Ga Đồng Đăng bao giờ hiện đại hóa
LSO-Là ga liên vận Quốc tế có nhiệm vụ chuyên chở khách, hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước Việt- Trung và các nước khác, thế nhưng hàng chục năm qua, hóa trường Ga Quốc tế Đường sắt Đồng Đăng vẫn chưa được nâng cấp. Điều đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường sắt.
Cổng vào hóa trường Ga Đường sắt Quốc tế Đồng Đăng |
Tại buổi tiếp xúc đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh và doanh nghiệp xuất nhập khẩu đầu năm, ông Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty FOCOCEV Sài Gòn bộc bạch: do hóa trường Ga Đường sắt Quốc tế Đồng Đăng quá nhỏ hẹp nên hàng hóa thông quan rất chậm, tăng chi phí. Nhiều doanh nghiệp đành phải thực hiện sang hàng, kiểm hóa tại các ga nội địa. Vì vậy tỉnh mất đi một nguồn thu không nhỏ. Lần theo kiến nghị của doanh nghiệp, chúng tôi có mặt tại Ga Đồng Đăng sau những trận nồm ẩm vừa kết thúc.
Cách thị trấn Đồng Đăng chưa đầy cây số mà con đường vào ga như lối vào một xã vùng 3 xa xôi. Toàn bộ con đường nhỏ hẹp, hai vệt bánh xe sâu đến vài chục phân khiến các xe nhỏ qua lại phải lách, bò. Trên đường là những vũng lầy lép nhép. Nếu xe chở nặng rất khó lấy đà để vượt qua ổ gà ổ voi nhung nhúc trên đường. Đã thế con đường lại hình thành một góc rất hẹp với quốc lộ 4A. Thế nên xe đi từ Lạng Sơn vào lấy hàng cứ phải đi qua đoạn rẽ, vào thị trấn Đồng Đăng rồi mới quay đầu để xuôi vào hóa trường. Việc chở hàng ra cũng vậy.
Anh Nguyễn Bá Nhã, lái xe Tổng cục Hậu cần Bộ Quốc phòng tâm sự, mỗi lần vào hóa trường ga chở hàng là anh em lái xe lại một lần run, thứ nhất xe chạy trên quốc lộ 4A tốc độ rất cao, thứ 2 đường hẹp gặp xe tránh nhau là phải bò từng mét, vòng đi vòng lại có khi mất cả nửa tiếng đồng hồ. Đường thì là vậy còn hóa trường ga vẫn mang tính “công trường thủ công” toàn bộ bốc xếp, dỡ hàng hóa chủ yếu trông vào sức người. Khi có lô hàng nặng hầu như cẩu trọng tải lớn rất khó tiếp cận. Toàn bộ vẫn là nền bùn đất. Với các hàng đặc chủng cần ổn định trong xếp dỡ thì việc bốc, sang xe là cực kỳ khó khăn. Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Thiện, cán bộ hóa vận Ga Đường sắt Quốc tế Đồng Đăng đã 31 năm tuổi nghề cho biết: thời điểm nhiều hàng có khi lên đến gần 1.000 tấn hàng mỗi tháng. Thế nhưng bao nhiêu năm nay rồi đoạn đường vào ga vẫn chưa được đầu tư nâng cấp. Việc đó đã gây cản trở cho xuất nhập khẩu hàng hóa bằng đường sắt.
Theo quan sát của chúng tôi, cơ sở vật chất của hóa trường đã được đầu tư từ rất lâu, vào những năm 90 của thế kỷ trước. Hầu hết các công trình công cộng như nhà làm việc, kho ngoại quan đều đã xuống cấp nghiêm trọng. Cũng theo anh Thiện, nhiều khi kho chứa các loại hàng rất dễ xảy ra cháy nổ, những lúc như vậy anh em làm việc tại hóa trường vừa lo, vừa sợ. Bến bãi hóa trường chật hẹp, đường xuống cấp, dễ mất an toàn, đấy chính là lý do nhiều chuyến hàng chủ hàng chuyển về xếp dỡ tại Ga Yên Viên. Như vậy nhà ga, tỉnh mất đi một nguồn thu đáng kể. Và quan trọng hơn là không kiểm soát được hàng hóa ra vào biên giới.
Nhớ có lần trao đổi với chúng tôi, kỹ sư Vũ Kim Ngân, Trưởng Ga Đường sắt Quốc tế Đồng Đăng cho biết: hiện nay hóa trường Ga Đồng Đăng rất chật hẹp, vì thế ga mất đi nhiều lợi thế vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu. Để khắc phục, trước mắt cần nâng cấp con đường bởi đường vào không chỉ phục vụ vận tải hàng hóa mà còn là đường dân sinh phục vụ nhân dân.
Vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt qua ga Đồng Đăng ngày càng nhiều |
Theo chúng tôi được biết các công trình thuộc phạm vi ngành đường sắt quản lý chủ yếu do ngành đầu tư. Thế nhưng với hóa trường Ga Đồng Đăng, đặc biệt là đường vào hóa trường thì không nhất thiết phải đợi ngành đầu tư. Chủ đầu tư rất có thể là Ban Quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn, hoặc xã hội hóa với các doanh nghiệp thường xuyên vận chuyển hàng hóa qua ga. Có như thế mới phát huy được lợi thế của kinh tế cửa khẩu vốn là thế mạnh của Lạng Sơn.
ĐÔNG BẮC - NHƯ TRANG
Ý kiến ()