Fitch: Kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển nhanh nhất khu vực
Theo đánh giá của Fitch, Chính phủ Việt Nam tiếp tục quyết liệt thực hiện cam kết củng cố nền tài chính và kiềm chế nợ công. |
Ngày 11/6, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings phối hợp với Tạp chí uy tín chuyên về tài chính The Asset đã tổ chức hội thảo chuyên đề đánh giá triển vọng kinh tế của Việt Nam trước những thách thức vĩ mô.
Tại hội thảo, đại diện Fitch Ratings đã chia sẻ về những yếu tố để tổ chức này quyết định nâng triển vọng tín nhiệm quốc gia Việt Nam từ mức ổn định lên tích cực, khẳng định duy trì mức xếp hạng BB. Theo đánh giá của Fitch, Chính phủ Việt Nam tiếp tục quyết liệt thực hiện cam kết củng cố nền tài chính và kiềm chế nợ công, và đã thành công trong việc đưa nợ Chính phủ từ mức 53% GDP năm 2016 xuống khoảng 50,5% GDP vào cuối năm 2018. Tổ chức này dự báo nợ Chính phủ của Việt Nam sẽ tiếp tục giảm xuống còn khoảng 46% GDP vào năm 2020.
Fitch dự đoán Việt Nam sẽ tiếp tục nhận được nguồn vốn FDI lớn vào lĩnh vực sản xuất, trong đó chủ yếu là vào mảng điện tử, nhờ lợi thế chi phí thấp và sự kết nối trong chuỗi cung ứng. Những xu hướng tích cực này sẽ hỗ trợ cho đà tăng trưởng kinh tế ổn định trong ngắn hạn, dù tình hình kinh tế toàn cầu đang suy yếu và mức độ phụ thuộc cao vào thương mại của Việt Nam có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế trong năm 2019 và 2020.
Theo đó, Fitch dự đoán tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ giảm nhẹ từ 7,1% năm 2018 xuống còn 6,7% trong năm nay và năm sau. Tuy nhiên, con số này vẫn nằm trong mục tiêu 6,6-6,8% mà Quốc hội đặt ra, và Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Ông Võ Hữu Hiển, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại của Bộ Tài chính, nhận định triển vọng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2019 và 2020 sẽ tiếp tục khả quan, với nền kinh tế vĩ mô ổn định, niềm tin vào môi trường đầu tư và kinh doanh tiếp tục được củng cố.
Tuy nhiên, ông Võ Hữu Hiển cũng đề cập đến những thách thức từ bên ngoài mà kinh tế Việt Nam đang gặp phải, như độ mở kinh tế lớn khiến Việt Nam dễ chịu ảnh hưởng từ bên ngoài, cạnh tranh thương mại Mỹ-Trung cũng sẽ có những tác động nhất định đến kinh tế Việt Nam, như việc chuyển hướng chính sách xuất nhập khẩu, lẩn tránh xuất xứ hàng hóa của một số nước vào Việt Nam, và những thay đổi trong chuỗi cung ứng và các dòng vốn đầu tư.
Trên cơ sở các thông tin kinh tế vĩ mô lạc quan, ông Võ Hữu Hiển cũng bày tỏ hy vọng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam trong thời gian tới sẽ tiếp tục được cải thiện, qua đó nâng cao uy tín quốc gia, giảm chi phí huy động vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận thị trường thông qua việc tăng cường khả năng thu hút các nhà đầu tư.
Thời gian qua, quốc tế tiếp tục nhận định tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam. Standard Chartered dự báo Việt Nam nằm trong nhóm 7 nền kinh tế có tăng trưởng 7% tới năm 2030.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()