Chỉ họp vỏn vẹn trong hai ngày, nhưng G8 đã thảo luận hàng loạt thách thức khu vực và toàn cầu, đặc biệt là vấn đề an ninh năng lượng, tình hình bất ổn ở khu vực Trung Đông – Bắc Phi và thực trạng kinh tế thế giới.
Vấn đề an ninh năng lượng được đặt lên hàng đầu trong chương trình nghị sự đồ sộ của Hội nghị G8, trong bối cảnh Nhật Bản đang nỗ lực khắc phục hậu quả thảm họa động đất, sóng thần và hạt nhân. Các nhà lãnh đạo G8 nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề an toàn hạt nhân, sau sự cố hạt nhân ở Nhật Bản, đồng thời cam kết sát cánh với Nhật Bản để tái thiết đất nước. G8 đề nghị tăng cường vai trò của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) trong việc nâng cấp các tiêu chuẩn an toàn hạt nhân, kêu gọi tiến hành đánh giá định kỳ về an toàn hạt nhân ở các nước có cơ sở hạt nhân; chỉ trích các chương trình phát triển hạt nhân của Triều Tiên và I-ran.
Do tình hình bất ổn ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi là một trong những tâm điểm của hội nghị, nên ngoài các nhà lãnh đạo G8, còn có lãnh đạo một số nước A-rập và châu Phi được mời tham dự. Nhằm bày tỏ sự ủng hộ đối với các nước A-rập, hội nghị công bố gói cứu trợ trị giá 40 tỷ USD dành cho Ai Cập và
Tuy-ni-di, trong đó các ngân hàng phát triển quốc tế đóng góp 20 tỷ USD, các nước vùng Vịnh mười tỷ USD và các tổ chức quyên góp đa phương thuộc G8 mười tỷ USD. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tuyên bố sẵn sàng dành khoản cho vay trị giá 35 tỷ USD cho các nước nhập khẩu dầu mỏ ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi. Các lãnh đạo G8 thông qua quyết định khởi động chương trình 'Đối tác Đô-vin' mới, nhằm mở rộng các mối quan hệ chính trị và kinh tế với khu vực Bắc Phi và Trung Đông; kêu gọi mở rộng hoạt động của Ngân hàng Phát triển và Tái thiết châu Âu đến các nước ở Nam Địa Trung Hải. Hội nghị G8 kêu gọi Li-bi chấm dứt sử dụng vũ lực nhằm vào dân thường và yêu cầu Tổng thống M.Ca-đa-phi từ chức; hối thúc Li-bi tìm giải pháp chính trị dựa trên ý nguyện của người dân cho cuộc xung đột ở nước này. Đây là diễn biến không nằm ngoài dự đoán của giới phân tích, bởi vì hai nước trong Nhóm G8 là Anh và Pháp, nước chủ nhà của hội nghị, là các nước đi đầu và sốt sắng nhất trong chiến dịch không kích vào lãnh thổ Li-bi. Ngay sau khi Nga thay đổi quan điểm về vấn đề Li-bi, bằng tuyên bố của Tổng thống Đ.Mét-vê-đép kêu gọi nhà lãnh đạo Ca-đa-phi từ chức, trong cuộc hội đàm song phương theo hình thức 'một-một' bên lề hội nghị với ông Mét-vê-đép, Tổng thống Pháp N.Xác-cô-di, Thủ tướng Anh Đ.Ca-mê-rôn và Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma đã đề nghị Nga làm trung gian hòa giải cho cuộc xung đột ở Li-bi. Nga đã chấp nhận đề nghị này, sau khi nhận được lời kêu gọi tương tự từ phía chính quyền Li-bi. Tuy nhiên, Anh tuyên bố sẽ thay đổi chiến thuật quân sự trong cuộc chiến ở Li-bi, bằng cách triển khai máy bay lên thẳng tiến công Apache, nhằm gia tăng sức ép buộc Tổng thống Ca-đa-phi từ chức.
Bên lề hội nghị, đã diễn ra một loạt các cuộc gặp song phương giữa các nhà lãnh đạo G8, trong đó nổi bật là hội đàm giữa Tổng thống Nga Mét-vê-đép với những người đồng cấp Ô-ba-ma của Mỹ, Xác-cô-di của Pháp và Thủ tướng Anh Ca-mê-rôn, Tổng thống Mỹ Ô-ba-ma với Thủ tướng Nhật Bản N.Can. Các cuộc hội đàm đề cập các vấn đề song phương, như sự cố hạt nhân ở Nhật Bản, giải pháp hòa bình cho vấn đề tranh chấp liên quan khu vực Na-go-rơ-nưi Ca-ra-bắc của người sắc tộc Ác-mê-ni-a tại A-déc-bai-gian, việc di dời căn cứ quân sự Mỹ tại đảo Ô-ki-na-oa của Nhật Bản, Nga mua tàu chiến của Pháp… Trong tuyên bố kết thúc Hội nghị, các nhà lãnh đạo G8 cho rằng, nền kinh tế thế giới đang đà phục hồi và vững chắc hơn, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, trong đó nổi lên cuộc khủng hoảng nợ công ở các nước Liên hiệp châu Âu (EU). Về vấn đề mạng lưới truyền thông toàn cầu in-tơ-nét, các nhà lãnh đạo G8 đã bàn vấn đề chủ nghĩa khủng bố mạng và bảo vệ dữ liệu cá nhân. Không phải ngẫu nhiên mà trước thềm Hội nghị, theo sáng kiến của Tổng thống Xác-cô-di, Pháp đã tổ chức Diễn đàn in-tơ-nét quốc tế, nhằm tìm biện pháp đối phó khủng bố mạng và nâng cao an ninh mạng.
Trong khi đó, các cuộc biểu tình phản đối mặt trái toàn cầu hóa diễn ra rầm rộ bên ngoài hội nghị. Hàng nghìn người tập trung biểu tình gần thành phố Đô-vin, giương cao các biểu ngữ và hô vang các khẩu hiệu phản đối mặt trái của toàn cầu hóa. Họ kêu gọi các nhà lãnh đạo G8 đưa ra các biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy nền kinh tế thế giới tăng trưởng bền vững, nâng cao đời sống của người dân, tạo nhiều việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, hơn là chỉ thảo luận các vấn đề 'xa xôi'. Các cuộc biểu tình diễn ra trong bối cảnh Chính phủ Pháp huy động 12 nghìn cảnh sát và binh sĩ để bảo đảm an ninh cho hội nghị.
Ý kiến ()