G7 trước áp lực bảo đảm an ninh lương thực
Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đang chịu áp lực lớn để thực hiện cam kết tăng cường nỗ lực phòng, chống suy dinh dưỡng trên toàn cầu trong bối cảnh nạn đói ngày càng gia tăng, khi các đợt nắng nóng khắc nghiệt lan rộng và căng thẳng địa chính trị gây rủi ro về nguồn cung thực phẩm.
Theo South China Morning Post, các nhà quan sát cho biết, những đợt nắng nóng ở nhiều khu vực châu Á kể từ đầu mùa hè với nhiệt độ lên tới 50 độ C, gây ra các ca tử vong và làm ảnh hưởng tới sản lượng cây trồng. “Có thể dự đoán rằng giá lương thực trên toàn cầu sẽ vẫn ở mức cao. Lạm phát lương thực đã ảnh hưởng nặng nề đến một số quốc gia có thu nhập thấp. Vào thời điểm nạn đói trầm trọng đang gia tăng, các quốc gia giàu trên thế giới cần có hành động mạnh mẽ và triệt để hơn”, bà Hanna Saarinen, Trưởng nhóm Chính sách lương thực của tổ chức chống đói nghèo Oxfam International nhấn mạnh. Bà Saarinen lưu ý, trong khi lạm phát lương thực đặc biệt cao ở các nước châu Phi như Zimbabwe và Nigeria thì tình trạng này cũng ảnh hưởng đến một số quốc gia châu Á như Bangladesh và Indonesia.
Tại hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra ở Italy vào giữa tháng 6 vừa qua, các nhà lãnh đạo của khối đã cam kết tăng cường nỗ lực phòng, chống suy dinh dưỡng trên toàn cầu. Với việc đưa ra Sáng kiến hệ thống thực phẩm G7 Apulia (AFSI), G7 mong muốn xóa bỏ những rào cản “mang tính cấu trúc” đối với an ninh lương thực và dinh dưỡng. Được đặt theo tên vùng miền Nam Italy, nơi đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh G7, sáng kiến này sẽ tập trung vào các quốc gia có thu nhập thấp và hỗ trợ những dự án ở châu Phi. Các nước G7 cũng cam kết hợp tác để “cải thiện không gian tài chính cho an ninh lương thực”, bao gồm việc giảm chi phí vay cho các nước nghèo thông qua những cơ chế như hoán đổi nợ.
Sản lượng lương thực có thể tiếp tục giảm trong những tuần tới do nhiệt độ nắng nóng kỷ lục đã làm trì hoãn việc trồng trọt, gây thiệt hại cho năng suất cây trồng ở các vùng đất nông nghiệp rộng lớn như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và một số vùng của Mỹ trong năm nay. Nhiều khu vực cũng đang có lượng mưa dưới mức bình thường. Bên cạnh đó, những căng thẳng địa chính trị như cuộc xung đột ở Ukraine khiến việc cung cấp ngũ cốc từ một trong những khu vực có năng suất cao nhất trở nên khó khăn. Những vấn đề về nguồn cung đang trở nên trầm trọng hơn bởi các công ty hám lợi nhuận. Việc các công ty lớn kiểm soát giá thực phẩm và các sản phẩm cần thiết trong nông nghiệp cũng làm trầm trọng thêm tình trạng khan hiếm nguồn cung thực phẩm trên thế giới.
Tình hình trên khiến những người nghèo nhất thế giới và những người sống ở các khu vực xung đột như dải Gaza đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề. Các nước châu Á và châu Phi chủ yếu dựa vào nhập khẩu lương thực đang gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu trong nước. Những người nghèo bị ảnh hưởng lớn khi giá lương thực cao. Họ thường phải chi khoảng 50-60% thu nhập cho thực phẩm. Theo báo cáo năm 2023 của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), vào năm 2022, ước tính cứ 10 người thì có 1 người trên toàn cầu phải đối mặt với nạn đói hằng ngày. Trong khi đó, khoảng 42% dân số thế giới (tương đương 3,1 tỷ người) không đủ khả năng chi trả cho chế độ ăn uống lành mạnh vào năm 2021.
Bà Saarinen cảnh báo, những con số trên thật đáng kinh ngạc và cho thấy thế giới phải suy nghĩ lại về việc bảo đảm an ninh lương thực cho người dân. Theo bà Saarinen, các quốc gia G7 có thể đóng vai trò lớn trong việc cải thiện an ninh lương thực bằng cách hỗ trợ đầu tư nhiều hơn vào hệ thống lương thực địa phương, tập trung vào những hộ nông dân nhỏ vốn là trụ cột trong sản xuất lương thực để giúp họ đối phó với biến đổi khí hậu. “G7 nên phân bổ nguồn tài trợ mới để lấp đầy khoảng trống tài chính khổng lồ nhằm giải quyết nạn đói toàn cầu”, bà Saarinen nói.
Ý kiến ()