FPT đồng hành kiến tạo thành phố thông minh vì lợi ích người dân, doanh nghiệp
Ngày 26/1, UBND tỉnh Khánh Hoà và FPT ký kết thoả thuận hợp tác chuyển đổi số toàn diện giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu chính đưa Khánh Hoà sớm trở thành tỉnh đi đầu cả nước về chuyển đổi số, triển khai thí điểm xây dựng mô hình thành phố thông minh (smart city) tại TP. Nha Trang theo hướng kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và quản lý, phát triển kinh tế-xã hội bằng công nghệ.
Không riêng Khánh Hoà, chính quyền nhiều địa phương tại Việt Nam đã xác định việc triển khai hướng đến mô hình thành phố thông minh sẽ là một trong những nhân tố quan trọng hàng đầu giúp các thành phố nhanh chóng phục hồi sau đại dịch – theo thông tin tại Hội nghị thành phố thông minh Việt Nam-ASOCIO tháng 11/2021.
Lựa chọn tất yếu hướng tới bình thường mới
Phát triển thành phố thông minh từ lâu đã trở thành một cuộc đua tốc độ của các đô thị trên khắp thế giới. Tại Việt Nam, trong 2 năm qua, đại dịch COVID-19 bùng phát tạo sức ép lên các đô thị, đặc biệt là các thành phố lớn, khiến chính quyền các thành phố cần nhanh chóng, quyết liệt hơn nữa trong việc áp dụng công nghệ và các giải pháp phát triển thông minh để đạt được mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong trạng thái bình thường mới.
Đây chính là lý do trong vòng 6 tháng, tỉnh Bình Định đã nhanh chóng triển khai việc đầu tư xây dựng và hoàn thiện Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC) với sự phối hợp của doanh nghiệp công nghệ FPT và đưa vào hoạt động vào tháng 11/2021. Việc xây dựng IOC là nội dung then chốt trong kế hoạch triển khai thí điểm dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh.
Trung tâm được xây dựng nhằm giúp chính quyền giám sát, điều hành tập trung các lĩnh vực thông qua một nền tảng công nghệ chung duy nhất; cung cấp số liệu toàn diện về các hoạt động trên địa bàn tỉnh; kết nối chặt chẽ thông tin và tương tác giữa cơ quan Nhà nước, chính quyền và doanh nghiệp, người dân.
IOC Bình Định cũng là một nội dung chính trong thoả thuận hợp tác chiến lược được ký kết bởi UBND tỉnh Bình Định, Tập đoàn FPT và Công ty TNHH McKinsey & Company Việt Nam về việc Lập quy hoạch tỉnh Bình Định giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, hướng đến mục tiêu đưa tỉnh Bình Định trở thành trung tâm kinh tế của khu vực duyên hải miền Trung và trung tâm AI hàng đầu khu vực.
Việc xây dựng thành phố thông minh, đẩy nhanh chuyển đổi số có mục đích lớn nhất là phục vụ lợi ích người dân, doanh nghiệp. Theo quan điểm của FPT, thứ nhất, thành phố thông minh là thành phố vì người dân, nơi người dân có môi trường sống, học tập, làm việc tốt nhất.
Thứ hai, thành phố thông minh là thành phố do người dân, mỗi người dân có tiếng nói của mình và được lắng nghe để cùng xây dưng một thành phố đáng sống.
Thứ ba, thành phố thông minh là thành phố do khoa học công nghệ và cho khoa học công nghệ. Không có thành phố thông minh nếu không có công nghệ hiện đại, nhưng thành phố thông minh với dữ liệu mở, cùng năng lực chỉ đạo, điều hành thông minh cũng sẽ là nơi cho các công ty sáng tạo khởi nghiệp, là nơi để công nghệ bước những bước phát triển tiếp theo.
Thứ tư, thành phố thông minh tạo ra nhiều cơ hội phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế số.
Tựu trung, thành phố thông minh sẽ là hạt nhân của phát triển kinh tế. Thành phố thông minh với dữ liệu mở sẽ là nền tảng để phát triển các dịch vụ số, các doanh nghiệp khởi nghiệp, thu nhập của người dân càng ngày càng tăng. Thành phố thông minh sẽ giúp kiến tạo một Việt Nam 4.0, là cách để Việt Nam tái thiết nền kinh tế vươn lên trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2045.
Hệ sinh thái hoàn thiện, không ngừng nâng cấp công nghệ
Ngay từ ngày đầu thành lập, FPT đã đồng hành cùng với chính quyền nhiều tỉnh, thành phố (TPHCM, Hà Nội, Quảng Ninh, Bình Định…) trong các chương trình chuyển đổi số từng bước đô thị, xây dựng thành phố thông minh dựa trên 6 trụ cột chính: Quản trị thông minh, kinh tế thông minh, môi trường thông minh, đời sống thông minh, công dân thông minh, giao thông thông minh.
Các giải pháp do FPT phát triển được xây dựng dựa trên các công nghệ lõi tiên tiến bậc nhất: Trí tuệ nhân tạo (AI), Big data, Cloud, IoT, Blockchain, Hyper Automation, Digital Twin, Security, 5G và đã được chứng minh hiệu quả trong thực tế.
Tập đoàn sở hữu nguồn lực nhân sự đông đảo, có chuyên môn, kinh nghiệm có thể từng bước đồng hành với hành trình phát triển thành phố thông minh của các đô thị lớn, nhỏ ở Việt Nam và trong khu vực, trên thế giới.
Chẳng hạn, Hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của TPHCM (HCM LGSP) do FPT triển khai được đánh giá là một trong những cấu phần nền tảng của kiến trúc chính quyền điện tử Thành phố, được xây dựng với tầm nhìn sẵn sàng 100% các nhu cầu nền tảng phục vụ thành phố thông minh.
Hay tại Quảng Ninh, địa phương đi đầu trên cả nước về chính quyền điện tử đã ứng dụng giải pháp Chính quyền số FPT.eGov 4.0, triển khai nền tảng hạ tầng và điều hành thành công nền tảng cơ sở dữ liệu cho chính quyền điện tử; tạo môi trường làm việc liên thông cho các cơ quan hành chính; xây dựng trung tâm dịch vụ hành chính công hiện đại.
Mới đây nhất, Đà Nẵng được trao giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam 2021 do VINASA tổ chức. FPT đã đồng hành cùng chính quyền Đà Nẵng trong việc xây dựng thành phố thông minh nhiều năm qua. Cụ thể, Đà Nẵng là một trong 3 trung tâm nhân lực quan trọng nhất của FPT với hơn 4.000 kỹ sư phần mềm, đạt tốc độ tăng trưởng nhân sự trung bình 40%/ năm. FPT triển khai phần mềm quản lý bệnh viện cho 13/16 bệnh viện của Đà Nẵng…
Đáng chú ý, khi triển khai xây dựng thành phố thông minh, FPT không chỉ là nhà cung cấp sản phẩm-dịch vụ, mà còn đóng vai trò là đối tác chiến lược của Chính phủ, chính quyền địa phương và các bên liên quan trong việc hoạch định, triển khai và vận hành thành phố thông minh. Từ đó mang đến cách tiếp cận toàn diện, tổng thể, xây dựng các thành phố thông minh thực sự bền vững, phục vụ lợi ích của người dân và doanh nghiệp, vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
Trong năm 2021, FPT đã thực hiện ký kết thỏa thuận hợp tác hỗ trợ xây dựng lộ trình, thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh tại nhiều địa phương, gồm: Khánh Hòa, Hà Giang, Thừa Thiên Huế, Ninh Thuận, Lào Cai, Hải Dương, Bắc Giang, Phú Yên, Bình Phước, Hòa Bình, xây dựng quy hoạch tỉnh Bình Định đến năm 2030.
Chiến lược xây dựng thành phố thông minh, cùng với sự chung tay của các doanh nghiệp công nghệ như FPT sẽ giúp cuộc sống của người dân sớm bình an, các đô thị quay lại nhịp phát triển và nắm bắt cơ hội bứt phá.
Ý kiến ()