FIR 4.0 - Mục tiêu ưu tiên của chính quyền Mỹ
Ngày 19/6 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc gặp với 18 giám đốc điều hành (CEO) của các công ty công nghệ hàng đầu tại Nhà Trắng. Ông Trump đã đưa ra yêu cầu là “Chính phủ Mỹ cần nắm bắt kịp với cuộc cách mạng công nghệ”.
Trước đó, hồi tháng 12/2016, ông Trump cũng đã có cuộc gặp với CEO công nghệ ở thung lũng Silicon tại tháp Trump, khiến giới nghiên cứu và dư luận cho rằng ông Trump rất có thể đã chọn mô hình phát triển dẫn đầu thế giới trong cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư hay còn gọi là FIR 4.0.
Từ tháp Trump đến Nhà Trắng…
Ngay từ khi chưa nhậm chức, ngày 14/12/2016, ông Trump đã tổ chức cuộc gặp mặt đầu tiên với các nhà lãnh đạo công nghệ tại tòa tháp Trump. Đây là cuộc gặp không chỉ mang ý nghĩa “gặp gỡ” thông thường, mà còn là nơi để các bên cùng bàn thảo và tính chuyện tương lai của Thung lũng Silicon. Một vấn đề khi đó được rất nhiều người quan tâm, đó là cách ông Trump sắp xếp chỗ ngồi cho cho các CEO công nghệ.
Khi đó, ông Trump nói với các nhà điều hành tại thung lũng Silicon rằng, không ai có thể giống như những người trong căn phòng này và tôi sẽ làm bất cứ điều gì để giúp các bạn phát triển. Ông Trump còn nói với CEO của các hãng công nghệ rằng, các nhà điều hành có thể gọi người của ông hay gọi trực tiếp cho ông khi cần và việc này không có gì khác biệt cả.
Ông Trump còn hứa hẹn rằng, ông sẽ đẩy mạnh công bằng trong giao dịch thương mại và tạo điều kiện dễ dàng hơn nhiều để các công ty trong thung lũng Silicon giao dịch với các quốc gia khác mà ít gặp phải rào cản hơn trước. Theo giới quan sát, cuộc gặp mặt khi đó là thể hiện ông Trump rất quan tâm đến vị thế công nghệ của nước Mỹ trong nhiệm kỳ của ông và trong tương lai.
Mới đây, ngày 19/6, với cương vị chủ Nhà Trắng, ông Trump cùng các CEO công nghệ đã bàn về khu vực kinh tế tư nhân hướng tới cắt giảm sự lãng phí của chính phủ và cải thiện dịch vụ công nghệ thông tin. Theo ước tính, những cải tiến về công nghệ thông tin sẽ tạo ra một “cơ hội kinh tế”, giúp nước Mỹ tiết kiệm khoảng 1.000 tỷ USD trong vòng 10 năm.
Tổng thống Trump nói: “Mục tiêu ưu tiên của chúng tôi là đưa ra một sự chuyển đổi sâu rộng trong việc áp dụng công nghệ vào các dịch vụ công của chính phủ liên bang nhằm cung cấp dịch vụ tốt hơn đáng kể cho người dân”, rằng “Chính phủ cần bắt kịp với cuộc cách mạng công nghệ”.
Giám đốc điều hành của Apple Tim Cook cho biết: Trong khi đó, các công ty công nghệ lại đang hướng tới một sự hợp tác chặt chẽ hơn với Chính phủ Mỹ, nhằm giải quyết những vấn đề về mặt chính sách. “Hoa Kỳ nên là nước có chính phủ hiện đại nhất thế giới. Nhưng thực tế ngày nay lại không như vậy”.
Giám đốc điều hành Amazon Jeff Bezos chia sẻ rằng, ông muốn chính quyền của Tổng thống Trump sử dụng các công nghệ sẵn có về thương mại, đào tạo nhân viên, học máy và nhất là trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI)
Qua thảo luận các CEO và Nhà Trắng cũng thừa nhận chương trình thị thực của Tổng thống Trump hồi tháng 4 là nhằm đưa lao động nước ngoài có trình độ cao vào nước này. Nhiều giám đốc điều hành cũng mong muốn Nhà Trắng giúp giải quyết các vấn đề về chính sách công nghệ. Đặc biệt, Tim Cook là một trong những CEO ủng hộ mạnh mẽ nhất kế hoạch đưa lao động có tay nghề cao của nước ngoài vào Mỹ của Tổng thống Trump.
Nước Mỹ tiếp tục dẫn đầu thế giới về công nghệ…
Theo giới quan sát, cuộc chạy đua giữa hai ứng cử viên hồi năm ngoái là bà Hillary Clinton đại diện cho các thế lực tiếp tục duy trì mô hình chủ nghĩa tư bản tài chính – ngân hàng, còn ông Donald Trump đại diện cho các thế lực Mỹ lựa chọn con đường phát triển theo mô hình chủ nghĩa tư bản công nghiệp trong thời đại mới (FIR 4.0).
Sự thất bại của bà Hillary Clinton chính là sự thất bại của mô hình chủ nghĩa tư bản tài chính – ngân hàng, hệ lụy của nền “kinh tế ảo” chiếm 60% GDP đã gây ra hai cuộc khủng hoảng kinh tế lớn vào những năm 70 của thế kỷ trước và thập niên đầu của thế kỷ XXI (2008) đến nay vẫn chưa phục hồi và phát triển.
Ông Donald Trump đại diện cho các thế lực ở Mỹ lựa chọn con đường phát triển theo mô hình chủ nghĩa tư bản Công nghiệp 4.0, nhằm đưa đồng USD trở lại đúng giá trị thực của nó. Vì thế, với chủ trương “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”, ông Trump muốn khôi phục vị thế số 1 của Mỹ là một quốc gia đã từng chiếm lĩnh đỉnh cao nhất trong cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 3 trong thế kỷ XX.
Ông Trump cũng chủ trương chấp nhận trật tự thế giới đa cực, vì đó là xu thế không thể đảo ngược, nhưng ông Trump cũng cho rằng, Mỹ vẫn là cường quốc vĩ đại có vai trò lãnh đạo thế giới nhưng phải hợp tác với các nước khác trên cơ sở hai bên cùng có lợi.
Do đó, ông Donald Trump đã có những quyết sách “khác lạ” chưa từng có, gây tác động không chỉ làm thay đổi nước Mỹ mà cả thế giới. Đó là, việc hủy bỏ cam kết TPP, ngừng đàm phán về TTIP, và mới đây nhất lại đưa nước Mỹ ra khỏi Hiệp định khí hậu Paris. Bởi ông Trump cho rằng, các thỏa thuận trên đều “không công bằng với Mỹ”, “chiếm đoạt công ăn việc làm của người Mỹ”…
Như vậy, trong bối cảnh khủng hoảng mô hình phát triển, với những động thái triển khai chính sách trong 4 tháng cầm quyền cho thấy, Tổng thống Trump có thể đã chọn mô hình chủ nghĩa tư bản Công nghiệp mới. Theo đó, bảo đảm cho nước Mỹ tiếp tục dẫn đầu thế giới trong thời đại FIR 4.0, khôi phục vị thế đồng USD và sự lãnh đạo toàn cầu của Mỹ, hợp tác cùng có lợi với các nước trên cơ sở “nước Mỹ là số một”./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()