Futsal nữ Việt Nam: Tiếp sức cho giấc mơ World Cup
Với chức vô địch giải giao hữu NSDF Women’s Futsal Championship 2024, đội tuyển futsal nữ Việt Nam cho thấy sức mạnh và tiềm năng cạnh tranh tấm vé tham dự kỳ futsal World Cup nữ đầu tiên sẽ diễn ra tại Philippines vào năm 2025. Báo Nhân Dân đã có cuộc trò chuyện cùng ông Trần Anh Tú, Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), về chiến lược và mục tiêu phát triển futsal nữ nước nhà trong thời gian tới.
Phóng viên: Đội tuyển nữ futsal Việt Nam mới đây đã lên ngôi ở giải đấu giao hữu quốc tế tại Thái Lan. VFF và đặc biệt là giải vô địch quốc gia futsal nữ đã thu được những thành quả bước đầu như thế nào, thưa ông?
Ông Trần Anh Tú: Với mục tiêu phát triển bộ môn futsal nhằm đặt nền móng và chỗ đứng vững chắc cho futsal nữ tại đấu trường khu vực và châu lục nên dù còn nhiều khó khăn, VFF đã rất nỗ lực và quyết tâm tổ chức thành công Giải vô địch quốc gia futsal nữ mùa giải đầu tiên vào năm 2022.
Đến nay, qua ba mùa giải tổ chức, giải đấu đang cho thấy những bước tiến ổn định và là sân chơi không thể thiếu với các cầu thủ. Đây là cơ hội để mọi người được thi đấu, cọ xát, tích lũy kinh nghiệm và nâng cao chuyên môn.
Không những vậy, các huấn luyện viên có thể tìm kiếm những gương mặt xuất sắc, triệu tậPhóng viênvào đội tuyển futsal nữ quốc gia. Qua mỗi kỳ giải, chất lượng của đội tuyển đã có những sự thay đổi rõ rệt. Chiếc cúp giao hữu quốc tế mới nhất cũng chính là kết quả đáng tự hào.
Phóng viên: Là cá nhân nắm rõ nhất bức tranh toàn cảnh của futsal nữ nước nhà, ông có suy tư gì về tiến trình phát triển của bộ môn này trong thời gian tới?
Ông Trần Anh Tú: Thực tế, trong quá trình tổ chức các giải đấu, chúng tôi nhận thấy mức độ phát triển của futsal nữ chỉ đang tập trung tại một số địa phương có phong trào như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Hà Nam.
Lần đầu tiên tổ chức Giải vô địch quốc gia futsal nữ, giải đấu có bốn đội tham dự, gồm Phong Phú Hà Nam I, Phong Phú Hà Nam II, Hà Nội và Thái Sơn Nam Quận 8. Năm 2023, số đội tăng lên con số 5. Trong đó, Phong Phú Hà Nam 1 và 2 gộp lại thành Phong Phú Hà Nam. Thái Sơn Nam Quận 8 đổi tên thành Thái Sơn Nam-Thành phố Hồ Chí Minh. Giải đấu đón chào hai đại diện mới là câu lạc bộ Thành phố Hồ Chí Minh và Sơn Luxsen. Mùa thứ 3, giải đấu lại quay về với bốn đội, gồm chủ nhà Phong Phú Hà Nam, Thái Sơn Nam-Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Đây là vấn đề VFF đang rất trăn trở và nỗ lực cùng với các địa phương tìm kiếm giải pháp phù hợp, nhằm bảo đảm số đội hiện nay tiếp tục duy trì và hướng tới phát triển hơn nữa. Muốn có thêm nhiều đội bóng futsal nữ, công tác đào tạo trẻ cũng cần được chú trọng và nhân rộng mô hình xã hội hóa từ các trung tâm, trường học…
Hơn nữa, điều dễ nhận thấy là nhân sự của các đội bóng đa số là cầu thủ, huấn luyện viên chuyển từ sân cỏ 11 người sang. Huấn luyện viên đạt chuẩn về bằng cấp tại các địa phương còn thiếu. Đó là chưa kể tới những bài toán cố hữu như cơ sở vật chất tập luyện và thi đấu, kinh phí hoạt động của các câu lạc bộ trong thời điểm kinh tế khó khăn.
Ngoài ra, để các giải futsal và đặc biệt là giải vô địch quốc gia đến gần hơn với người hâm mộ cũng cần sự quan tâm của những mạnh thường quân tham gia đồng hành, tài trợ cho giải đấu, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng cũng như tăng được mức thưởng, qua đó tạo sự hứng khởi cho các cầu thủ và đội bóng tham dự…
Phóng viên: VFF đã có những giải pháp gì để khắc phục những vấn đề này, thưa ông?
Ông Trần Anh Tú: Tuy còn nhiều khó khăn tồn tại (như yếu tố cơ sở vật chất tập luyện và thi đấu, kinh phí hoạt động của các câu lạc bộ...), hệ thống giải vô địch quốc gia futsal vẫn từng bước trở thành sân chơi quan trọng, có ý nghĩa cho các cầu thủ, qua đó góp phần tạo nền tảng cho đội tuyển futsal nữ quốc gia phát triển. Điều này có được là nhờ tinh thần cộng đồng trách nhiệm của các thành viên tham dự giải, sự hỗ trợ của các địa phương đăng cai, sự quan tâm của người hâm mộ và các cơ quan truyền thông.
Với quyết tâm phát triển ổn định và mạnh mẽ giải futsal nữ quốc gia, VFF đã sớm đưa futsal nữ vào hệ thống giải ngoài chuyên nghiệp cũng như tiếp tục đầu tư nâng cấp chất lượng giải đấu, nhằm lan tỏa những hình ảnh đầy cuốn hút của bộ môn này đến với cộng đồng. Chúng tôi cũng nỗ lực tìm kiếm và có được những sự hỗ trợ cần thiết với các địa phương đăng cai cũng như những đội tham dự giải.
VFF đang thúc đẩy và hỗ trợ tối đa các địa phương trong công tác đào tạo huấn luyện viên và các cán bộ đạt chuẩn nhằm trang bị những kiến thức và kỹ năng, cập nhật phương pháp huấn luyện để kiện toàn cơ cấu đội, nâng cao chất lượng đào tạo và huấn luyện của các đội futsal nữ.
Mở rộng số lượng địa phương đăng cai cũng là một trong những điều kiện quyết định sự thành công. VFF xin gửi lời cảm ơn tỉnh Hà Nam đã rất tích cực hỗ trợ VFF trong công tác tổ chức ba mùa giải gần đây. Chúng tôi hy vọng rằng các trận đấu ở các mùa giải tiếp theo sẽ được tổ chức ở nhiều địa phương khác trên cả nước, góp phần thúc đẩy và lan tỏa tình yêu futsal nữ tới gần hơn với người hâm mộ nước nhà.
Phóng viên: Năm 2025, Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) sẽ tổ chức futsal World Cup nữ đầu tiên tại Philippines. VFF đã xây dựng chiến lược gì để phát triển bộ môn này trong thời gian tới?
Ông Trần Anh Tú: Phát triển và đào tạo trẻ của bóng đá nữ nói chung và futsal nữ nói riêng luôn là một nhiệm vụ mục tiêu trong định hướng phát triển của VFF. Với vai trò cơ quan quản lý và tổ chức, VFF đang duy trì và tổ chức hệ thống các giải bóng đá nữ với đủ các lứa tuổi theo hệ thống giải AFC gồm U16, U19, nữ cúp quốc gia và nữ vô địch quốc gia. Đối với hệ thống giải futsal đã có Giải vô địch quốc gia cho nam và nữ, futsal Cúp Quốc gia cho nam và năm 2024 lần đầu tiên tổ chức Giải U20 futsal nam.
VFF sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng hệ thống các giải futsal nói chung, futsal nữ nói riêng, qua đó góp phần tạo nền tảng cho đội tuyển futsal quốc gia phát triển, gặt hái được thành tích cao ở khu vực và châu lục.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Ý kiến ()