên truyền chất lượng, sự ưu việt của gạch không nung để nhân dân nhận biết, thay thế gạch thủ công khi xây dựng công trình dân dụng; các hoạt động xây dựng dùng vốn ngân sách nhà nước sử dụng gạch không nung.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()