G7 áp mức giá trần với dầu thô Nga
Ngày 2-12, các thành viên của Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Australia tuyên bố đồng ý áp mức giá trần đối với dầu thô có nguồn gốc từ Nga ở mức 60USD/thùng.
Quyết định này sẽ có hiệu lực từ ngày 5-12 hoặc rất sớm sau đó. Mức giá trần sẽ được xem xét hai tháng một lần, với cơ chế điều chỉnh được áp dụng để giữ mức giá trần thấp hơn ít nhất 5% so với giá thị trường.
Tuyên bố chung của G7 và Australia mang tên Liên minh giá trần cũng cho biết, một mức giá trần khác cũng sẽ được áp đặt lên các sản phẩm dầu mỏ tinh chế từ Nga kể từ ngày 5-2-2023, Reuters đưa tin.
Tuyên bố trên được đưa ra chỉ vài giờ sau khi EU đạt được sự ủng hộ về mức giá trần của Ba Lan, quốc gia đã kêu gọi một cơ chế cứng rắn hơn đối với Nga khi đề xuất giá trần ở mức 30USD/thùng.
Khu cảng dầu của Transneft-Kozmino gần thị trấn Viễn Đông Nakhodka (Nga). Ảnh: Reuters |
Việc áp mức giá trần cho dầu Nga nằm trong nỗ lực của Mỹ và các nước phương Tây nhằm làm suy giảm nguồn thu của Moscow từ xuất khẩu dầu, kèm theo hy vọng có thể ngăn giá nhiên liệu toàn cầu tăng đột biến sau ngày 5-12, khi lệnh cấm vận của EU đối với dầu thô Nga bắt đầu có hiệu lực. Có thể diễn giải như sau: Các nước ngoài EU vẫn có thể tiếp tục nhập khẩu dầu thô của Nga qua đường biển với giá bằng hoặc thấp hơn mức giá trần, nếu không, họ sẽ bị các công ty vận chuyển, công ty bảo hiểm hàng hóa trên toàn cầu từ chối cung cấp dịch vụ, bởi các công ty này đa phần là của EU. Mức giá trần cũng đồng nghĩa với việc Nga sẽ không được hưởng lợi kể cả khi giá dầu trên thị trường thế giới tăng cao. Chẳng thế mà Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã tuyên bố, việc áp mức giá trần là một cú đòn giáng vào kinh tế, làm suy giảm đáng kể nguồn tài chính của Moscow.
Mong muốn là thế, song động thái này của G7 và EU dường như đang tạo ra nhiều dư luận trái chiều, khi mà một mặt, phương Tây muốn “bóp nghẹt” nguồn thu của Nga, cấm vận dầu Nga nhưng mặt khác vẫn muốn nguồn dầu Nga chảy vào thị trường thế giới, giữ cho thị trường không rơi vào tình trạng khủng hoảng khan hiếm, như lời của một quan chức cấp cao Bộ Tài chính Mỹ.
Trên thực tế, xuất khẩu dầu thô, khí đốt và các sản phẩm từ dầu mỏ chiếm phần lớn nguồn thu của Nga, vốn vẫn ở mức cao do sụt giảm xuất khẩu sau các lệnh trừng phạt của phương Tây, song đã được bù đắp bởi giá dầu tăng cao trên thị trường quốc tế. Thu ngân sách của Nga từ dầu khí tăng hơn 1/3 trong 10 tháng năm 2022.
Trước xung đột Nga-Ukraine, Moscow xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ tinh chế ở mức 8 triệu thùng/ngày. Khách hàng lớn nhất của Nga là EU đã cắt giảm nhập khẩu dầu từ Nga như một biện pháp trừng phạt, song Moscow đã chuyển hướng thành công nguồn khách hàng sang châu Á và xuất khẩu dầu của Nga chỉ giảm nhẹ xuống mức 7,6 triệu thùng/ngày.
Hẳn là Mỹ và phương Tây đã cân nhắc thiệt hơn rất nhiều trước khi “tung đòn” giá trần dầu thô, song quyết định này có thể trở thành “con dao hai lưỡi”, một khi nó phản tác dụng. Hãng thông tấn Nga TASS dẫn lời người đứng đầu Trung tâm phát triển năng lượng Nga Kirill Melnikov cho biết, việc áp mức giá trần không có nhiều ý nghĩa, bởi lẽ các công ty Nga sẽ không chấp nhận bán dầu với giá bèo bọt. Ngược lại, điều này có thể gây áp lực làm giảm xuất khẩu dầu của Nga từ 1 đến 1,5 triệu thùng/ngày trong vài tháng tới. Và khi đó, không loại trừ tình trạng khan hiếm nhiên liệu một lần nữa dẫn đến giá dầu vọt lên cao, hơn 100USD/thùng như đã từng xảy ra.
Các nhà ngoại giao Nga thì đánh giá, phương Tây “đang cố gắng giải quyết những vấn đề mà chính họ đã tạo ra một cách hấp tấp, rằng chính phương Tây đang phá bỏ các nguyên tắc cơ bản của thị trường tự do, làm gia tăng bất ổn, lũng đoạn thị trường và cuối cùng, người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu khi giá nhiên liệu tăng cao”. Như Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố, Moscow “sẽ không trả tiền cho sự thịnh vượng của người khác và xuất khẩu tài nguyên cho những người áp đặt giá trần”. Ông gọi việc áp dụng giá trần là “thủ thuật đánh bài” và “tống tiền trắng trợn”, rằng việc áp trần giá dầu tiềm ẩn nguy cơ áp trần giá các mặt hàng khác, gây hại cho nền kinh tế thị trường toàn cầu và làm xói mòn phúc lợi của hàng tỷ người dân trên khắp thế giới.
Ý kiến ()