Foxconn và kế hoạch tiến tới Việt Nam
Trong động thái mới nhất liên quan tới nạn tự tử gần đây tại nhà máy Foxconn, nơi chuyên sản xuất điện thoại iPhone và máy tính HP, lãnh đạo nhà máy đã dừng tuyển dụng công nhân Trung Quốc và chuẩn bị chuyển một phần hoạt động sang các nước khác, trong đó có Việt Nam.
Thời gian gần đây, cái tên Foxconn bỗng dưng được nhắc tới thường xuyên hơn trên các mặt báo. Tuy nhiên, cái sự “nổi” của Foxconn lại bắt nguồn từ thực tế không mấy hay ho. Không hiểu sao số công nhân tại các nhà máy này ở Thâm Quyến, Trung Quốc, tự tử ngày càng nhiều. Ban đầu, người ta còn đổ tội cho cơ chế làm việc quá hà khắc của Fonconn đã khiến cho người làm thuê quá tải, dẫn tới mệt mỏi, ức chế, và cuối cùng không chịu được buộc phải tự tử.
Thực trạng bất thường trên đã khiến cho hàng loạt đối tác của Foxconn như Apple, HP và Sony Ericsson tuyên bố sẽ vào cuộc điều tra xem thực hư thế nào. Bản thân Chủ tịch Foxconn, Terry Gou, cũng đã nhiều lần đi thị sát nhà máy, đồng thời đốc thúc giới quản lý phải thực thi nhiều biện pháp để ngăn chặn nạn tự tử. Foxconn là một trong số rất ít các nhà máy trên thế giới lắp hệ thống lưới chắn bên dưới các xưởng làm việc hoặc tòa nhà có công nhân ở. Đây là biện pháp khá thô sơ nhưng nó cho thấy thực tế rằng quản lý nhà máy đang phải làm hết sức để ngăn chặn nạn nhảy lầu ngày càng gia tăng trong số công nhân mà hầu hết tuổi đời của họ vẫn còn rất trẻ.
Chủ yếu là chuyện tiền nong
Sự thật dần sáng tỏ về những cái chết bất thường của công nhân Foxconn. Đích thân ông Terry Gou đã công bố một bức thư “tuyệt mệnh” của công nhân nhảy lầu trước đó. Trong bức thư này, người công nhân viết thư để lại cho cha mẹ rằng cái chết của anh ta sẽ được đền bù bằng rất nhiều tiền, gấp nhiều lần so với đồng lương “ba cọc ba đồng” của công nhân.
Thông thường, Foxconn bồi thường số tiền bằng 10 lần tiền lương gốc của công nhân cho mỗi trường hợp tự tử. Theo Terry Gou, số tiền này là “động lực” của hơn 10 trường hợp tự tử chỉ trong 6 tháng qua. Cũng theo vị giám đốc này, trừ trường hợp một kỹ sư của hãng tự tử do đánh mất phiên bản thử nghiệm iPhone thế hệ mới hồi tháng 7/2009, còn lại hầu hết các trường hợp nhảy lầu là vì tiền.
Đó là về phía công nhân, còn bản thân Foxconn cũng gặp vấn đề về chuyện tiền nong. Số là hãng này đang đau đầu với bài toán trả lương cho công nhân. Bởi vì theo những thông tin gần đây thì thu nhập cơ bản mỗi tháng của công nhân Foxconn đã tăng từ 132 USD lên 176 USD, và dự kiến có thể tăng 293 USD đối với những công nhân lành nghề. Đại diện Foxconn nói rằng khoản chi phí lương này là khá cao trong bối cảnh hiện nay, và rằng hãng này có thể tìm kiếm các nguồn lao động khác có chi phí thấp hơn.
Hiện Foxconn đang có 800 ngàn lao động tại Trung Quốc. Tuy nhiên, từ kể 2 tuần trở lại đây, hãng này đã tạm ngừng tuyển dụng thêm nhân công. Theo Edmund Ding, phát ngôn viên Foxconn, hiện chưa biết đến khi nào chương trình tuyển dụng này mới được khởi động trở lại. Cũng theo phát ngôn viên này, Foxconn dự tính sẽ siết chặt kỷ luật để tăng năng suất lao động, đồng thời tinh giản đội ngũ nhân công để giữ lại những người có trình độ chuyên môn cao.
Phần lớn lao động của Foxconn làm việc tại các dây chuyển lắp ráp. Các công nhân tuổi đời còn rất trẻ và chủ yếu là lao động phổ thông không có chuyên môn. Foxconn phải đào tạo tay nghề sau khi tuyển dụng, chính vì thế mà lương khởi điểm của công nhân khá thấp. Tuy nhiên, khi lương công nhân tăng lên, Foxconn lại lo ngại số tiền bỏ ra không “xứng” với doanh thu mà hãng này kiếm được. Foxconn thuộc quyền quản lý của Tập đoàn Hồng Hải, Đài Loan, chịu trách nhiệm sản xuất các thiết bị điện tử cho nhiều tên tuổi lớn như Apple, HP và Sony Ericsson.
Foxconn chuyển sang Việt Nam
Tháng 8/2007, Foxconn khai trương 2 nhà máy đầu tiên trong một loạt dự án trị giá 5 tỉ USD mà hãng này đầu tư vào Việt Nam. So với Trung Quốc, chi phí cho nhân công Việt Nam thấp hơn. Ngoài ra, lao động Việt Nam còn có nhiều lợi thế khác, đó là sự cần cù, chăm chỉ và sáng tạo.
Trong khi đó, đích thân ông Terry Gou đã thông báo trong cuộc họp cổ đông thường niên hôm 8/6 rằng Foxconn sẽ chuyển dần hoạt động sản xuất của họ sang các nhà máy đặt tại Việt Nam hoặc Đài Loan bởi khi mức lương cơ bản tại Trung Quốc tăng lên thì chi phí sản xuất cũng tăng lên. Dự kiến các nhà máy của Foxconn tại Việt Nam sẽ sản xuất linh kiện cho máy tính, máy in, camera, TV, laptop, ipod, iphone, điện thoại di động và viễn thông.
Việt Nam không chỉ là điểm đến cho kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất của Foxconn, mà còn của nhiều hãng sản xuất điện tử lớn khác trên thế giới, điển hình như Samsung và Canon. Đầu năm 2009, nhà máy sản xuất điện thoại di động của Samsung đã chính thức đi vào hoạt động với công suất ban đầu khoảng 60 triệu sản phẩm/năm, và cung cấp điện thoại di động cho thị trường toàn thế giới.
Ý kiến ()